Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, August 19, 2013

KHAO KHÁT MỘT TIẾNG ĐÀN

August 19, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: T-shooter Tuấn
   Đồng hồ sinh học chạm mốc thức dậy của tri giác. Dán vào của sổ một ánh mắt vô hồn, cứ nhìn, nhìn mãi mới định hình được những gì xung quanh. Tai nghe kính cửa kêu lập cập do va chạm với song sắt, hình như gió ngoài trời thổi mạnh. Vươn tay đẩy chiếc chăn bông ra khỏi vòng ngực, chăn rơi xuống đè lên bụng. Một cảm giác nặng hơn, ấm hơn lan tỏa khắp vùng bụng. Uột...uột...! Ôi cái tiếng gì thế nhỉ? Tiếng kêu phát ra từ bụng đấy. Đói rồi, dậy mò cơm thôi.
   Đầu nghĩ thế nhưng sự lười nhác cố hữu của người con gái vẫn muốn kéo cái chăn lên chút nữa. Một chút nữa thôi, ta muốn chìm vào giấc ngủ. Giá mà có ai đó hôn lên trán ta, ẳm bồng ta dậy như hoạt cảnh được miêu tả trong tiểu thuyết. Bỗng ngầm thấy giá trị của chiếc hôn. Người ta lấy độ mặn nồng của chiếc hôn làm thước đo sâu đậm của tình yêu. Người ta bảo nụ hôn có thể làm tan băng giá. Cái này thì có thể tin được. Vì theo vật lý học thì băng tan ở ngưỡng trên một độ xê. Thân nhiệt của con người là ba mươi độ thì không khéo làm nước bốc khói chứ băng còn đâu mà tan nữa. Chợt cười vì phút ôn lại kiến thức chuyên ngành. Lấy suy nghĩ của vật lý mà áp vào suy nghĩ của văn chương. Thú vị thật. Thế mới biết cái “nhựa” của văn chương nó kết dính bao nhiêu lối nghĩ đơn điệu để làm nên một chỉnh thể nhân loại đặc sắc.
   Tay quờ quạng tìm kiếm chiếc điện thoại di động. Xem thử tối hôm qua có ai nhắn tin trong đêm không. Thấy có hai cái tin nhắn. Nhắm mắt hồi tưởng thì nhớ ra hình như nửa đêm có tiếng chuông đổ và ta có bắt máy. Nói gì đó trong sự cám dỗ của giấc nồng. Để sáng ra phải thảng thốt vì dòng tin nhắn của họ. Hình như họ chờ trả lời tin nhắn suốt đêm. Bỗng dưng thấy có lỗi....Thôi thì đã đến lúc “điểm tô má hồng” rồi. Vùng vẫy, hất hủi một cái chăn đã ôm trọn mình qua một đêm nồng. Giờ nghĩ lại, thấy ta sao phũ phàng đến thế.
Nhón chân, tay với cái lược trên đỉnh giá sách. Uể oải chải lược lên mái tóc mỏng thưa. Lại nhớ tên bài hát “Anh Chải Tóc Cho Em”. Nhạc bài hát ấy thật là buồn. Nghĩ đến âm nhạc làm ta khao khát một tiếng đàn do ai đó đánh. Ai đó không nói yêu ta nhưng họ sẵn sàng đánh đàn bất kỳ khi nào ta muốn. Chỉ một tin nhắn “anh ơi. Em muốn nghe đàn” thì ta nghe được một bản nhạc đồng quê nào đó. Thầm cảm ơn tấm chân tình của ai đó gửi về ta.
   Trong sâu thẳm ta vẫn muốn đến một phòng trà ấm cúng. Nhâm nhi tách trà và ngắm ngía người nghệ sĩ gửi tình yêu vào những nốt nhạc. Đầu lắc lư cứ như thể họ không còn là chính mình khi đứng trước âm nhạc. Họ hiến dâng tất cả cho một bản nhạc dù rằng nó ngắn hoặc họ đang đánh vì kế sinh nhai. Ai nói người làm nghệ thuật thì nghèo? Thực ra người theo nghệ thuật chân chính thì bao giờ cũng được trả hậu hĩnh. Vì bản thân người đã bỏ thời gian để nghe một bản nhạc thì họ chẳng tiếc rẻ gì trong việc trả công cho người nghệ sĩ. Tiếc rằng có vô số kẻ “đội lốt làm nghệ thuật chân chính” để làm vấy bẩn nền nghệ thuật tươi đẹp mà thôi. Bọn chúng giành giật, bọn chúng a dua, bọn muốn thể hiện cái tôi trong nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật là một cái đẹp. Mà cái đẹp thì không có thuộc tính riêng. Nếu không hòa mình mà cứ giữ khư khư cái tôi thì nghệ thuật trong con người ấy chết. Kéo theo hàng loạt cái chết đơn lẻ. Làm cho cục diện nghệ thuật không bằng phẳng. Cái đó người ta gọi là sóng gió hậu trường.
  Ta muốn thôi suy nghĩ về âm nhạc nhưng lũ chim trong vườn không cho ta yên. Bọn chúng cứ chít chò gọi nhau. Mỗi tiếng chít chò là mỗi lần ta phải điên đảo ngó nghiêng tìm kiếm tác giả tiếng chít chò ấy. Cứ như thế, chúng liên thanh hót làm ta ngờ ngệch giữa buổi sáng an lành. Gió se se lạnh cho ta vừa đủ nhớ vòng eo của ai đó.  Đành mở một cái đĩa nhạc để đi tìm sự thánh thiên của tình yêu đôi lứa qua lời ca tiếng hát. Ngẫm mà thấy các Cụ thuở xưa yêu hay thật. “Yêu nhau đứng ở đằng xa....con mắt liếc lại bằng ba đứng gần....”. Bằng chừng ấy chữ thôi mà gợi bao nhiêu cảm giác.
   Đã qua cái thuở ấy rồi, Ngày nay yêu nhau đứng ở bờ rào... nhắn tin một phát vào nhà nghỉ ngay. Vì thế nên nhạc bây giờ không như xưa nữa. Thị trường quá, mùa màng quá. Cần lắm cái nét quê quê trong mỗi nốt nhạc thuở giao thời...
Buôn Ma Thuột, 19/8/2013
\H’Tây Niê

2 comments: