Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, October 11, 2013

NỖI BUỒN RIÊNG CHUNG

October 11, 2013

Share it Please
Tác giả ảnh: Nguyễn Na Sơn
   Chị hỏi “ở trên đó có lập bàn thờ và em có đi thắp nhang cho Cụ không?”. Lặng mình mấy giây rồi tôi nhắn trả lại là “không”. Có nghĩa là tôi không đi thắp nhang chứ sự vĩ đại của Cụ đáng được mọi nơi trên Tổ Quốc này tôn thờ. Phú Yên quê chị có lập bàn thờ thì có lẽ Dak Lak cũng có làm bàn thờ Cụ. Mấy hôm nay Hà Nội như lặng mình giữa trời thu ảm đạm, người ta sống chậm lại, người ta bước đi có thứ tự để được vào căn nhà số 30 trên con đường Hoàng Diệu. Nhìn dòng người đang nhích từng chút ấy khiến tôi không khỏi tự hỏi bao giờ mới đến lượt tôi. Tôi muốn tự tay mình viếng tang Cụ ngay tại căn nhà số 30 ấy, nếu không được thì mai này tôi muốn về nơi Cụ an nghỉ để thắp nhang. Nếu ai cũng có lối nghĩ như tôi thì có lẽ con đường Hoàng Diệu của Thủ Đô sẽ không có đủ không khí cho nhân dân cả nước hít thở khi cùng nhau đổ về thắp nhang cho Cụ và mai này sẽ có nhiều người như tôi muốn về Quảng Bình thắp nhang lên mộ Cụ. Người ta sẽ biết nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến quê hương của Cụ. Tiềm năng du lịch của quê hương Cụ nhờ đó mà được củng cố. Có phải chăng vì thế mà Cụ muốn được về với quê cha đất mẹ Quảng Bình sau khi sống trọn một kiếp người trứ danh.
Cụ Võ Nguyên Giáp_Người chụp: Nguyễn Quang Vinh
   Chiếc lá nào cũng nhằm hướng gốc cây mà rụng nhưng phải tùy vào hướng gió mà biết lá sẽ chạm nơi nào trên mặt đất. Cụ cũng giống như chiếc lá vậy, Cụ muốn về quê hương an nghỉ nhưng khi nào cụ về tới đó lại do người đang sống quyết định. Dư luận nói nhiều về sự ra đi của Cụ, có lời tiếc thương và có lẫn cả những lời lẽ săm soi thuở sinh thời của Cụ. Cụ trứ danh quá cho nên nơi an nghỉ của Cụ cũng được bàn nhiều trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Lịch sử đã chọn Cụ và Cụ cũng đã hết mình vì trang sử vẻ vang của dân tộc. Là kẻ hậu sinh, lại vốn lười đọc sách nên tôi chỉ biết rất ít về Cụ. Tôi không có quyền đánh giá lời nói của ai về Cụ là đúng hay sai nhưng tôi muốn người ta cho Cụ được một vài giây phút làm người bình dị. Họ đang tôn vinh Cụ hay là đang khuếch trương tầm hiểu biết của họ vậy?
   Cụ ra đi sau những ngày quê hương nổi bão giông. Gió cuốn bay hàng ngàn nóc nhà, thổi sập biết bao bức từng che mưa nắng của dân. Nước cuốn trôi hàng trăm con vật nuôi. Kế sinh nhai của người dân bị bão cuốn đi sạch sẽ. Tôi vẫn tưởng những người dân ấy sẽ vật ra mà khóc mà kêu trời ơi đất hỡi. Tôi cứ nghĩ lúc này dân Quảng Bình chỉ quan tâm bao giờ có tiền cứu trợ, nhưng thực sự họ đang thắc mắc khi nào Cụ về tới quê hương. Họ cố khắc phục hậu quả sau bão và góp sức trang hoàng nơi yên nghỉ của Cụ. Bên cạnh nỗi buồn riêng vì thiên tai, giờ đây họ cũng có một nỗi buồn chung với đồng bào cả nước. Mấy ai được lưu giữ trong lòng toàn dân và toàn quân được như Cu và chủ tịch Hồ Chí Minh.
   Tây Nguyên chúng tôi chưa bao giờ hứng bão. Nhưng những ngày bão về tàn phá vùng ven biển nào đó của xứ Việt này thì trời Tây Nguyên cũng trút mưa. Cụ Võ Nguyên Giáp ra đi, nước mắt của người Tây Nguyên chúng tôi cũng hòa vào dòng lệ của đồng bào cả nước. Chẳng cần truyền hình Trung Ương và ban tuyên giáo của địa phương thông báo Quốc Tang mà tự trong lòng mỗi chúng tôi đều tự nhủ nên bớt cười, bớt giỡn, bớt trêu ngươi kẻ khác một chút, sống chậm lại một chút và thắp nén nhang lòng tưởng nhớ Người đã khuất. Già trẻ trai gái sống trên khu vực Tây Nguyên chưa bao giờ tách biệt với nhịp thở của đồng báo cả nước.
   Còn với gia đình tôi, ông nội tôi mới mất được mười ngày thì nghe tin Cụ ra đi. Nhà vốn có tang nên tôi cũng không biết nỗi buồn lúc này là nỗi buồn riêng hay chung nữa. Chỉ biết rằng tôi chờ từng phút để xem truyền hình trực tiếp lễ di quan và an táng Cụ. Nguyện cầu  cho hương linh của ông nội và của Cụ Võ Nguyên Giáp được sớm về nơi cội nguồn giải thoát. A Di Đà Phật!
Chín mươi xuân, Cụ vẫn tưới cây rất khỏe. Ảnh chụp trong lần cuối Cụ về thăm quê lúc sinh thời. Người chụp: Nguyễn Quang Vinh
Buôn Ma Thuột, chiều 11/10/2013
Tây Nguyên Xanh


0 comments:

Post a Comment