TRƯỚC NGÀY LÀM SINH VIÊN (Hồi ký, kỷ niệm 5 năm ngày thi đại
học)
Kỳ 2: HUẾ VÀ EM
tác giả ảnh: Võ Triều Hải |
Vậy là mình cũng thi xong khối A
rồi. Dù thế nào thì cũng phải chia tay Bình Định để đến với xứ Huế - một nơi xuất
hiện nhiều trong các ẩn phẩm thi ca ở trường phổ thông. Ước mơ của mình sẽ
thành hay bại đều trên đất ấy. Ôi xứ kinh kỳ mông mơ của ta ơi!
Mười hai giờ trưa 5/7/2008 đón xe
tại ngã ba Diêu Trì, xe chạy mãi đến khoảng tám giờ tối thì đến đường tránh phố
Huế. Hai cha con đi xe ôm về phường Đúc, xin tá túc trong gia đình của một nghệ
nhân đúc đồng. Ba mình là học trò của nghệ nhân này. Mình có đêm đầu tiên với
Huế.
Sáng ra, trời Huế trong xanh. Cái
nóng nồng dần dần ngự trị một khoảng không vô tận. Một mình bước ra bờ sông
Hương, khỏa tay vào dòng nước, úp mặt đón nhận những giọt nước mát rượi. Giá mà
nước có thể gột rửa nỗi sợ hãi đang hiện hữu trong mình lúc này. Mình sẽ ra
sao? Sẽ là niềm tự hào cho cả dòng tộc hay là người gây ra điều tiếng cho cha mẹ.
Rằng thì: “con nhà ấy, mười hai năm học sinh tiên tiến mà cũng rớt đại học. Chứng
tỏ ngày xưa đi học là mua chuộc thầy cô chứ có tài cán gì đâu”. Thầy cô vẫn bảo
rằng “ Đậu đại học là đến với thiên đường, rớt đại học là đi tìm đến địa ngục.
Em chọn đi!”. Xin tổ chức kỷ niệm cái gọi là sinh nhật. Ba Má nói rằng đậu đại
học rồi Ba Má tổ chức một lễ to đùng cho con vừa ý.
Niềm khao khát có đứa con đỗ đại học thể hiện
trong từng câu nói của Ba Má. Có những bữa ăn, nghe Má kể con nhà nọ nhà kia học
đại học được cái này rồi được cái kia. Nghe sao mà thích thế. Mình ước ao đậu đại
học đến thế. Ước ao bao nhiêu thì sợ hãi bấy nhiêu. Sợ mất niềm tin yêu của Ba
Má. Sợ cuộc sống khó khăn nếu thi rớt. Nghe người ta nói muốn có việc làm thì bắt
buộc phải đỗ đại học. Nỗi sợ hãi cứ thế được bao phủ bởi vẻ mặt tịnh không. Cứ
thế học, cứ thế ôn, cứ thế đạp xe ngược dốc ngược gió., lăn lội gần mười cây số
để tầm sư học đạo. Mình không muốn mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển. Nhưng
thôi, đi ăn sáng đã. Nghĩ làm gì cho mệt.
Lửng thửng bước ra con Bùi Thị
Xuân, ngó nghiêng nhìn phố xá. Có chị bán hàng nói tiếng Huế ngòn ngọt :
- Vô ăn bánh em nì. Bánh sáng ni ngon dữ
tợn em nờ.
- Sáng ni em muốn ăn bánh canh Huế chị nờ.
Chỗ chị có bán khoông?
- Bên tê có bán em tề.
- Dạ, em cảm ơn chị dziều (nhiều) nghe.
Lại bước qua đường, con đường Bùi Thị Xuân buổi sáng thật
yên tĩnh. Lâu lâu mới có một chiếc xe với âm thanh nhẹ nhàng lướt qua. Ngồi ăn
bánh canh và im lặng nghe thổ âm xứ Huế. Nghe cái cách luyến láy, cách sử dụng
từ ngữ. Hay thiệt. Người xứ lạ có thể
nói sành sỏi giọng Huế nhưng họ không thể là người Huế vì cách sử dụng từ ngữ để
cấu thành câu mỗi địa phương nó khác nhau. Bắt chước được ngữ âm nhưng khó bắt
chước cách dùng từ lắm.
Ở phường Đúc đến chiều ngày 7/7/2008 thì chuyển đến khu trọ
gần địa điểm thi tại trường Cao Đẳng Nghề Du Lịch. Hai cha con đang dò hỏi nơi
thuê trọ. Bỗng có một chị gái đến bảo vô nhà chị ấy ở miễn phí. Năm nào Ba Mạ
chị ấy cũng làm công quả cho thí sinh thi đại học. Sợ bị lừa nhưng nghe mấy anh
chị sinh viên tình nguyện nói thế nên tin. Nhìn sang bên cạnh có anh bạn người
Quảng Ngãi cũng đang bơ vơ nên rủ bạn ấy vào ở chúng với hai cha con luôn.
Sáng ngày 8/7/2008, men theo bờ sông Như Ý, ăn bánh canh, hưởng
chút hương đồng gió nội bên lũy tre làng. Thành phố mà cũng có nơi dân dã thế. Sáng
hôm đó đi làm thủ tục.
Sáng ngày 9/7/2008. Ba cầm máy tính, giấy tờ và bỏ vào túi
áo của Ba. Mình tay không long nhong trên đường. Đến gần phòng thi thì lấy máy
tính, hai cây bút bi, hai cây bút chì và một cục gôm đem vào. Rồi thì bắt đầu “quyết
tử cho tương lai quyết sinh”. Trời ơi, mình bị 4 cái quạt nó tra tấn. Mình
không ngồi quạt lâu được. Xưa giờ nóng đến mấy cũng để vả mồ hôi chứ dùng quạt
khó chịu lắm. Đang ngủ mà hơi thở phà vào da tay cũng không chịu được. Phải kiếm
tấm vải lót lên da tay. Gió trời thì mình chịu được chứ gió quạt thì thôi. Xin
kiếu. Ngồi thi không ớn gì, chỉ ớn bốn cái quạt. Thế rồi cũng đến giờ thu bài.
Ở ngoài cổng, nghe tiếng chuông báo hiệu hết giờ thì Ba bảo
cô bán nước làm sẵn một ly chanh muối (món khoái khẩu của con gái rượu mà). Ba
bắt đầu run run khi thấy có mấy đứa chạy ra úp mặt vào lòng bố mẹ khóc. Nhìn
mãi mới thấy con gái cưng lửng thửng bước ra. Mặt lạnh tanh như lúc vào phòng
thi. Ba hỏi có làm được không? Mình chép miệng bảo học bao nhiêu thi thi bấy
nhiêu. Chờ kết quả chứ Ba lo gì. Ba bảo không mang đề ra mà soát đáp án à. Mình
bảo khi đi mang cái gì thì khi về mang đúng những thứ ấy. Phải như chưa hề có
việc đi thi chứ. Hơi đâu mà níu kéo quá khứ hả Ba. Đi ăn cơm Ba ơi. Chiều chiến
đấu môn khác.
Cứ như thế mình bước qua môn thi cuối cùng vào sáng ngày
10/7/2008. Bước ra khỏi cổng địa điểm thi. Thấy Ba khoe rằng Ba mua vé tàu vài
Sài Gòn để cho con thi cao đẳng rồi. Mình bảo bài làm như thế thì có rớt trường
này cũng “dư xăng” xét nguyện vọng ở trường khác. Không thi thố gì nữa. Thi cao
đẳng làm gì cho hại đời mấy đứa. Thế là quyết định đi trả vé tàu. May sao có vị
phụ huynh nghe lóm cha con nói chuyện nên ngỏ ý mua lại vé. Bán lại cho họ. Bớt
mười nghìn cho hai bố con họ.
Trưa hôm đó chạy thẳng đến phường Đúc để chơi tiếp. Cái đầu
của mình lúc nó như quả bom có sức nén cao nhưng ngòi nổ bị tịt vậy. Toàn thân
không có bất kỳ cảm giác gì. Lúc đó ước gì mình ngất đi thì sướng hơn. Thế là
quyết định vào chùa, lạy cho mồ hôi bật ra và vắt kiệt chút sức cuối cùng để
mong mình ngất đi cho khỏe chứ cảm giác lúc đó khó chịu lắm. May sao mồ hôi vã ra
thì người thấy khỏe hơn rất nhiều.
Chiều hôm đó hai cha con đạp xe vòng quanh phố Huế. Đi tham
quan Đại Nội. Lúc mua vé. Nhìn mình nhỏ bé quá nên Ba lừa họ là trẻ em dưới 14
tuổi. Người bán vé tin mới đau não chứ. Kết quả vé của Ba là 35 000VNĐ còn vé của
mình có 7 000VNĐ à. Vào cửa trót lọt rồi mình cười he he bảo có hai mươi tám
nghìn uống nước mía rồi. Tham quan hết khắp nơi mọi chốn. Ra hai cha con quất ba
cốc nước mía. Tất nhiên mình uống hai cốc.
Có sức để đạp xe đi chùa Thiên Mụ. Lúc về ghé quán cơm chay Bồ Đề ăn tối.
Chiều ngày hôm sau lên xe về Dak Lak. Chấm dứt một mùa thi cử.
----
Đón đọc kỳ tới: KHOẢNG TRỜI GIỮA VINH VÀ NHỤC
***
Bấm vào Kỳ 1: Em Gái Xuống Núi để xem phần trước
Buôn Ma Thuột, sáng 11/7/2013
Tây Nguyên Xanh
Chắc là nhỏ con, loắt choắt nên mới mua vé trẻ em dưới mười bốn tuổi ngon lành. Bán vé tàu chịu thiệt, không thi nữa. Không đậu trường nọ sẽ đậu trường kia. Tự tin ghê. Nhưng không thấy kể làm bài thế nào, đề dễ, khó ra sao. Chi tiết đó cũng thú vị lắm.
ReplyDeleteNgồi làm bài ra sao thì cháu cũng chẳng nhớ rõ nữa nên chịu bác ạ hihi
DeleteMột kỉ niệm rất đẹp và vui Cán Bộ ạ.
ReplyDeleteMột thời để nhớ lão ạ
Delete