Tác giả ảnh: Thân Nguyên |
Tai nghe tin bão, não thả hồn về biển, Tây miên man nhớ thời
sinh viên trường đại học Quy Nhơn. Năm 2009 có cơn bão gì mà Tây quên tiệt số
hiệu và cấp độ rồi. Năm ấy tưởng đâu bão vào ôm hôn thắm thiết Tây nhưng may
Quy Nhơn chứa chấp gái xấu (là Tây đây) nên bão đánh hướng sang Phú Yên tìm gái
xinh. Nghe nói bên ấy thiệt hại to lắm. Một phút ngừng đùa, mặc niệm những tổn
thất....
Một phút đã hết, kể tiếp!
Tây là gái Tmoi (dân mọi) trên dãy Trường Sơn nên từ bé chịu
ảnh hưởng của bão chứ chưa chứng kiến bão vào đất liền như thế nào. Ai đời, các
bạn “dân rợ” lọ mọ đi sắm đèn cầy (nến), dự trữ đồ khô, còn Tây thì cứ đứng ở
lan can tầng 6 kí túc xá hóng gió như chó ngóng chủ tát ao (Tây ăn cắp sự ví
von này ở thị trường chợ chữ Facebook chứ chưa chiêm nghiệm bao giờ). Tây chờ để
xem cây đổ và cửa kính bay. Là lúc ấy Tây tưởng tượng thế. Nhưng chờ mãi vẫn thấy
trời yên, sóng biển không lớn lắm nên sinh chủ quan. Tây đem đồ ra phơi và ngủ
một giấc ngon lành đến sáng. Hỡi ôi, sáng ra trút bỏ xiêm y chuẩn bị ướm váy đi
học mới tá hỏa khi nhìn dây phơi ngoài cửa không còn chiếc nào. Có đứa cùng
phòng cười lăn lóc bảo Tây ơi, đồ của mày ở nóc ký túc của nam sinh rồi. Đang
lo sút vó thì anh chàng tổ trưởng đáng yêu nhắn phát tin thông báo được nghỉ học
để tránh bão. Ô, thế là Tây biết bão thực sự đã về.
A-mí ở nhà nghe cái tivi tường thuật bão, Mí hoảng quả nên “đánh
sợi dây thép” xuống nói: “H’Tây ơi, mày là con của núi rừng. Mày chỉ quen với
cái cây ngọn cỏ, con suối hiền hòa trong rừng già thôi. Giàng phái con chim
thiêng tên là Bão xuống dưới xuôi hù dọa bọn phá rừng đấy. Mày chớ có đi lung
tung kẻo chim đánh chìm mày đấy”. Tây nghe thế cũng sợ sợ nhưng vưỡn phải lọ mọ
đi mua cơm. Ở ký túc mà, các chú bảo vệ cấm nấu. Các bạn cùng phòng có nấu chui
nhưng Tây chỉ thích lén lút hẹn hò chứ nấu lén thì không ham. Ra nhìn cảnh đổ vỡ
của thành phố cũng thấy có tí xót. Lúc đó mới biết hậu quả của bão. Ở nhà trên
Tây Nguyên, Tây chỉ thấy mưa và sức gió chỉ đủ tốc váy chứ ít khi tốc được mái
nhà.
Năm 2009, Bình Định nằm ở
viên ngoài cùng của vòng xoáy gió bão cho nên đồng bằng lụt lội và phố
biển có nơi ngập úng nặng. Năm ấy, Tây ra khu phố I, phường Ghềnh Ráng, thành
phố Quy Nhơn chơi với cô bạn mới từ Đà Nẵng về thăm nhà sau bão. Mang tiếng là
khu phố nhưng thực ra nơi đó gần như biệt lập với thành phố Quy Nhơn, ngày xưa
khi chưa làm đường quốc lộ 1D trên đèo Cù Mông (đường đi bãi tắm Hoàng Hậu ấy)
thì họ phải đi xuồng vô thành phố để trao đổi hàng hóa. Cả khu phố có duy nhất
một gia đình người Huế dạt vô, còn lại là người từ Phú Yên hồi xưa theo thuyền
trôi dạt ra ở đây. Năm ấy có một xà-lan gỗ ở bị bão giật đứt neo, đánh trôi, đập
vào bãi đá gần đó. Dân kể là nghe tiếng nổ kinh hoàng nên họ chạy ra. Tất cả hò
nhau kéo gỗ vào bờ. Các bạn khoan hãy đánh giá đó là sự hôi của. Dân chài kéo gỗ
vào bờ thì sau này chủ xà-lan đến còn có cái mà xin lại chứ không thì biết trôi
đi đằng nào rồi.
Người ven biển hình như “lì đòn” với bão. Họ bình tĩnh xuyên
mưa để sửa nhà như chúng ta vén những sợ mành khi bước ra cửa. Đêm về họ vẫn nướng
bánh tráng, chấm nước mắm cá cơm. Cái thứ nước mắm đỏ ong ong, thơm và béo ngậy,
ai mà “lỡ” nếm rồi thì còn muốn “trót dại” thêm vài lần nữa. Diêm dân sống nhờ
biển và lắm khi chết cũng vì biển. Biển xứ Việt ta một năm chịu hai mùa bão, đó
là bão trời và bão xâm lăng. Bão nào cũng gây tổn thất. Ôi đất nước tôi... Các
quan bớt tham chứ không thì nói xin lỗi nhé, sau bão lấy chó gì mà ăn?
Buôn Ama Thuột, 17/9/2014
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment