Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, March 6, 2015

HÁT ĐỐI ĐÁP VÀ TỤC KẾT CHẠ TRONG QUAN HỌ

March 06, 2015

Share it Please
   Xứ Bắc xưa có mật độ các làng kết chạ đậm đặc vào bậc nhất của vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Lễ tục kết chạ giữa các cộng đồng làng xã phát triển tới mức được xem như là nguồn gốc của hát quan họ.
Tác giả ảnh: Quốc Dũng
   Theo tìm hiểu bước đầu thì có tới ít nhất là 18 cặp kết chạ giữa các làng quan họ gốc với nhau, ngoài ra còn có 3 làng quan họ gốc kết chạ với các làng khác không phải là làng quan họ gốc, còn như những làng không phải là quan họ gốc mà kết chạ với nhau thì chỉ riêng ở tỉnh Bắc Ninh xưa cũng có tới hàng chục chạ. Kết chạ là biểu hiện quan hệ của con người giữa các làng xã với nhau.
   Dù được thể hiện bằng bất cứ hình thức nào, tục kết chạ của người quan họ cũng đều tập trung vào hai mặt chủ yếu là Lễ và Nghĩa, phản ánh tình người trong cộng đồng và giữa các cộng đồng. Nội dung, bản chất của tục kết chạ giữa các làng đã được phản ánh qua lời ca như một hình thức sinh hoạt văn hoá Lễ Nghĩa tiêu biểu của đất và người quan họ.
   “Nghĩa người đem cất trong cơi/ Lâu lâu xếp lại, để nơi giường nằm/ Mỗi ngày ba, bảy lần thăm/ Mỗi ngày ba, bảy lần thăm nghĩa người”.
   Ngày xưa, tổ chức quan họ ở cơ sở được gọi là “bọn quan họ” chứ không gọi là câu lạc bộ quan họ như ngày nay. “Bọn” là từ dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang nghĩa xấu. Trong một làng quan họ gốc thường có nhiều bọn quan họ. Có bọn quan họ nam và bọn quan họ nữ. Các bọn quan họ kết bạn với nhau theo nguyên tắc "Âm- Dương tương cấu". Có nghĩa là bọn quan họ nam ở làng này kết bạn với bọn quan họ nữ ở làng kia và ngược lại.
   Các bọn quan họ này, ngoài việc trực tiếp phục vụ các hoạt động văn hoá của cộng đồng làng xã như: hát cầu đảo, hát diễn xướng, rước, tế, lễ... còn chủ động thăm viếng, ca hát, giao lưu giữa các bọn quan họ với nhau. Như vậy, lễ nghĩa của người quan họ trong các cặp kết chạ đã vượt ra khỏi hệ huyết thống để gắn kết các làng xã với nhau. Đây cũng là một lối chơi độc đáo của người quan họ. Mỗi bọn quan họ xưa bao giờ cũng có năm người. Số năm này biểu hiện theo thuyết “Âm Dương – Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ ” và cũng thể hiện tình cảm anh em như chân tay có năm ngón. Năm liền anh ở bọn nam tương đương với năm liền chị ở bọn nữ. Đây là những người trực tiếp tham gia giao tiếp và ca hát quan họ, gọi chung là “chơi quan họ”. Các liền anh, liền chị quan họ được gọi tên theo thứ tự số lượng, từ “Anh Hai” đến “Anh Sáu” ở bọn nam, hoặc từ “Chị Hai”đến “Chị Sáu” ở bọn nữ. Quan họ không bao giờ gọi tên tục của nhau ra. Việc gọi tên là “Hai” hay “Ba” được căn cứ vào tài năng “chơi quan họ” của từng người. Theo đó, “Anh Hai”, “Chị Hai” là những người chơi quan họ tinh tường hơn cả. Đứng đầu mỗi bọn quan họ có “Ông trùm” ở bọn nam và “Bà trùm” ở bọn nữ. Đây là người đứng ra thành lập và điều hành các hoạt động của bọn quan họ. Nhà của “Ông trùm”, “Bà trùm” được gọi là “Nhà chứa” dùng để cho các bọn quan họ hội họp, luyện tập hay đón quan họ bạn.
Tác giả ảnh: Quốc Dũng
   Theo các nhà nghiên cứu cho biết thì thường có hai loại kết bạn quan họ: Kết bạn bền vững và kết bạn không bền vững. Loại kết bạn không bền vững, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khoảng bốn, năm năm lại có thể thay bạn hoặc kết thêm bạn, nghĩa là một bọn có thể kết bạn với nhiều bọn khác ở các làng. Loại kết bạn này thường không phải là của những làng kết chạ với nhau. Song, phổ biến và rất được trân trọng trong vùng quan họ Bắc Ninh là loại kết bạn bền vững. Đây là loại kết bạn truyền đời theo nguyên tắc đối xứng một- một. Ví như ở làng Diềm có tới hơn chục bọn quan họ nam, nữ song duy nhất chỉ có bọn quan họ kết bạn với quan họ làng Bịu là bền vững truyền đời. Như vậy, có thể giả thuyết rằng: Tục kết bạn quan họ chính là bắt nguồn từ tục kết chạ vốn có từ xa xưa trong các làng quê xứ Bắc.
   “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ/ Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân đình/ Nghề chơi quan họ có tinh mới tường”
   Ở xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh có một làng quan họ gốc gọi là làng Diềm ( tên chữ là Viêm Xá ). Nơi đây còn bảo lưu nhiều bài bản cùng những phong cách diễn xướng và lối chơi quan họ độc đáo. Theo ý kiến đánh giá của nhiều nhà chuyên môn thì lối chơi quan họ của làng Diềm chứa đựng đầy đủ trình tự các bước lề lối của lối chơi quan họ nói chung, lại có những nét riêng của Quan họ Diềm. Làng Diềm có 9 xóm thì có tới 10 bọn quan họ. Đứng đầu mỗi bọn là một cụ được gọi là ông trùm hay bà trùm. Theo lời các cụ nghệ nhân quan họ làng Diềm kể lại thì xưa kia, có hai viên quan quê ở làng Diềm và làng Bịu chơi với nhau rất thân, chẳng khác gì anh em ruột thịt. Cũng từ đó, hai làng Diềm và Bịu kết chạ với nhau, trải qua nhiều đời, nghĩa tình gắn bó như con một nhà. Nhằm những khi có việc làng, họ mời nhau tới và cùng nhau ca hát, lâu dần rồi gọi là "Hát Quan họ".
Tác giả ảnh: Phúc Búa
   Hát quan họ đối đáp có lề lối là phải hát theo nguyên tắc hát đối giọng. Trong hát đối có người hát dẫn và người hát luồn. Mở đầu canh hát bao giờ cũng phải ca những bài giọng lề lối như: La rằng, Đường bạn,Tình tang, Cây gạo…sau đó mới hát đến các bài thuộc giọng vặt. Cuối cùng là những bài thuộc giọng giã bạn. Đây là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá hơn kém, được thua giữa các bọn quan họ. Chính điều này đã kích thích, bắt buộc trong hát đối đáp phải có bài độc. Đó là những bài hát mới mà đối phương chưa biết song vẫn phải đảm bảo hội tụ đủ các tố chất âm hưởng riêng của âm nhạc quan họ. Do đó, trong mỗi bọn quan họ thường có một người chuyên sáng tác ra những bài đối, giọng mới. Họ chính là những “Nhạc sỹ dân gian”- tác giả của hàng trăm làn điệu quan họ được truyền khẩu từ đời này qua đời khác cho tới ngày nay.
   Có thể nói, văn hoá quan họ có gốc từ tục kết chạ giữa các làng. Việc quan họ tham gia làm lễ ở đình và ca hát trong ngày lễ hội của nhau cũng là xuất phát từ quan họ của các làng kết chạ, sau dần trở thành phổ biến chung cho cả vùng quan họ. Mặt khác, có rất nhiều làng kết chạ với nhau do cùng thờ chung Thành hoàng làng. Vậy nên, việc hình thành tín ngưỡng chung của các làng cùng chạ là tất yếu. các bọn quan họ kết bạn truyền đời có gốc từ tục kết chạ do đó phải tuân thủ theo tục lệ làng xóm. Những bọn quan họ kết bạn khác ra đời sau đã lấy đó làm chuẩn mực để noi theo, dần trở thành lễ nghi phổ cập chung cho cả vùng. Và chính sự tham gia, hoà nhập vào văn hoá tín ngưỡng trong tục kết chạ, kết bạn của người quan họ tự bao đời, đã tạo ra bản sắc riêng vô cùng độc đáo của sinh hoạt văn hoá quan họ hôm nay.
Tác giả bài viết: Nguyễn Trung
Nguồn bài: Website Sóng Nhạc 

0 comments:

Post a Comment