Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, March 11, 2015

THỜI ĐẠI CÁI GÌ CŨNG TRA GOOGLE CHỨ KHÔNG THÔNG QUA Ý KIẾN BỐ MẸ LÀ NHƯ THẾ!

March 11, 2015

Share it Please
   Các bác phụ huynh có vẻ như đang nhảy xởn lên vì vụ bọn trẻ đánh nhau trong lớp học nhỉ? Các bác đừng có thở dài than vãn thời đại mạt pháp như thế. Các bác đang đào xới những cái vì-đâu-nên-nỗi nhỉ? Các bác hay phán rằng những sự đánh nhau “hoàng tráng” như này phổ biến từ thế hệ 9X bọn Tây nhỉ? Tây không cãi đâu nhưng cho Tây chõ mõm một chút để đời bớt oan phát nào.
   Tây cũng có thời bỏ học đi đuổi ong bắt bướm như ai. Tây là dân 9X đời đầu nhé. Nói chung là Tây cũng như bao đứa khác. Thích xem phim Hàn Quốc đến độ học theo phim luôn. Lôi hết sách vở bỏ lên tay còn cặp thì rỗng tuếch, hiên ngang đi vào cổng trưởng, thích thằng nào, va vào thằng ấy. Ờ thì Tây cũng ưng trong cuộc nhặt nhạnh sách vở, hai con mắt vô tình thấy nhau. Hôm sau mong đằng ấy hỏi thăm một câu, Tây bẽn lẽn bảo không sao bạn à. Thế rồi kiếm cớ gặp thường xuyên. Nảy sinh tình cảm. Ối à là được tiếp cận người mình thầm thương. Yêu không chịu nổi!
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa
   Thế hệ 9X của Tây ấy mà. Đa số lên lớp sáu mới phải học thêm tiếng Anh và Toán. Chẳng như thời buổi @ này, trẻ con phải học thêm từ thời thi vào lớp mười. Sáng đi học trên trường, chiều về thay vì ôn bài, làm việc nhà như các liền anh liền chị 7X, 8X và xa xa là các cụ 5X, 6X thì bọn Tây phải ủi mặt đến các lớp học thêm. Ngồi học thêm dễ thở hơn ở trường. Mái thoải đá lông nheo hoặc giở trò mèo gì cũng được. Thầy cô có mắng nhưng không đến nỗi như trên trường. Bọn Tây mà bỏ lớp thì... thu nhập của thầy cô ở đâu ra. Phũ phàng mà nói là như thế. Nhiều khi đi học thêm chỉ để ngắm cái thằng ở góc bàn nọ. Dân 9X bọn Tây yêu sớm lắm. Lớp sáu đã biết nói lời yêu, lớp bảy nắm tay, lớp tám ôm ấp, lớp chín trốn bố mẹ ra góc yên tĩnh hôn nhau rồi hứa sẽ cưới nhau đằng ấy nhé. Ba lớp: mười, mười một và mười hai, bố mẹ thấp tha thấp thỏm canh chừng con gái. He he. Yêu rồi thì chắc chắn có chuyện ghen. Đa số đánh nhau thuở học đường là do đánh ghen. Con gái mà đánh nhau cũng như cho họ gia nhập đội bóng đá nữ ấy. Trái bóng ở đâu thì cả đội túm tụm ở đấy. Lúc đánh nhau cũng vậy. Cả lũ xé áo, chửi thề, giật tóc chứ không phải theo kiểu tỉ thí võ nghệ của bọn con trai đâu. Tây được mệnh danh là mông dẹt, ngực lép, răng vâu lại chuyên nói xấu thiên hạ nên chả có ai yêu. May thế chứ lị. Nếu không á? Chắc cũng choảng nhau tóe máu với vài đứa rồi. He he.
   Trẻ con thời đại @, tiệm cận thời đại công nghệ số này thì sao? Bé tí tị tì ti, nói còn bập bẹ đã được tiếp xúc với thiết bị công nghệ rồi. Điện thoại điện thiếc, máy móc  linh ta linh tinh chúng biết tuốt từ thời tiểu học. Hơn nữa, chưa bao giờ “công nghiệp dạy thêm và học thêm” lại thăng hoa như lúc này. Trẻ con có vô vàn lý do để thoát khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ. Trong đó đi-học-thêm là hợp pháp nhất. Đến lớp thì lại trốn học, đi hẹn hò. Phim ảnh thể hiện sự yêu đương, ghen tuông, hờn giận thừa mứa ra. Các thước phim nhạy cảm muốn xem cũng chỉ một cú nhắp chuột là có.
   Các phụ huynh 5X, 6X, 7X và 8X phải chấp nhận sự thật rằng con, cháu mình ở trong vòng xoáy ấy của thời đại. Các cụ vẫn cảm thấy như đang sống ở thời muốn-hẹn-hò-phải-đứng-ngoài-hàng-rào-kêu-tắc-kè thì tặc lưỡi tiếc rẻ sự ngoan ngoãn là đúng rồi. Thời đại này, hai đứa ở hai nhà nhưng bố của đối phương đi ngủ lúc mấy giờ, nhà có mấy con chó, chốt cửa cổng kêu khẽ hay vang ầm...đều biết tuốt tuồn tuột.
   Nói vậy không có nghĩa là đổ lỗi hết cho dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên phải công nhận rằng công nghệ số phát triển cùng với nhu cầu học thêm ở bậc phổ thông đã góp phần không nhỏ vào nạn học trò mất nết với thầy cô tại trường (vì đã biết hết kiến thức ở lớp học thêm nên bất cần thầy cô ở trường), trốn nhà đi học thêm để rồi có  cơ hội nảy sinh tình cảm sớm dẫn đến hành xử theo phim ảnh chứ không thông qua ý kiến tư vấn của bố mẹ nữa. Rõ nhất là cái gì cũng gõ Google. Có lẽ bố mẹ phải có kho khiến thức nhiều hơn Google thì may ra quản con được. He he. Chõ thế thôi, Tây cũng không có cách giải quyết đâu. 
Buôn Ama Thuột, 11/3/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment