Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, November 19, 2014

BA NGƯỜI THẦY DẠY NGOẠI NGỮ CỦA TÔI

November 19, 2014

Share it Please
   Cũng như bao bà mẹ có con chuẩn bị học lớp 6 khác, năm ấy mẹ tìm cho tôi một người thầy dạy thêm tiếng Anh. Hồi đó, tôi thích lông bông đuổi ong bắt bướm hơn là đi học nên cực ghét học thêm. Tôi quậy tanh bành cái lớp ấy. Không gây gỗ đánh nhau nhưng tôi phá thầy để mong thầy ghét mà đuổi tôi. Tôi vẽ bậy vào sách của thầy, tôi viết tên tôi lên cái cuốn từ điển của thầy. Thế mà thầy vẫn nhẫn nại dạy tôi. Cuộc đời tôi chưa gặp người thầy nào đúng nghĩa nhường nhịn học trò mất dạy (là tôi đây) như thế. Thầy không mắng tôi lấy một lần cũng không bỏ mặc tôi. Thầy kiên nhẫn cho tôi từng con chữ. Sau này tôi mới biết đời thầy còn phải nhịn những chuyện kinh hoàng hơn. Tôi coi thầy như cha.
   Thầy là người Hà Đông (Hà Nội), do biến cố lịch sử nên cả gia đình thầy lưu lạc vào Đà Nẵng sinh sống. Trước năm 1975 thầy là giáo viên dạy Anh Văn tại trường THPT Phan Chu Trinh thành phố Đà Nẵng. Thầy được đào tạo bởi một ông giáo dạy tiếng Anh cực kỳ khủng khiếp. Người ấy ghé sát tai mình bên miệng thầy để nghe cho được cái lưỡi của thầy chuyển động khi phát âm. Âm cần bật hơi mà không có hơi thổi phù vào tai của ông giáo ấy thì cái thước “hạ đặt” xuống đỉnh đầu của thầy ngay. Sau giải phóng, cách mạng xóa sạch tiếng Anh ra khỏi miền Nam và thay vào đó là tiếng Nga. Các thầy cô giáo miền Bắc vào tiếp quản các điểm trường và họ thẳng tay đuổi việc một nạn nhân của chiến tranh như thầy tôi (và những ai dạy tiếng Anh). Vài năm sau họ có mời thầy tôi trở lại làm giáo viên nhưng phải dạy môn Giáo Dục Công Dân. Không đúng môn nên thầy chẳng trở lại.
   Bạn bè của thầy hoặc là vượt biên hoặc đi theo diện bảo lãnh để mấy mươi năm sau được nâng niu với cụm từ “Việt Kiều yêu nước” còn hơn là phải sống với những con người chưa có kinh nghiệm hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Với thầy tôi thì khác, đại gia đình của thầy lại phải bán xới vào Dak Lak làm rẫy để sống. Cuộc đời của thầy ngỡ đã đoạn đành với nghiệp giáo. Ai dè, sau biến cố thể chế chính trị ở Đông Âu, Việt Nam tiến hành đổi mới toàn diện, gây sóng gió cho những thầy cô dạy ngoại ngữ thêm một lần nữa. Những thầy cô dạy Nga Văn lại phải học cấp tốc Anh Văn để về giữ cái “cần câu cơm”. Dẫn đến chất lượng giáo viên tiếng Anh những năm cuối thế kỷ XX không đồng đều. Thừa lúc đó, thầy mở lớp dạy thêm Anh Văn ở vùng phụ cận thành phố Buôn Ma Thuột. Thầy tự nghiên cứu sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 12 rồi soạn giáo án. Thầy dạy dễ hiểu nên tiếng lành đồn xa. Nhờ vậy mà năm hè 2001 tôi được học thầy cho đến hè năm 2008. Có khi sỉ số lớp chỉ còn năm đứa vì thầy cô trên trường dở chiêu trò lôi kéo học trò học thêm ở nhà họ mà thầy vẫn không giải tán lớp tôi. Cái lớp siêu quậy của tôi làm khổ thầy nhiều, làm thầy bị cấn lịch sắp xếp các lớp khác. Học phí thì thầy lấy thấp lắm. Bố mẹ chúng tôi đa số là cho con học nợ đến hết mùa cà phê mới trả tiền cho thầy. Tôi biết ơn thầy lắm. Tiếc rằng tôi học dốt môn Văn nên không thi đại học ngoại ngữ cho thầy vui. Đời thầy vẫn chưa có học trò thi đại học ngoại ngữ. Hình như thầy hơi tủi...
   Vào đại học, tôi cũng như bao cô gái khác, nghĩ rằng thi cái chứng chỉ tiếng Anh trình độ B nữa là xong nhiệm vụ. Nhưng năm cuối khóa, trong một lần đi gặp mặt bạn bè Yahoo Blog tại Quy Nhơn, tôi gặp thằng em học Xây Dựng khóa sau, nó kể về một người thầy dạy tiếng Anh giao tiếp thú vị lắm. Học phí thì chỉ có một trăm nghìn đồng một tháng thôi. Nghe hấp dẫn quá. Thế là tôi khăn gói đi học người thầy mà sau này tôi ngẫm lại thấy mãn nguyện.
   Đó là một người không được đào tạo nghề giáo. Thầy làm ngành liên quan đến kinh tế nhưng do mến nghề sư phạm và thấy được sư kém cỏi về kỹ năng Nghe-Nói tiếng Anh của sinh viên đại học Quy Nhơn nên thầy mở lớp truyền đạt kinh nghiệm. Phòng học có cái tivi màn hình lớn, một cái máy có khả năng phát ra hình ảnh cường độ âm và biểu đồ giao động của giọng nói trong hội thoại. Tôi không biết tên thầy và tin là thầy cũng chẳng biết tên đứa học viên nào hết. Ai đóng học phí thì đóng, thầy chẳng quan tâm lắm. Không thấy nhắc bao giờ. Tôi khiếp cái nết la mắng khi dạy của thầy lắm. Một người không thuộc bài cũ thôi là thầy mắng với giọng điệu đúng nghĩa của từ la ở miền Nam. Thầy dạy tiếng Anh ở quê của tôi hiền bao nhiêu thì thầy này dữ bấy nhiêu. Thú vị thật. Tôi cứ như đã được gặp hai vị hộ pháp ở cõi tiên. Một người hiền và một người quá ư là dữ.
Tôi mãn nguyện khi học thầy vì tôi vẫn ước được học một người mà họ không biết tôi là ai và tôi cũng không biết họ là ai. Thầy trò gặp nhau chỉ vì con chữ. Vẫn biết là không nên vô tình nhưng tôi vẫn muốn được gặp đầy đủ những hiện thân của nghề giáo.
Tác giả ảnh: Phạm Thị Ái Nghĩa
   Với thầy dạy chữ Hán thì khác. Thầy là tổng hòa của nóng và lạnh. Có lần tôi nói leo “Việt Nam giống Trung Quốc thầy nhỉ” khi thầy giảng về sự tương đồng văn hóa của hai nước. Thầy nhăn mặt, chỉ nói một câu mà khiến tôi sợ và nể đó là “biết ai giống ai”. Ở thầy luôn có một vầng hào quang vô hình khiến tôi hân hoan chào đón nhưng rụt rè khi tiếp túc. Thầy hơn tôi chín tuổi mà kiến thức của thầy thì như một gã hơn tôi chín mươi tuổi. Thầy học Hán tự từ năm lên chín lên mười. Sư phụ của thầy là người mà được sinh viên, giảng viên cả trường đại học Quy Nhơn (và có thể nhiều trường khác ở Việt Nam) kính trọng. Tiếng Hán đến với tôi như một duyên nợ mà cho đến giờ tôi không giải thích được vì sao tôi học nó. Tôi mang ơn thầy vì thầy cho không tôi chữ. Thật đấy, có ai như tôi không. Hai năm học ở nhà thầy mà tôi...chỉ đóng học phí tháng đầu tiên. Các tháng sau tôi tiêu pha tiền bạc không kiểm soát nên thiếu tiền học phí hoài. Tôi cứ liều đi học, bụng bảo dạ chừng nào thầy nhắc học phí thì nghỉ. Có một lần thầy nhắc thật. Là vì người của trung tâm yêu cầu thầy báo cáo quân số và học phí nên mới phải nhắc thôi. Tôi ngại quá nên nghỉ học. Hình như thầy biết lý do nghỉ nên nhắn tin nói thầy có bắt nhốt, đòi học phí đâu mà lo. Cứ đi học bình thường đi. Tôi biết ơn thầy lắm. Tôi học cho đến ngày mãn khóa về quê. “Anh giáo’ của tôi đã cho chữ lại còn cho tôi sách trước khi giải tán lớp. Lúc gõ những dòng này, tự dưng nhớ cái tin nhắn xin thầy học rằng“ thầy ơi, em là Tây Nguyên Xanh, học ở lớp Lừa Đảo khóa nọ, em gần hết tiền điện thoại rồi nên chỉ có thể nhắn tin xin thầy học tiếng Trung. Thầy có lớp mới thì cho em học với nhé”. Báo hại thầy phải gọi lại cho kẻ xin học. He he. Sao lai có cái đứa học trò như tôi thế nhỉ?!
   Mọi lời chúc trong mùa Hiến Chương này đều khiến học trò thấy sáo rỗng. Học trò mong các thầy mãi khỏe để học trò còn có nơi để về, để nhớ và để được bao dung!
Buôn Ama Thuột, 19/11/2014
Tây Nguyên Xanh

2 comments:

  1. Thầy độc mà gắp trò đáo để nên làm cái tình thầy trò lạ hẵn !

    ReplyDelete