Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, August 27, 2013

THẦN TƯỢNG

August 27, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: Anh Tuấn
    Hồi bé tí ti, thấy người lớn nghe Chế Linh, Hương Lan, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung hát. Mình còn con nít mà. Thích học theo người lớn nên cứ ngồi tẩn mẩn nghe nhạc với các cụ. Nghe mãi cũng quen, mà nghe quen rồi thì hay thấy trống vắng khi không có tiếng nhạc. Thành ra cũng khá thần tượng các ca sĩ ở hải ngoại.
   Lớn lên tí nữa, xem phim trên ti vi thấy người ta chạm hai cái môi vào nhau thì mình bắt đầu hỏi mẹ “Họ làm gì thế Má ơi”. Mẹ cú vào đầu một cái bảo “con nít con nớt mà hóng hớt chuyện người lớn”. Bức xúc quá. Mình đem nỗi ấm ức này hỏi thằng bạn (mình ngu thế, ai lại hỏi bạn trai thế không biết). Thằng bạn nói đó là hôn. Mắt mình long lanh, nhìn thấy thằng này biết nhiều hơn mình. Thần tượng nó thế.
   Sau cái vụ tìm hiểu định nghĩa “hôn là gì” thì mình bắt đầu biết rung rinh con tim. Thấy bạn nam nào cùng lớp mà da trắng, môi đỏ, mắt bồ câu là xoắn xoét kiếm cớ rơi cái bút gần bên nó để nhờ nó lấy hộ, từ đó thì bắt chuyện với nó luôn. Còn bạn nam nào học giỏi thì cứ kiếm bài toán khó mà đem đi thắc mắc. Lắm thằng nó cáu, nó chửi: “con này ngu mà lì ”. Nói chung thời đi học thì thằng nào học giỏi đẹp trai thì mình nhìn nó với ánh mắt ngưỡng mộ. Sau này mới biết người ta định nghĩa kiểu nhìn ấy là “cái nhìn thần tượng”.
    Cũng chỉ vì “thích” mấy bạn nam đẹp trai, học giỏi ấy nhưng họ chẳng ngó ngàng đến nên mình rơi vào trạng thái “thất tình giai đoạn nhẹ” và chuyển sang “yêu thầm”. Mà đã yêu thầm thì càng thích nghe nhạc buồn buồn, than trách người thương “sao phũ phàng em thế”. Hồi ấy thích nghe những câu như “sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì....” hay là “anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc, biết làm gì cho em khi không được bên em. Thà làm đau chính anh hơn gấp trăm ngàn lần. Còn hơn trông thấy em đau đớn vì ai....”.  Dòng nhạc với những ca từ tựa tựa như thế thì thường được hát bởi Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Đan Trường, Lương Bích Hữu, Quang Vinh, Vân Quang Long, Ưng Hoàng Phúc, Lý Hải. Lưu Gia Vỹ, Thanh Thảo, nhóm nhạc MTV...Nước láng giềng Trung Quốc thì có Triệu Vy, Tô Hữu Bằng, nhóm nhạc F4...Hồi đó đó, mình thấy bạn bè truyền tay nhau nghe nên mình cũng a dua họ. Cũng lại tẩn mẩn nghe cho “kịp thời đại”. Mình là dân 9X mà. Không biết những dòng nhạc ấy thì đến trường bị coi là lạc hậu. Bạn bè mình thần tượng những người hát ấy lắm.
   Nhưng nghe là nghe vậy nhưng mình thích nghe anh Trọng Tấn và chị Anh Thơ hát lâu lắm rồi cơ. Hình như hồi học cấp hai hay sao ấy. Cứ có chương trình âm nhạc nào mà có tiếng hát Anh Thơ, Trọng Tấn thì mình nghe đắm đuối. Đến nỗi hồi ấy và cho đến tận bây giờ, chỉ cần nghe giọng Trọng Tấn hát thì mẹ mình vẫn trêu “Người yêu của bé Beo kìa”. Beo là biệt danh của mình lúc ở nhà. Mình gầy quá nên mẹ hay gọi như vậy. Mình thích dòng nhạc của anh Tấn và chị Thơ hát. Sau này mới biết đó là nhạc mamg âm hưởng dân gian đương đại.
   Vào đại học thì mình bắt đầu yêu thật. Và thì tình yêu sinh viên mà. Vỡ choeng một tiếng. Đóng cửa cái sầm và khóc thút thít, rồi lại “sao anh bỏ ra đi....”. Nhưng bỗng một ngày đẹp trời, mình thích nghe hát Xẩm, thích tìm hiểu về hát Bội, hát Chèo, Chèo Văn, hát Xoan, hát Ví Dặm. Từ hồi đó đến bây giờ. Mình quên hẳn dòng nhạc mà “ông hoàng nhạc pop” Đàm Vĩnh Hưng đang nổi tiếng. Mà mình không biết đó là nổi tiếng hay tai tiếng.
   Hồi đó bộ phim Vườn Sao Băng do Đài Loan sản xuất nổi như cồn. Nhóm nhạc F4 chỉ được biết đến sau khi bốn thành viên thủ vai bốn chàng nhân vật chính trong phim. Lũ choai choai như bọn mình khoái những bộ phim “bom tấn” này lắm. Bọn mình tuy lít nhít nhưng mà cực ham xem phim hun hít. Thích nhất là xem hoạt cảnh hôn dưới mưa. Lãng mạn thôi rồi. Đâm ra thần tượng diễn viên.
   Vì chưa có nhiều máy tính để vào internet như bây giờ nên bọn phổ thông cùng trang lứa với mình hồi đó siêng đọc báo Mực Tím lắm. Hễ có thông tin gì về thần tượng của bọn nó là chúng khoe ầm ầm. Hoặc vô tình đọc được scandal (vụ bê bối) liên quan đến thần thượng của bạn bè thì chúng thổi phồng lên. Thành ra chuyện đánh nhau vì thần tượng mình bị bếu rếu xảy ra rất phổ biến.
   Mình nghĩ chỉ có lứa mình với như vậy. Ai ngờ bọn choai choai hậu sinh bây giờ cũng “khả ố’ có số. Chúng tự lập Fanpage (tạm dịch “trang của người hâm mộ”) trên mạng xã hội Facebook. Chúng không tiếc lời khen những người được nhà quản lý lăng xê trên Fanpage ấy. Chúng chèo kéo người ủng hộ bằng cách bấm nút “like” (thích) trên Facebook. Trang nào có nhiều cái Like thì trang ấy “hiển nhiên” là hot (nóng hổi). Đi đâu chúng cũng vênh mặt vì thần tượng của mình có nhiều “Like”. Nhiều khi chúng thấy chán thần tượng của mình lắm rồi nhưng chúng không muốn bẽ mặt vì sự từ bỏ. Cho nên cố gượng gạo bao biện cho “cố thần tượng” của mình.
   Chẳng biết đánh nhau vì thần tượng thì chúng được lợi gì nhưng hình như những kẻ muốn-được-nổi-tiếng-nhưng-không-qua-con-đường-khổ-luyện được hưởng lợi. Mấy kẻ đó tâng bốc bọn lít nhít thần tượng mù quáng lên hàng “Fans nhí” để dựa vào đó mà ngoa ngôn lộng ngữ. Họ đếm cái “like” trên Facebook rồi tự phong mình là ông hoàng bà chúa.
   Cái thuật ngữ “Fan” trong tiếng Anh có nghĩa là người hâm mộ (Trang 427, Từ điển Anh-việt, nhóm soạn giả  Hoàng Thu, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Ngọc, Trần Thùy Linh. NXB Từ Điển Bách Khoa, 2008). Lâu nay người ta quen thói cho nên vẫn nói một cách thừa chữ rằng “Fan hâm mộ của....”.Đó là lỗi của giới truyền thông. Không biết các Fan của những người thường xuyên gây tai tiếng có thành phần tuổi tác như thế nào nhưng hình như thế hệ 9X nằm trong số Fan này rất nhiều. Nhiều đến nỗi hễ mình đi đâu đó, tự giới thiệu là dân 9X thì không ít các cô các chú nghĩ mình là “đũa mốc mà chòi mâm son”. Dân 9X chỉ biết lai căng thì ngồi cùng mâm với các cô các chú tôn sùng truyền thống dân tộc mà làm gì. Không biết những “Fan Nhí” cuồng nhiệt đến mức nào mà ố cả một cộng đồng sinh vào những năm 90 của thế kỷ XX.
    Họ đang hâm mộ những kẻ không biết nói một lời nói cảm ơn (dù là khách sáo) với những người bậc cha bậc chú đã góp ý thẳng thắn với mình. Thần tượng của họ như thế. Thảo nào báo chí có thể sưu tầm được những câu chuyện có thật về việc cháu đánh ông đánh bà, con đánh mẹ đánh cha. Đó là cái giá của việc thần tượng người hay khoe.
   Con người ta thường hay thần tượng những gì mà mình không đạt được. Khi đã đạt được rồi thì không còn trân trọng như xưa nữa. Ai chứ như mình đây, hay cả thèm chóng chán lắm. Nay thần thượng người này. Mai thần tượng người khác. Thành ra không biết thần tượng ai. Chỉ xấu hổ cho ai tự cho mình là thần tượng.

Buôn Ma Thuột- 27/8/2013 – H’Tây Niê

0 comments:

Post a Comment