Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, October 28, 2013

AI DẠY CON TIẾNG GỌI “MẸ ƠI”

October 28, 2013

Share it Please
    Cái miệng đứa bé đó méo sang một bên và phát ra một âm thanh tựa như tiếng khóc có xen lẫn vần “e” khi Ba nó thay quần áo chuẩn bị đi hái cà phê mà không ẳm nó. Hơn hai tuổi rồi mà nó cứ im im. Tôi hỏi: “nó không biết nói hả chú?”. Ba bé trả lời rằng vốn dĩ nó nói sõi rồi nhưng có một lần bị té xuống cái lồng cá nên từ đó tới giờ nó ít nói ít cười như vậy đó. Tôi lại tò mò muốn biết Má nó đâu. Người đó nói “làm đĩ ở Kiến Đức rồi con”. Nghe tưởng nói dóc...mà hình như thiệt.
   Có một người đàn ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Sóc Trăng. Sống trong môi trường “bồi thì ở, lở thì đi” cho nên chú có cái gì đó thể hiện sự phóng khoáng. Chỉ hơn tôi có tám tuổi thôi nhưng “bị” tôi gọi là chú, nói như thế để có thể hình dung được cái nét mặt già trước tuổi của chú ấy. Nước da ngăm, mặt khắc khổ, hút thuốc lào mới đã cơn thèm, người nhỏ thó nhưng lanh lợi, khỏe và siêng làm, đó là vài nét sợ bộ về chú ấy. Tay nâng ly rượu nhỏ xíu, vừa nhắp môi vừa thủng thẳng kể chuyện. Chú bảo Ba chú mất cách đây gần hai mươi năm rồi, nhà chú đông anh em lắm. Ông già (cách gọi phổ biến khi người miền Tây nhắc đến cha) chú hồi đó cũng nhiều của lắm nhưng sau ổng chết, Má chú lấy người khác. Ổng chiếm hết nhà cửa, may còn nấm mồ của ông già chú là ổng không có lấy thôi. Bà già (mẹ) chú say xin hoài à. Cả nhà chú ai cũng biết uống rượu hết á. Hồi xưa đó, ông già tuyên bố vầy nè. Nếu không biết uống rượu thì ổng không cho làm dâu làm rể nhà này đâu. Cái hồi chị ba mới cưới anh của chú, đến bữa cơm là bà khép nép ghê lắm. Bả không biết uống rượu nhưng mà ông già chú lấy can rượu ra, cả nhà uống rượu quay vòng quanh mâm cơm. Một thời gian sau, bả nghiện rượu luôn vậy à. Tiếc là ổng mất sớm, kéo theo chú phải khổ. Chú nói ở miền Tây mà sống không có cha thì khổ lắm con ơi. Trai miền Tây thương vợ thương con, còn gái miền Tây thì....thấy ai hơn chồng là nó bỏ con theo người đó à.

   Chú nắm bàn tay bé xíu và tặc lưỡi nựng đứa con gái hơn hai tuổi như để người ta không nhìn được sâu vào mắt. Chú nói mẹ của con bé này sanh nó được mấy tháng rồi bỏ theo ông chủ trồng cà phê ở trên Kiến Đức (tỉnh Dak Nông) rồi. Hồi xưa hai vợ chồng chú làm mướn ở đó, chắc do thấy kiếp làm thuê khổ quá nên cổ bỏ chồng con đi theo phù phiếm xa hoa. Qianh năm chú đi làm mướn cho họ để có tiền mướn người ta ẵm con cho chú. Không biết người ta coi con chú theo cái kiểu gì mà nó bị rớt dưới cái lồng cá của họ. Từ hồi đó tới giờ nó ít nói ít cười vậy á, chú thương nó quá sá luôn. Tôi hỏi mẹ nó có khi nào về thăm con không vì nhiều khi người ta chọn cách “bán mình nuôi con”. Chú bảo có đôi khi cô ta gọi điện về hỏi thăm con nhỏ và muốn biết chú dạo này sống ra sao. Chú nói hai cha con tao có đi ăn xin cũng không muốn dính dáng đến thứ dơ dáy như mày. Lời nói có vẻ cay nghiệt quá. Tôi im lặng một hồi lâu để nghe và để kiếm tìm niềm tin vào lời nói đó. Tôi lại hỏi sao chú không nhờ bà nội của nó nuôi. Chú nói rằng bà nội nó xỉn rượu miết à. Bữa hổm bả bị té mà không nhớ té ở đâu. Sớm ra thấy đau chân nhưng vẫn đi làm rồi đến bữa nhậu tiếp. Bả không kham con cháu đâu. Bà nội như vậy rồi nên mấy anh em của chú cũng không ai giữ hết. Chú không biết chữ nên không có đi làm giấy khai sanh cho nó được. Lòng tôi mềm nhũn. Tôi vội nghĩ đến sự thiệt thòi của người mù chữ trong cái xã hội công nghệ thông tin này. Rồi con của người mù chữ ấy sẽ có chữ hay không khi Ba xác định cả đời làm mướn.

    Ngửa bàn tay ra có ngón dài ngón ngắn, xã hội có muôn vàn hoàn cảnh, tôi sợ sự cay nghiệt sẽ khiến tầm nhìn bị hạn hẹp. Sự hận thù mẹ sau này có thể giết chết tình yêu trong sáng của bé. Chẳng biết từ khi nào tôi hay mấy niềm tin vào những người ưa miệt thị hoặc quá cay nghiệt về một vấn đề gì đó (cho dù nó là xấu xa, đáng khinh). Nhưng nếu căn cứ theo những lời được cho là tâm sự của người đàn ông này thì tôi muốn biết ai sẽ dạy cho đứa bé gái ấy tiếng gọi “mẹ ơi” trong tâm khảm, ai sẽ giúp bé vượt qua phút bối rối khi thấy một vài chấm đỏ ở đũng quần, ai sẽ dạy bé phải chung thủy với chồng khi mẹ bé là người giành giật chồng của kẻ khác, ai sẽ truyền lại những kinh nghiệm sinh đẻ và chăm sóc cô trong thời kỳ ở cữ. Bé đói bụng thì có thể nói với Ba nhưng những chuyện tế nhị ấy cô biết ngỏ cùng ai. Người ta sinh ra bé ra theo bản năng nên có lẽ bé cũng phải dựa vào bản năng mà sống, bé nhỉ?

BMT, 28/10/2013, Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment