Cách đây khoảng một tháng (tức là trước tết), người nuôi ong
trên cả nước đổ bộ lên khắp các rẫy cà phê của Tây Nguyên để giành giật hoa cho
ong của mình. Có nhiều người vẫn tưởng rằng chỉ cần đầu tư mấy thùng ong rồi đặt
trong vườn nhà, thế là có mật ong bán quanh năm. Không phải đâu, kiếp nuôi ong
bạc lắm các bạn ạ. Các bà vợ có chồng
nuôi ong thì phải chấp nhận chồng thích trăng với hoa. Nói theo nghĩa đen ấy nhé.
Nghề nuôi ong khổ lắm. Cứ nơi nào có hoa thì thuê xe chở thùng ong đến đó. Họ nắm
rõ các mùa hoa còn hơn các nhiếp ảnh gia đi săn ảnh. Đêm thâu nằm võng canh
thùng ong, muỗi cắn lại thêm nhớ vợ nữa. Chỉ có ánh trăng bầu bạn. Lâu dần
cũng...thích trăng luôn. Còn hiểu theo nghĩa bóng thì Tây đã chứng kiến hai gia
đình ly tán chỉ vì chồng đi theo đàn ong rồi. Xa vợ xa con cộng thêm các vấn đề
tâm sinh lý khác, các ông chồng tự dưng nổi tính trăng hoa. Tan đàn xẻ nghé hết
cả. Vậy nên mỗi một giọt mật các bạn mua về đều có “pha” cả nước mắt của vợ xa
chồng, con xa bố nữa đấy. Đừng chê mật đắt. Giá mật ong tại vườn hiện nay là 70
000đ/lít
Những ngày giáp tết, hoa cà phê nở đợt đầu tiên. Đây là đợt
cà phê trổ bông sung mãn nhất. Ong rừng thám thính cách đó nửa tháng rồi. Bằng
chứng là “cứt ong” rơi đầy đường. Thực ra không phải cứt mà là phấn hoa dạng lỏng
bị đổ trong quá trình ong bay. Nó có màu vàng, mùi lại ngai ngái. Từ bé, bọn
mình đã gọi đó là hiện tượng ong ỉa. Thứ nước ấy rơi xuống tạo thành giọt có đường
kính 2mm, nó phủ chi chít lên mặt đường, quần áo của chúng ta khi ra khỏi nhà. Vậy
nên với Tây, mùa khô chỉ đến khi thấy áo bị dính hai vết cứt ong trở lên.
Nhà Tây chỉ ăn phấn hoa và mật ong quay vào tháng ba hằng
năm vì mật này là mật hoa cà phê. Mật hoa cà phê dường như thơm hơn và phấn hoa
vàng rơm, ăn bùi. Giá phấn hoa là 30 000đ/kg tại vườn. Về kỹ thuật quay mật thì
lâu nay vẫn dùng phương pháp ly tâm thủ công. Họ bỏ các liếp chứa sáp ong đầy mật
vào các khe trong guồng ly tâm rồi quay khoảng 17 vòng với tốc độ chậm rồi lại
đặt các liếp ấy vào thùng ong. Trước khi tiến hành lấy mật, người ta đốt củi tạo
khói cho ong sợ, bớt tấn công bảo vệ tổ. Sau đó, họ xẻo bớt sáp ong ở xung
quanh khung viền liếp để mật dễ chảy ra ngoài khi quay.
Tại sao Tây chỉ thích ăn mật quay ở tháng ba? Đơn giản vì
trước tháng ba, có một đợt quay xả hết lượng đường tồn đọng trong sáp ong. Mấy
tháng mùa mưa, hiếm hoa nên người nuôi phải cho ong ăn đường chờ đến mùa khô. Tháng
hai bắt đầu có hoa cà phê rồi, sang tháng ba người ta đi quay mật. Tây chỉ việc
xách can đến tận nơi quay mua hẳn năm lít để ăn trong hai năm. Ở chỗ Tây sống,
có một nhà nọ không ăn hạt nêm và bột ngọt (mì chính), đường. Ướp gia vị chỉ có
muối hoặc nước mắm và nêm mật ong thôi. Giống với kiểu ăn nêm đường phổi trong
hầm canh ấy.
Đến khoảng giữa tháng tư sẽ hết ba đợt tưới cà phê thì cũng
hết ba lứa hoa. Sau đó người nuôi ong lại phải chạy đến vùng có hoa xoài, điều,
tràm... cho ong kiếm mật. Cuộc đời cứ dập dềnh theo hướng ong bay...
Tháng ba năm ngoái, Tây có đi “tác nghiệp” cảnh quay mật
ong. Các ảnh bên dưới đấy. He he. Dùng từ tác nghiệp cho oai thế chứ chỉ có mỗi
cái điện thoại Nokia 7210 chụp mờ câm. Cứ giương điện thoại lên định chụp thì
các anh nhân công bảo chụp để tung lên Facebook hả. Tây đỏ hết cả mặt. Các anh ấy
nói đúng quá còn gì. Thành ra cả buổi cứ giả vờ bấm nhắn tin toanh toách chứ thực
ra là tìm cơ hội chớp vội mấy tấm cận cảnh. Thế mới biết ngày xưa Tây quá đáng.
Hồi mới sưu tầm ảnh á hả, Tây cứ chê ảnh này chụp diễn quá, ảnh kia không bám
sát thực tế. Giờ mới hiểu rằng chỉ có người mẫu mới chịu theo ý của người chụp.
Không phải ai cũng chịu đứng trước ống kính cho chúng ta chụp đâu.
Buôn Ama Thuột, 1/3/2015
Tây Nguyên Xanh
***
0 comments:
Post a Comment