Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, August 31, 2013

TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI K'HO

August 31, 2013

Share it Please
HÀ ANH
 "Trên xứ Cao nguyên, nơi mà các chàng trai không cần phải là con nhà giàu mà vẫn có vợ; nơi mà các cô gái muốn có chồng phải có tiền bạc, của cải và lặn lội đi "bắt chồng", và cũng chính các cô phải là người chủ động cho chàng ăn “trái cấm”.
Thiếu nữ muốn lấy chồng phải… “ăn cơm trước kẻng”
   Với người K’ho dưới chân núi LangBiang ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, để chính thức trở thành vợ chồng bắt buộc họ phải có với nhau một vài mặt con...
   Lúc này, nhà gái mới giết heo, mổ trâu tổ chức đám cưới mời phía nhà trai, anh em họ hàng, buôn làng tới ăn mừng. Từ nay đôi lứa mới chính thức thành vợ thành chồng.

Nguồn ảnh: Báo Dân Trí
   Người K’ho dưới chân núi LangBiang, phụ nữ luôn là trụ cột chính trong gia đình gần như quyết định mọi vấn đề hệ trọng. Và ngay cả trong hôn nhân, họ cũng sẽ là người chủ động đi bắt chồng về nhà ăn nằm với mình.
   Theo luật tục khởi thủy của người K’ho, trai gái chỉ được phép cưới nhau khi đã có con, nếu không có con thì không được tổ chức đám cưới. Và khi đã có con thì dứt khoát phải tổ chức đám cưới, dù là có già đến sắp chết, vì có cưới nhau họ mới có thể dựng vợ, gả chồng cho con cái sau này. Không một gia đình của tộc người này chịu cho nhà gái bắt con mình về ở rể khi bố mẹ nhà vợ vẫn chưa cưới nhau.
   Lễ đi hỏi của nhà gái thường bắt đầu vào lúc 17 giờ khi mặt trời đã khuất dưới dãy núi Langbiang. Người K’ho quan niệm ban đêm con người sẽ được thần linh chứng kiến, tác hợp cho đôi trẻ. Khi được sự đồng ý của nhà trai, hai bên đi đến bàn bạc và nghe nhà trai… “ra giá” tiền và bao nhiêu sính lễ. Đặc biệt, những chàng trai có học hoặc những gia đình giàu có thì “giá” cao hơn!. Ngày xưa sính lễ trong một đám cưới thường là: trâu, bò, heo, cồng chiêng, váy, khố, vòng, nhẫn... Nhưng ngày nay tất cả được quy ra tiền và vàng. Muốn có được một tấm chồng, nhà gái cũng phải có ít nhất là 01cây vàng và 30 triệu đồng tiền mặt.
   Cẩn thận không mang tiếng với buôn làng
   Với người K’ho, lễ cầu hôn thực chất là một cuộc đấu trí giữa gia đình hai bên mà bên nào thua lý, yếu lẽ sẽ bị thất bại. Khi nhà trai từ chối gả con, phía nhà gái sẽ tiếp tục thuyết phục: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi”.
   Nếu người con trai thật sự không bằng lòng để người con gái bắt mình về nhà họ sẽ trả lời: “Hôm nay con không lấy, ngày mai con cũng không lấy. Con đâu ở dưới nước mà sợ”, sau đó tháo vòng vừa được nhà gái đeo vào cổ bỏ xuống bàn.
   Việc từ chối cầu hôn này sẽ làm tổn thương danh dự của phía nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Nhà gái chỉ cầm vòng tay về, còn toàn bộ số tiền trên sẽ dành cho người mai mối.
   Theo luật tục của người K’ho, đối với con trai đang trong thời gian có người con gái săn hỏi bắt về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác. Và cũng không cho phép bất cứ người con gái nào đến đặt vấn đề bắt người con trai này về làm chồng.
   Với người K’ho gia đình thường không cấm đôi lứa yêu nhau. Khi đã ưng cái bụng của nhau, nếu thích hai người có thể được tự do chung sống như vợ chồng mặc dù phía nhà gái chưa chính thức đi hỏi.
   Khi hai người đã ở với nhau như vợ chồng, nhà gái vẫn sẽ lựa chọn ngày lành tháng tốt sắm vòng tay đến nhà trai hỏi xin bắt chồng về cho con.
   Thế nhưng, cũng có những chàng trai K’ho vốn “cứng đầu” không chịu nhận trách nhiệm làm chồng mặc dù trước đó đã ăn nằm với người con gái từ lâu. Những người con trai “dám làm không dám chịu” này.
   Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp anh con trai “xù” bằng cách chối bay, chối biến việc đã ngủ với cô gái khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng (thường là trâu, heo, rượu cần). Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng.
   Nếu nộp phạt ít, nhà gái có thể tự ái bỏ về mà không cần bất cứ vật phẩm phạt vạ nào từ phía nhà trai. Những người con trai này sẽ bị nhà gái xem là “đĩ đực”, coi thường và khinh rẻ. Đối với tộc người K’ho ở chân núi Lang Biang, ai bị xem là ‘đĩ đực’ và bị coi thường thì rất khó có người xin bắt về làm chồng.
   Cho đến nay, hầu như bà con dân tộc K’ho chưa bao giờ biết hoặc nghĩ tới chuyện ly hôn. Cho dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và vẫn còn vất vả nhiều. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi lòng chung thủy vợ chồng của bà con dân tộc K’ho nơi đây. Đó cũng là điều đáng mừng do họ biết sống và tuân thủ luật tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.
Nguồn bài:http://dantri.com.vn/du-lich-kham-pha/chuyen-trai-gai-an-trai-cam-duoi-chan-nui-langbiang-773710.htm  
   Bình luận của chủ trang: Tôi thích nội dung bài viết này của tác giả Hà Anh trên báo Dân Trí nhưng tôi không thích tiêu đề của bài báo. Tiêu đề như vậy là khiếm nhã đối với một nét đẹp của một tộc người K'ho.

2 comments: