Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 31, 2013

LẤY ĐĨ VỀ LÀM VỢ CÒN HƠN LẤY VỢ VỀ LÀM ĐĨ

August 31, 2013

Share it Please
LẤY ĐĨ VỀ LÀM VỢ CÒN HƠN LẤY VỢ VỀ LÀM ĐĨ
    Đó cái ý phảng phất trong đầu tôi khi đọc xong cuốn tiểu thuyết Gã Tép Riu của tác giả Nguyễn Bắc Sơn. Cốt truyện dường như khai triển từ cái tứ “ Đĩ ” mà ra. Một chặng đường dài từ cô gái học ngành cảnh sát ở trình độ trung cấp, có tố chất cầu tiến và cuối chặng đường là một con điếm Nguyễn Diệu Thủy núp dưới cái chức danh hào nhoáng trong nội các trung ương. Mỗi một nút thắt con đường đều được Diệu Thủy khai thông bằng những màn “mây mưa” có kỹ nghệ. Cô ta nghệ thuật đến mức đưa tiền lo lót nhờ Thầy làm giùm cái luận văn thạc sĩ và  luận án tiến sĩ bằng cách hẹn thầy ở quán cà phê đèn mờ, rồi đặt một chiếc hôn dài, còn tay thì mở cái cúc áo của Thầy rồi nhẹ nhàng cho phong bì rơi vào áo. Cô còn là con con điếm có đầu óc. Cô biết ai trên quyền ai, nên cho ai viên kẹo ngọt để thăng tiến quan trường. Và sau đó cô vẫn đến với họ như một sự trả ơn mà quên đi mình đã có chồng rất mực yêu chiều vợ.
    Trần Xuân Tùng – một nhà báo tâm huyết với nghề, sau này được cân nhắc lên làm quản lý ở Sở thì anh là một con người biết trăn trở với thời cuộc và dám làm vì những trăn trở ấy – chỉ vì thường xuyên góp ý và hướng dẫn cách làm việc cho vợ mà anh bị vợ ghét rồi dần dần nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong công việc tràn vào buồng the dẫn đến hạnh phúc tan vỡ. Nó vỡ cũng vì một lý do nữa đó là : “Có con chân bấm rễ bàng. Không con thiếp chỉ làm bạn qua đường cùng anh”. Đứa con trai của duy nhất của Thủy và Tùng hy sinh trên biển. Thủy mải chăm lo má phấn môi son, bán trôn nuôi quyền cho đến khi cần sinh nở để gia đình yên ấm thì quá muộn.
    Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã “nhồi, bóp” cuộc mâu thẫn trong công việc của đôi vợ chồng trí thức này đồng thời đánh dấu sự hiện diện của con đĩ tên Đào Thị Dự trong cuộc đời của nhân vật Tùng. Dự - một con đĩ thành thật đến mức như muốn trần truồng cho Tùng xem những vết tích sau những lần đi khách –  coi trọng văn chương nhưng lận đận trên con đường khoa bảng, làm thêm ở quán Chiều Tím để có tiền ôn thi đại học, những mong bán trinh với cái giá ba mươi triệu để sống thì đau đớn tột cùng khi nhận ra số tiền ấy thuộc ngân hàng địa phủ. Đời ca ve của cô bắt đầu từ đấy. Bằng việc kể lại con đường dẫn Dự đến với thế giới đàn bà, tác giả đã bóc cái nón mẽ của những kẻ trân-trọng-trinh-tiết-con-gái.
    Những kẻ ấy hành xử thế nào nhỉ? À! Đầu tiên họ đưa cho Dự con dao (để cô giết hắn nếu bị hãm hiếp) và một số tiền xứng đáng cho việc “ngắm cái đẹp”. Đúng lời hứa. Hắn chỉ ngắm. Lần thứ hai hắn trả tiền để chạm vào hiện vật bằng môi. Dự chẳg mất gì mà lại có thêm tiền mua sắm. Đến lần thứ ba thì phong bì dày cộm gấp sáu lần cái trước, Dự đã tin hắn mà không bóc phong bì. Và cô đã cho ong lấy mật hoa. Lúc về bóc phong bì thì hỡi ôi....sao cô nhớ mẹ đén thế. Thằng đểu ấy đã đánh vào niềm tin non nớt của cô gái thôn quê nơi phố thị. Khi thằng đểu mà rành rẽ hành vi của người quân tử thì quả là vô cùng đáng sợ. Tùng nghe rõ, nghe kĩ từng chi tiết một. Nghe và cảm nhận sự thành thật đến nao lòng của một cô gái điếm. Tùng muốn nghe cô kể chuyện bởi vì ấn tượng cách nói rất văn của cô gái tiếp viên trong lúc anh đi kiểm tra tình hình kinh doanh quán karaoke. Tùng muốn lôi cô ra khỏi chốn bùn nhơ ấy. Đúng lúc “vợ bất chiều chồng” cộng thêm sự đồng điệu giữa hai kẻ thích văn chương, thế là gái điếm Đào Thị Dự trở thành vợ chui của gã tép riu Nguyễn Xuân Tùng.
    Chỉ vì vạch ra cái sai của cấp trên (trong đó có vợ anh) trước cơ quan đoàn thể mà Tùng vị Thủy cạch mặt trong ngôi nhà vốn đã lạnh tanh ấy. Có người lại bóng gió cho biết vì sao vợ anh được thăng chức nên Tùng chẳng thấy áy náy gì nhiều vì việc có vợ chui. Hôn nhân của họ kết thúc bằng một phiên tòa “ê mặt”. Hai kẻ trí thức lột trần chuyện buồng the ra cho bàn dân thiên hạ cùng rõ. Nếu Diệu Thủy không muốn hạnh hạ chồng bằng cách không chấp nhận ly hôn thì không đến mức Tùng phải phanh phui “mặt nệm trải giường cưới có mấy bông hoa”. Tòa tuyên án ly hôn cho hai người. Truyện kết thúc ở đấy. Nhưng ai cũng rõ ngay sau đó anh chàng Tùng ngoài đời sẽ đăng ký kết hôn với cô Đào Thị Dự ngay. Rõ ràng là nhân vật Tùng ấy thà lấy đĩ về làm vợ còn hơn lấy vợ về làm đĩ.
    Đấy là cái cốt của truyện, còn da thịt của truyện là những câu chuyện liên quan đến nghiệp viết, nghiệp quản lý. Truyện nói nhiều về ngành xuất bản và những ứng xử của các bên liên quan đến những vấn đề tương đối nhạy cảm của cuộc sống đương thời. Tôi thích tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn vì thích lối viết có thiên về khẩu văn. Tác giả đã đưa những từ ngữ truyền khẩu (không có trong bất kỳ cuốn từ điển nào) vào trong lời thoại của nhân vật. Điều này hình như chỉ trong các cuốn tiểu thuyết mới có chứ những truyện dài kỳ trên các tạp chí thì họ không dám dùng. Văn trên các tạp chí trang nhã quá cho nên lắm khi tôi thấy gượng gạo nên nhác đọc.
    Tôi có cảm giác như toàn bộ cuốn tiểu thuyết chính là nội dung một cuộc tâm sự dài giữa hai người đàn ông. Người đàn ông ấy kể và Nguyễn Bắc Sơn chấp bút. Không biết có phải do câu viết đầu cuốn sách, tác giả nói “Bối cảnh trong cuốn sách này hầu hết là có thật, với khá nhiều sự việc thực” mà tôi đâm ra quy kết như vậy. Dẫu biết rằng truy chụp ý tưởng văn chương là một điều không nên nhưng tôi vẫn muốn nói ra cái cảm nhận ấy. Hy vọng có nhiều tác giả dám viết và dám in để cho mọi người có cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống muôn màu.
    Nhân đây tôi rất trân trọng tấm lòng một người bạn Hà Nội luôn nhớ về Tây Nguyên đã tìm mua và gửi tặng Em Gái Tây Nguyên cuốn tiểu thuyết này. Mạng xã hội Facebook và blog đã cho tôi cả một tủ sách quà tặng bốn phương đấy các bạn ạ.

Buôn Ma Thuột, 31/8/203
H’Tây Niê

1 comments:

  1. Anh chỉ đọc ông Sơn mỗi cuốn Luật đời và cha con.

    ReplyDelete