Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, November 22, 2013

CHẤM LỬNG - 7

November 22, 2013

Share it Please
Em sợ lắm...Tác giả ảnh: Đi Rong Đà Nẵng
   Trong cuộc đời, cái con người ta sợ nhất vẫn là bị lừa dối Và đau đớn nhất là chính bản thân tự đưa mình đắm vào tổn thương. Kịch bản hay, diễn xuất đạt lắm! Truyền hình Cà Mau sưu tầm giỏi lắm! Coi sướng lắm nhưng thị ức lắm! Thị thích xem vì lời thoại sắc bén, bối cảnh gay cấn, lấy được nước mắt của thị, khiến thị ôm trán suy ngẫm rồi ngửa mặt lên nhìn trời và thở dài nhiều lần.  Thị chăm chú xem vì thị tin phim là tái hiện lại lịch sử. Có ngờ đâu hư cấu quá độ. Thị bị lừa.......Nói cho đúng là ta bị dắt mũi rồi. Nhà làm phim lôi kéo thị xem hoạt cảnh này rồi lấy đi của thị một ít lòng tin cùng những sự cảm kích. Đến khi tra cứ liệu lịch sử thì thị bị đổ vỡ niềm tin. Thị run rẩy khi nghĩ đến hai tập cuối. Mười hai giờ trưa mai họ sẽ chiếu nhưng thị biết đối diện với nó như thế nào đây. Xem trong sự bất mãn tràn trề hay là xem để khỏi phải tiếc cái công theo dõi bấy lâu nay. Thị đang ước ngày mai cúp điện toàn xã. Để thị không thể chạy đến nhà hàng xóm xin xem ké nếu chỉ nhà thị cúp điện hoặc ti vi hỏng.
   Mấy hôm nay thị bỏ những giấc nồng ban trưa để chăm chú xem một bộ phim cổ trang trên kênh của đài phát thanh và truyền hình tỉnh Cà Mau. Cà Mau! Cái đất xa xôi ấy. Mỗi một ngày thị chỉ có thể dành cho nơi ấy mấy phút xem thời sự của tỉnh rồi lại chuyển sang địa phương khác, nhưng dạo này nhờ có phim đó là thị neo mắt ở kênh CTV nhiều hơn một chút. Thị ít xem phim nhưng thị thích coi người ta diễn lại chuyện chính trường. Phim yêu đương thị cũng thích nhưng phải hài một chút, chứ ướt quá thì xem ra không giữ được niềm hứng thú của thị lâu dài. Thị không có thói quen xem tập đầu tiên mà thường theo dõi phim khi tình cờ bắt gặp một tình huống có vấn đề. Thị muốn xem họ giải quyết vấn đề ra sao. Thị vẫn tin “hiện thực cuộc sống đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho những người làm nghệ thuật”. Chẳng phải phim là bộ môn nghệ thuật thứ bảy đó sao. Nhưng thị có bất bình thường không, khi mà yêu cầu cốt truyện phải có thật. Nếu không thi dù hay đến mấy thị cũng không xem. Thị ghét bị dắt mũi. Thị rất ghét.
   Trước đây thị không thế nhưng sao giờ thị lại như thế hả trời. Hình như sau khi thấy báo đưa tin vợ dùng tình yêu man trá để lừa hết tài sản của chồng rồi giết kẻ cùng chung chăn gối. Những tù nhân trong cái xã hội được cho là khoan hồng độ lượng này “được” mớm cung bằng cách đổ nhựa nóng vào vòng kín. Thị thấy ghê tởm khi người ta chửi rủa chế độ nhà tù ở Côn Đảo và Phú Quốc thời chiến tranh nhưng ngay trong cái thời hòa bình diễm lệ này, những kiểu tra tấn ấy hình như đang sống lại. Xả lũ chết người cả mớ đấy nhưng vẫn câu trả lời muôn thuở là tại dân chạy chậm chứ cán bộ làm đúng quy trình. Biết tin ai? Cho nên không thể trách phim được. Để đạt đến giá trị nghệ thuật thì ắt phim phải có hư cấu. Chỉ là vì nhất thời thị sợ sự giả dối nên ghét lây phim.
   Nói thật cũng là phim mà nói dối vẫn chính là phim. Điều quan trọng là ngày mai thị có dám bấm bút mở ti vi để xem hai tập cuối không. Thị nửa muốn mở lại nửa muốn tắt.. Muốn mở vì dù thật hay giả thì phim vẫn là phim, đã xem thì xem cho hết. Muốn tắt vì sợ kết cục không hay, nhỡ đâu đến phút chót, nhà viết kịch tôn trọng lịch sử, họ cho một cái kết thúc mở thì sao. Thị lại phải suy đoán hoặc tùy tâm tra tài liệu để hiểu thêm sử sách nữa sao. Ôi không! Trắng là trắng, đen là đen. Có hậu thì cứ cho nó có hậu. Hoặc cay nghiệt thì làm cho nó cay nghiệt chứ đừng bỏ lửng như thế. Thế là tàn nhẫn lắm. Thà rằng thị để cho nó mãi nằm trong cái ước vọng được xem tập cuối vẫn hơn...
Buôn Ma Thuột, một chiều thất vọng vì phim, 22/11/2013

Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment