Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, April 9, 2014

MỘT CHÚT VỚI NGƯỜI Ở NÔNG TRƯỜNG CAO SU PHÚ XUÂN

April 09, 2014

Share it Please
Tác giả ảnh: Đình Chiểu
   Anh với tôi đều là đồng hương “nửa mùa Nam Đàn” với nhau. Nhưng khi hai đứa thăm xứ Nghệ thì kẻ ở xã Nam Diên, kẻ về xã Xuân Hòa (Nam Yên cũ). Bố mẹ anh cũng giống như bố mẹ tôi, ngồi một ngày một đêm từ ngoài đó vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ sinh ra tôi và anh ở trong này. Tôi lớn lên bên rẫy cà phê, còn anh từ bé đã biết mủ cao su là gì. Hôm nay tôi đến với anh...
   Bước vào khu dân cư thuộc nông trường cao su Phú Xuân (xã Ea Drơng,  huyện Cư  M’Gar, tỉnh Dak Lak ), tôi bị ấn tượng câu chửi của một người mẹ: “Thứ Séo, mi nỏ đi học mà trấp mặt đi nhởi mô rứa?” Tạm dịch là “thứ Sáu, mày không đi học mà trốn mặt đi chơi ở đâu thế?” Không phải tôi lạ với cách xưng hô chi mô tê răng rứa mà lạ vì cứ âm “au” bị đọc chệch thành “eo” cùng với ngữ điệu có chút khác với tôi. Cùng một huyện Nam Đàn mà khác xã cho ra giọng nói khác nhau nhiều thế. Cả xóm anh, từ gài đến trẻ, dù sinh ở nơi đâu thì đều một giọng Nam Diên.
   Trước chín giờ sáng, nhìn cái xóm vắng tanh. Hỏi vì sao thế, anh bảo đi cạo mủ cao su từ mờ đất chưa về em ạ. Rồi anh chỉ cho tôi xem cả rừng cao su xanh tốt nhưng thân thể thì đầy sẹo. Những vết sẹo mang lại giá trị kinh tế cho con người. Xa xa có bóng dáng cô thôn nữ đang còng lưng, lúi húi cạo vỏ cây. bỗng cô ngẩng đầu lên về phía chúng tôi, nụ cười chợt nở rồi chợt héo, hình như cô ấy là người yêu của anh. Cô ấy ghen? Chắc thế!
   Hôm nay nhà anh có giỗ nhưng mời khách vào bốn giờ chiều. Anh bảo mời vào thời gian lỡ cỡ như vậy vì sáng sớm đi cạo mủ, lúc về đã nửa buổi sáng rồi, người ta không kịp giúp làm cỗ trưa được nên bốn giờ chiều mời khách là tiện nhất. Bây giờ người ta cố gắng mời cỗ cưới vào ban trưa chứ trước đây vẫn hay ăn cổ vào ban chiều hoặc tối.
   Vào cỗ, đông đủ bà con xóm giềng. Có người khen thịt me (con của con bò) chấm tương ngon, lại có kẻ chê món này sao mà ngọt thế, quê ta ăn mặn chứ chẳng ngọt như thế này đâu. Dường như họ vẫn muốn giữ cái nét đặc sệt của quê nhà trên đất Tây Nguyên này. Chẳng trách cả cái nông trường ấy đi đâu cũng dễ bắt gặp giọng Nam Diên. Nghe bảo người gốc Nghệ mang cả một “ngã ba Nam Đàn” vào Dak Lak cơ mà. Nghệ An có ngã ba đi Nam Đàn thì ở quốc lộ 14 cũng có một ngã ba đi vào khu dân cứ có gốc Nam Đàn. Muốn đến đó cứ bảo cho tôi xuống ngã ba Nam Đàn.
Cảm ơn anh đã mời tôi ăn cỗ, cơm thịt thì ở đâu cũng có nhưng tình đồng hương thì khó mà được trải nghiệm như hôm nay.
 Ea Drơng,Cư  M’Gar, Dak Lak 

Tây Nguyên Xanh
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

0 comments:

Post a Comment