LỄ THÍ THỰC TRONG
NGÀY RẰM THÁNG BẢY.
Ảnh sưu tầm từ internet |
Ghi chép
Tháng bảy âm lịch theo dân gian truyền lại là tháng âm linh
cô hồn. Những ngày cận kề rằm tháng bảy, dưới âm tào địa phủ sẽ thực hiện đại
xá cho các vong linh để họ tìm về nguồn cội. Với ý nghĩa đó, những người đang sống
ở Việt Nam có dịp thăm ngó bàn thờ gia tiên nhiều hơn. Những người sống tưởng
nhớ người đã chết qua nén nhang khói bay nghi ngút. Vào ngày rằm tháng bảy người
ta hay làm một mâm cúng thí thực. Ở trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến lễ
thí thực của một số hộ gia đình theo Phật giáo. Nghĩa là lễ thí thực được tổ chức
sau lễ bạch Phật. Và đồ ăn thức uống cúng tế đều là chay cả.
Thông thường, một mâm thí thực-tạ trời đất thì có mâm thượng
và mâm hạ và mâm gạo nổ Mâm thượng là để cúng trời đất. Mâm hạ là cúng chúng
sanh. Ngoài ra còn một cái bàn đựng gạo, nổ, muối và một vài thứ khác nữa. Cụ
thể như sau:
1) Mâm thượng: Mâm thượng chính là cái mâm cao nhất. Người
ta đặt một cái bàn lớn ngay trước sân nhà, đối diện với bàn thờ lộ thiên. ở góc
bàn gần phía bàn thờ lộ thiên có úp mấy cái chén hoặc một vật gì đó để làm giá
đỡ cho một cái mâm đặt trên đó. Trên mâm người ta đặt một cái lư hương (thông
thường là đổ gạo vào cái ly), một bình hoa, một đĩa quả, một đĩa xôi, khoảng ba
hoặc năm ly nước, kột vài chén chè (tùy số điều kiện gia chủ giàu hay nghèo mà
số lượng chén chè và đĩa xôi nhiều hay ít). Không bao giờ đặt đũa và muỗng trên
mâm thượng. Có lẽ người ta quan niệm rằng các vị thần thì “hưởng” chứ không “ăn”
nên không cần đũa muỗng.
2) Mâm hạ: Đây là mâm đặt thấp hơn mâm thượng. Trên đó trình
bày tất cả những loại đồ ăn thức uống cúng tế. Tùy vào điều kiện gia đình mà đồ
ăn ngon hoặc xoàng xỉnh. Trên cái bàn này có đặt một cái lư hương ở ngay phía đối
diện với lư hương mâm thượng. Cũng bày biện một bình hoa, một vài ly nước cúng.
Nhất thiết phải có chén không và đũa muỗng.
3) Mâm cháo nổ: Mâm được đặt thấp hơn mâm hạ. Trên mâm bày
biện một tô cháo, năm cái chén có sẵn một cái muỗng trong mỗi cái. Một đĩa vàng
mã (tùy điều kiện giàu nghèo mà đĩa này có nhiều hay ít). Trên đĩa vàng mã còn
có thêm một bao thuốc lào, vài con cá khô, một đĩa trầu têm, một đĩa đựng gạo,
nổ, muối. Trong đó nổ được tạo ra từ việc rang thóc trên lửa cho nó nổ ra rồi
nhặt lấy phần lõi bên trong. Sở dĩ phải có mâm cháo nổ này là vì người ta quan
niệm có những vong cô hồn là trẻ sơ sinh nên chỉ ăn cháo được thôi. Có thể có
vong là cụ ông nên có thuốc lào và trầu thì cho các vong cụ bà. Có cá khô là
hình như để cho các vong súc sinh hay sao ấy. Tôi chưa rõ về điều này lắm vì
không tiện hỏi.
Sau khi chuẩn bị đồ lễ xong xuôi thì gia chủ bắt đầu hành lễ.
Họ thắp hương và đọc kinh (nếu có theo đạo). Lời khấn của họ có nội dung đai
khái như là:
“Hôm nay là ngày...tháng...năm...
Gia đình chúng con gồm......Cư trú tại....
Chúng con thành tâm thiết lễ thí thực, nguyện cầu cho tất cả
các hương linh cửu huyền thất tổ quá vãng, các hương linh hữu danh vô vị hữu vị
vô danh được sớm về nơi cội nguồn giải thoát. Cầu cho đất nước thái hòa. Mùa
màng tốt tươi. Đời sống no ấm”
Khi hương cháy được hơn một nửa rồi thì người ta đem gạo, nổ,
muối trộn lẫn vào nhau và rải đi khắp sân và ngoài ngõ. Người nào hay có ảo
giác thì đôi lúc hay tượng tưởng ra có cả nghìn cánh tay giơ lên xin ăn. Thương
lắm. Sau khi rải xong thì người ta bắt đầu đốt vàng mã. Vừa đốt, họ vừa cầu xin
hai vị hộ pháp ở cổng nhà phân phát cho các hương linh âm cô hồn để tránh những
thành phần đó tranh giành nhau. Thế nên người ta hay đốt ở phía trong sân nhưng
gần cổng nhà. Lễ xong, gia chủ đem đồ cúng vào nhà và ăn cho hết. Vì nếu đổ đi
thì mang tội.
Ở góc nhìn văn hóa thì đây là một hình thức phản ánh ước vọng
giao hòa với thiên nhiên vạn vật của con người. Lễ thí thực cũng là một biểu hiện
tín ngưỡng của dân tộc ta. Tuy nhiên xét ở góc độ kinh tế thì người ta vẫn cho
đây là một sự lãng phí. Vì gạo và muối được rải đi khắp nơi, Chi phí sắm vàng
mã cũng cao. Vàng mã đốt nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường. Mỗi một góc nhìn
cho một vài lý lẽ riêng, nhưng nếu ta kết hợp mọi góc nhìn để có cái nhìn tổng
thể thì có lẽ lễ thí thực tồn tại rất nhân văn.
Buôn Ma Thuột, 13/8/2013
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment