Cặp đôi Sếu Đầu Đỏ - Tác giả ảnh: Liem Kg |
Thằng em đang mần việc ngoài Đà Nẵng nên ở nhà hiện tại có 3
người, ấy là papa, mama và Tây xinh gái. Hôm nay chả biết ngày đẹp đến cỡ nào
mà 3 cái thiệp cưới rải đều cho 3 thành viên ưu tú. Đút tiền vào 3 cái phong
bì, mama bẩu Tây ơi, mày xinh gái để mà làm gì hở con, cưới phắt đi cho papa
mama hoàn vốn cái. Papa vỗ về Tây, nói bà lo sắm com-lê với cả giày cho tôi là
vừa. Tây nhà mình ngon gái như thế, kiểu gì chả có thằng nẫng. Gớm, lúc ấy lại
sụt sùi nước mắt vì bị một thằng người dưng bợ con gái đi chỉ với nhõn một câu “anh
yêu em”. Hố hố, trách nhiệm này đè nặng vào vai các anh chàng đang tán em. Tây
cũng mót cưới lắm rồi. Nom Papa và mama mà thương quá giời thương luôn các anh ợ.
Gớm, liền nam chỉ cần xỏ quần áo vào là xong. Còn liền nữ
chúng em thì ôi thôi đầy đủ mọi thứ đeo lên mình.. Nào váy, nào guốc, vòng cổ,
hoa tai, lắc chân, bôi bôi trét trét tí son chút phấn, kẻ chân mày cho nó cong
cong, bấm lông mi thẳng thớm tạo điểm nhấn cho những cái chớp mắt đưa duyên. Đã
thế, khi ăn còn phải ngó trước ngó sau xem anh thợ ảnh có hướng ống kình về
phía mình không. Anh ấy quay đi thì mới dám nhăn răng cắn thức ăn để tránh nhạt
môi son. Không gì đói bằng đi ăn cỗ. Tây thật! Mà ngó quanh các mâm, liền nữ
nhiều hơn liền nam các bạn ợ. Xứ khác Tây không rõ nhưng xứ này là thế. Liền
nam đều đã có thâm niên ăn nhậu rồi nên là bệnh nhân quen thuộc ở các khoa tim
mạch với cả đái tháo đường. Vợ lo cho chồng nên nhận thiệp mời xong là mè hèm,
bảo hôm ấy em mua cho anh và các con một ký bún và một lạng thịt bò nấu lên mà ăn
nhé. Ngày có đám trong xóm, các ông chồng ngoan ngoãn tiễn vợ ra cửa, có khi
túm tụm lại với nhau khen vợ hàng xóm hôm nay xinh. He he.
Cưới ở thời buổi này có nhiều ý niệm mới lạ phết! Khi cô dâu
chú rể bước lên khán đài chào quý khách. Mọi người chú ý cái bụng của cô dâu
trước khi nhấc mắt lên nhìn gương mặt. Đơn giản vì người ta đã hình thành cái
thú tò mò lý do tổ chức cưới của các đôi uyên ương. Bụng cô dâu mà hơi tròn một
tí thì quan khách ghé vào tai nhau nói điều gì đó, người nghe gật đầu ra chiều
đồng quan điểm. Sau đấy cả bàn mới yên tâm ngồi oánh chén. Lễ cưới hôm nay, cô
em cùng xóm với Tây đã bầu hình như ba tháng rồi. Thời buổi này chẳng còn chuyện
cạo đầu bôi vôi thả trôi sông, chẳng đến nỗi cả làng cười nhạo vì chuyện thất
tiết nữa. Nhưng ngày mai, chồng em đi vào cửa chính nhà em để xin dâu, còn em ấy
phải chui cửa sau vào nhà chồng. Thiết nghĩ xã hội đã bình thường hóa cái sự ăn
cơm trước kẻng rồi, có cần giữ cái lệ gây tủi thân ấy không. Một mình em ấy
không thể làm nên cái “bụng vượt mặt” đó được.
Đi ăn cưới mà sao mình nhìn ngó nhiều thế nhỉ? Nhìn những
người nông dân quanh năm “ủi mặt” ra rẫy, lâu lâu ai mời ăn cưới mới diện bộ quần
áo trắng phau. Cái áo trắng bao nhiều lại tương phản với màu da cháy nắng bấy
nhiêu. Thương sự run run ngại ngùng đứng trước đám đông của mẹ cô dâu. Người mẹ
ấy là dân tộc Ê Đê lấy chồng là người Kinh di cư tử Quảng Trị vào. Cha của bà
là cận vệ trung thành của chủ đồn điền cà phê Ribe có từ thời Pháp thuộc. Họ vượt
qua mọi rào cản về lối sống các dân tộc để đến được với nhau. Quanh năm bám rẫy
nuôi con lớn, nay nghe người ta xướng tên mình khiến người mẹ ấy giật thột, nắm
chặt lấy tay chồng run lập cập chào quan khách. Mọi người thông cảm và thương
chứ không ai cười cả, ánh mắt họ trìu mến và thấu hiểu nhìn gia đình
Đám cưới nào cũng inh tai nhức óc vì tiếng nhạc to, chợt nhớ
một người....lâu rồi không gọi điện đánh những bản nhạc đồng quê trên đàn Piano
cho mình nghe. Về nhà vẫn còn vẳng đâu đây những câu hát: “Nghe câu quan họ
trên cao nguyên....Xốn xang ứ hừ một vùng đất đỏ....” (lời bài hát Nghe Câu
Quan Họ Trên Cao Nguyên, nhạc: Vũ Thiết. Phỏng thơ: Hữu Chỉnh)
Say rồi!
Buôn Ama Thuột, 25/1/2015
Tây Nguyên Xanh
"Tây cũng mót cưới lắm rồi".
ReplyDeleteNhững chàng "cưa kéo" ...nhớ lời này cho!
He he. Chả biết các anh í có nhớ cho không bác Nho ợ.
Delete