Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 13, 2013

NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH - 7

Nhậu sữa cho nó lành! Ảnh: Tang A Pau
  Thành phố Thất Nghiệp được mệnh danh là nơi độc nhất vô nhị ăn tết Tây như tết Ta của Việt Nam, Vì dân tình ở chốn này chỉ thực sự vui Tết khi họ có việc làm, nghĩa là chuyển nhà sang thành phố Có Nghiệp sống. Lý do là cứ độ năm mới theo Tây lịch hay có chỉ tiêu tuyển dụng nhân lực vào thành phố Có Nghiệp. Thế nên cái thời điểm “tết đến xuân về” này, thành phố của em trông có vẻ nhộn nhịp hơn hẳn. Mà muốn có nghiệp thì thể nào cũng thông qua mấy con Cò. Muốn Cò bớt “lặn lội” túi tiền của mình nhưng việc được đẩy nhanh tiến độ thì ắt phải làm thân. Muốn làm thân thì phải có quá biếu. Quà phổ biến nhất ở thành phố Thất Nghiệp là rượu.
   Ngay bà chủ tịch như em đây, Tết năm nào rượu cũng chất từ trong nhà ra ngoài ngõ. Chỉ cần vào thành phố Thất Nghiệp, nhìn nhà nào lắm rượu nhất chính là nhà em. Rượu biếu hết đấy. Chúng nó phải hối lộ rượu em thì may ra sang năm mới, khi bên Có Nghiệp công bố chỉ tiêu tuyển dụng. Chúng nó trúng tuyển, muốn nhập cư ở bên đấy thì phải mò mặt đến xin em chữ ký cắt hộ khẩu. Em ách lại, hành cho tả tơi thì chẳng lo mà tòi quà biếu em đi à. Quyền em to lắm. Chủ tịch thành phố Thất Nghiệp chứ chả chơi. Cư dân cả thành phố này, ai quên quà biếu em thì em đến nhà, nói nhỏ nhẹ những câu kiểu như là: “nhà cô/chú mai này cắt hộ chắc chẳng cần sự giúp đỡ của chị đâu nhỉ?”. Chỉ cần thế thôi nhưng chúng nó chạy bạc mặt lo lót lạy sụp em rồi. Sướng! Đời chủ tịch khoái nhất là lúc dương oai. Hã hã.
    Vì lý do tế nhị ấy mà nền công nghiệp sản xuất “rượu lậu” ở thành phố Thất Nghiệp cực kỳ phát triển. Quốc túy của năm châu trên quả địa cầu này đều có thấy bán ở thành phố của em. Chúng nó mua cồn, rượu thật về đổ cùng với nước theo tỉ lệ 20% cồn, 10% rượu thật, 70% nước rồi đóng chai, dán bao bì y sì hàng thứ thiệt. Mấy năm qua đều buôn bán trót lọt, cung ứng đủ nhu cầu cho dân bên thành phố Có Nghiệp ăn tết Nguyên Đán nông lịch. Em cũng sợ bị cống nạp rượu giả lắm chứ nhưng em gian manh lắm. Khi chúng nó đến biếu, em bày tỏ thành ý muốn lưu lại hơi ấm bàn tay của người đem rượu, em mời họ khui chai và uống ngay lúc ấy. Quyền em to, em ép khéo chúng uống trước. Thấy họ bình thường thì em uống ly của em. Chúng nó hiểu ý em nên chả năm nào bị rượu giả, đã thế lại có tình thân mến thương. He he.
   Năm nay xui quá thể, có mấy tên bợm nhậu, uống thế nào đấy mà phải nhập viện. Công an bên thành phố Có Nghiệp điều tra ráo riết, phát hiện ra rượu mấy tên kia uống là cho bên Thất Nghiệp bọn em cung cấp. Báo hại em suốt ngày phải trốn cánh báo chí. Em cực ghét phải trả lời những câu hỏi tu từ của họ. Họ biết đáp án rồi còn phỏng vấn làm gì nữa. Hu hu. Ừ thì em là đại diện cho cơ quan chức năng tại thành phố Thất Nghiệp. Ừ thì em không thể nào không biết chuyện tày đình kia. Nhưng em là một kẻ “nô bộc” của dân, liêm khiết chính trực thì lấy đâu ra xe...đạp mà đi. Em phải ăn hối lộ một tí thì mới trang trải cho cuộc sống được. Mà em cực ghét cái thuật ngữ “tham ô, hối lộ”. Em là người ưa mỹ miều, yêu nghệ thật. Theo em, Hối hộ ấy chính là sự bắt tay có nghệ thuật của tiền và quyền, đôi bên cùng có lợi. Em cho phép chúng nó kinh doanh rượu lậu thì em vừa có rượu biếu ngoại nhập, lại vừa hóng hớt được ai trong thành phố Thất Nghiệp đi mua rượu để biếu người bên thành phố Có Nghiệp. Biết thông tin ấy thì em biết là hành hạ nó thêm mấy chiêu rồi mới trục suất nó. Có như thế thì các cuộc gặp gỡ mới tay bắt mặt mừng, các cuộc họp em mới có thể ưỡn ngực, tay cụp rồi xòe, chém gió quán triệt tinh thần cho anh em chứ.
   Nói gì thì nói, chiều nay vẫn phải gặp mấy anh chàng phóng viên của tờ Nhàn Cư Nhật Báo. Hu hu. Cái này gọi là “con dại cái mang”. Con dân làm sai, quan phụ mẫu phải tiến hành họp báo. Hu hu là hu hu...Em đi chịu đòn đây! Hình như hôm nay là thứ sáu, ngày mười ba? Sợ thế!
 Buôn Ma Thuột, 13/12/2013

Tây Nguyên Xanh
Các bạn vào chuyên mục GÓC CƯỜI của blog này để xem các phần trước của nhật ký vui NHỮNG NGÀY LÀM CHỦ TỊCH nhé
No comments

Wednesday, December 11, 2013

GUẨNG NÔM

Tác giả ảnh: Vũ Hùng
   Hôm nay ngày 11-12-2013, mở máy tính bắt gặp bài viết của anh Hoàng Hải Phương về chuyện phương ngữ, pha giọng và đổi giọng. Được anh ấy dẫn một bản bolero của ca sĩ Ánh Tuyết hát giọng Quảng Nam.  Mình biết anh ấy đang nhớ quê nhà. Mình có còm trên blog của anh ấy một câu: “Hén đang nhớ Guẩng Nôm”. Có thể anh ấy giận hoặc không. Hai anh em có hai năm trời đọc blog của nhau nên chắc anh ấy hiểu tính mình. Mình sinh ra đã nghe cô hàng xóm nạt con: “eng thì eng, hong eng thì tắc đèng đi ngẩu” (ăn thì ăn, không ăn thì tắt đèn đi ngủ). Ăn bánh in, bánh xèo, vui cười với người xứ Quảng. Thích lai rai nhậu món trai um chuối với người Quảng. Vậy nên với Quảng Nam mình thấy gần lắm, như quê mình vậy. Có lẽ cũng bởi một phần dân Quảng cũng như dân Nghệ, cũng chi – mô – tê – răng – rứa và đi đâu cũng bị nhại giọng.
  Trước khi vào đại học, mình rất ghét đổi giọng. Dù rằng với danh nghĩa người Tây Nguyên thì nói với cái giọng nào cũng không bị chửi “chưa xa quê đã mất gốc”. Miễn là về nhà trở lại với người Nghệ An chính tông. Nhưng vào đại học, nhớ nhà nên đi dạo biển Quy Nhơn. Lúc ấy mình ở trên núi xuống phố thị nên cứ gặp người lớn tuổi là chào (he he). Cố tình đi lạc để biết đường nên vác mồm đi hỏi đường lia lịa. Thế là  gặp một cụ già. Cụ ấy sinh ra, lớn lên ở Quảng Ngãi, hai mươi năm sống ở chợ Tro (Nam Đàn - Nghệ An) quê nội của mình, và nay cụ an dưỡng tuổi già cùng con cháu ở Quy Nhơn - Bình Định nên khi nghe gọng nói của mình thì hình như nỗi nhớ xứ Nghệ trỗi dậy trong ông hay sao ấy. Hai ông cháu nói chuyện rất vui, mình biết chút chút về Quy Nhơn là nhờ cụ. Khi chia tay, cụ khuyên rằng: “Giữ được tiếng quê là tốt nhưng đừng quá thủ cựu”. Mình hiểu ý cụ và từ đó khi nghe ai đó pha giọng hoặc nhại giọng xứ Nghệ của mình chỉ cười và bụng nghĩ: “Pha giọng không khó. Đổi giọng mới khó. Nhưng khó nhất là bắt chước ngữ điệu và cách tổ hợp tiếng sao cho y sì người địa phương đó”.
