Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, March 13, 2015

MÙA TƯỚI CÀ PHÊ - Phần 7. THẢM HỌA SƯƠNG MUỐI

March 13, 2015

Share it Please
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Sáng nay mở Facebook lên thấy bạn Nhat Tien Tran đăng ảnh thảm họa sương muối trên đồi cà phê ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Mình rợn tóc gáy và chân tay lẩy bẩy. Lần đầu tiên mình thấy hình ảnh lá cà phê cháy vì sương muối ghê gớm như vậy đấy. Ở Dak Lak của mình, nếu có thì chỉ sợ sương muối xuất hiện vào mùa ra hoa cà phê thôi. Sương đậm đặc quá sẽ làm hoa ngậm nụ chứ không bung nở. Hoa không nở thì ôi thôi rồi, người nông dân không có cà phê để hái và người nuôi ong mất luôn mùa phấn cũng như mật ong. Người nuôi ong trên cả nước bị lỗ chi phí vận chuyển các thùng về Tây Nguyên. Vùng mình ít xảy ra sương muối nặng nề đến độ cháy lá như mới có lửa hui ấy thì đất lại thích hợp với cây cà phê Vối (Rubusta) chứ không có sản lượng cà phê Chè (Arabica) cao như Sơn La và Lâm Đồng.
Lá cà phê cháy vì sương muối - Tác giả ảnh: Phan Nhân
   Trên thị trường, cà Chè được ưa chuộng hơn cà Vối nên giá cao hơn hẳn. Việt Nam nổi tiếng xuất khẩu cà phê Vối thôi. Cà chè ưa địa hình núi cao từ 1000 – 1500m so với mực nước biển nên bén rễ nhiều ở hai tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Thế nhưng hai tỉnh này khốn khổ vì nạn sương muối. Riêng ở Lâm Đồng, sương muối thường xuất hiện vào tháng một và hai hằng năm. Đây là khoảng thời gian hoa cà phê nở đợt đầu tiên. Đợt này quyết định sản lượng của năm đó. Các đợt sau có nở nhưng không nhiều bằng. Chắc do biến đổi khí hậu mà giữa tháng ba như này vẫn có sương muối nhiều như vậy.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Nhìn hình ảnh các bạn cũng thấy được độ tàn khốc của sương muối có kém gì sóng thần hay động đất đâu. Những mảng màu nâu ấy là cây cà phê vị cháy đấy. Đồng nghĩa với chuyện những cây cà phê ấy sẽ bị cưa ngang gốc (cách mặt đất 20-25cm) hoặc nhẹ hơn là bị cắt ở những chỗ cách nơi dính sương khoảng 5cm để chờ đến mùa mưa xuống, cây đâm chồi nảy lộc trở lại. Kiểu gì người nông dân cũng trắng tay trong một (nếu cưa gốc) hoặc hai (nếu cắt cành) năm. Chi phí phân tro, tưới tắm cho cây cà phê rồi tiền ăn uống, học hành của gia đình chủ rẫy trong một năm ở đâu mà ra? Vâng, ký nợ và hứa hẹn hết mùa cà phê sẽ trả! Nhưng sản lượng sau khi bị sương muối không cao, giá cả lại lên xuống phập phù. Cái vòng “vay đầu năm – trả cuối năm” cứ bám riết người nông dân vậy á. Thương các bạn K’ho ở Đa Nhim quá! Nói thiệt chớ nhìn cảnh này, các bạn ấy muốn mình bị khô vì sương thay cho lá cà phê.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
   Vì sợ sương muối và gió đánh nát lá cà phê mà khi các bạn đến thăm rẫy  thường gặp những hàng cây Muồng Đen (muồng Xiêm) cao lêu đêu trồng xen giữa các hàng cà phê. Những cây ấy có tác dụng chắn gió và điều hòa độ ẩm không khí, ngăn ngừa những bức xạ nhiệt giúp giảm thiểu hiện tượng sương muối.
Tác giả ảnh: Nhat Tien Tran
Buôn Ama Thuột, 13/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***
Các bạn bấm vào Phần 1 Phần 2Phần 3Phần 4 , Phần 5Phần 6 để theo dõi từ đầu nhé.

2 comments:

  1. Replies
    1. He he. Nhàn cư anh ạ. Viết để mai này đi làm không viết nữa

      Delete