   Tây Nguyên là vùng đất tứ phương hội tụ nên hình thành môi trường đa phương ngữ. Thế hệ 9X như bọn mình có đứa một trăm phần trăm mang dòng máu của một miền quê nào đó, còn có đứa là sự kết hợp của hai bố mẹ gốc quê khác nhau. Tùy môi trường sống mà nói giọng giống bố hoặc mẹ, hoặc có thể nói giọng giống....ông hàng xóm. Là bởi vì chơi với trẻ con người hàng xóm nên nói giọng của chúng nó, thành ra nói tiếng giống nhà bên đó. Ngày xưa mình nói giọng Quảng là vì thế. Sau này nói giọng Nghệ vì ở với hàng xóm Nghệ Tĩnh. Đi học nghe mấy đứa bạn nói chuyện với đủ thứ giọng. Nhưng mình luôn bị cuốn hút vào những gã bạn nói giọng lai. Ví dụ như Huế lai Quảng Nam. Nghệ An lai Thái Bình. Nói đến đây mình nhớ cái thằng bạn hồi đi thi đại học ghê gớm. Hắn là người đầu tiên làm mình rung rinh vì giọng nói. Cái mã của hắn cũng đẹp nhưng mỗi tội gầy quắp (vì hắn mới chia tay mối tình đầu hố hố). Nghe hắn nói đã lỗi tai lắm. Ba hắn người Huế, di cư vô Núi Thành – Quảng Nam sống. Lấy Má hắn ở đó luôn. Vậy nên hắn có cái giọng Huế lai Quảng. Ui chu cha! Nghe hắn đã lỗ tai lắm. Cái ngọt của Huế pha cái bùi của Quảng. Mình suýt tình nguyện chết vì hắn. Hí hí.
   Ở chỗ mình có những gia đình “đa ngôn ngữ’ vui lắm. Mẹ Thái Bình, cha Nghệ An sinh ra hai đứa con: Một đứa nói giọng của mẹ, một đứa nói giọng của cha. Bố mẹ người Quảng Nam. Con nói tiếng Nghệ An đặc sệt. Không biết nhà kia uốn nắn con nói giọng gì mà bố Quảng Nam, mẹ Nghệ An, sinh ra con nói giọng gần gần như Hà Nội (dù xung quanh toàn người Nghê và Quảng sống cùng nhau). Có lẽ do thế hệ F1 là biết sửa cái khó nghe trong thanh âm của quê mẹ để kết hợp với cái dễ nghe của bố để tạo nên một giọng...rất Tây Nguyên.
   Đài phát thanh và truyền hình tình Dak Lak mình kết giọng nói của chị Lê Diệu và anh Xuân Sơn. Hai anh chị này đã góp mặt ngay từ những ngày đầu Dak Lak có phát sóng thới sự của tỉnh. Giọng nói của hai anh chị nghe rất đặc biệt. Cực khó đoán gốc của hai anh chị này. Cái gì lạ là cứ cuốn mình vào hay sao ấy. Hí hí. Nói vậy chứ mình không tưởng tượng nổi nếu Việt Nam chỉ có hai giọng nói Sài Gòn và Hà Nội thì văn hóa nước mình sẽ ra sao nhỉ? Hôm nọ đọc bài tham luận trên trang blog Bản Tin Dịch Giả Trẻ, nội dung bàn về việc nếu cả thế giới chỉ nói một ngôn ngữ thì sẽ ra sao?. Nói một hồi thì cuối cùng ai cũng muốn trở lại đa ngôn ngữ để cùng nhau tìm về sự thống nhất để mà phát triển toàn diện. Ơ thì giọng xứ Việt mình cũng thế nhỉ. Chúng ta chấp nhận lai nhưng đừng lố là được đúng không?
   Kết bài phát. Đi xử cái thằng thợ đi đổi ga mà bớt chai dầu khuyến mãi của nhà chủ cho nhà mình đã! Hừm....
Buôn Ma Thuột, 11/12/2013

Tây Nguyên Xanh
4 comments