Cái hội nước chè xanh buổi sáng do mấy người Nghệ Tĩnh khởi xướng đã có thêm thành viên của các miền quê khác nữa rồi. Thanh Hóa, Quảng Trị,
Quảng Nam, Bình Thuận...đủ cả. Mùa khô, hội ít họp hơn vì chè bị hái trụi mà
không có mưa cho nó nhanh mọc. Thành thử lâu lâu mới hái làm nước đãi khách một
lần. Hồi mới lập hội, hễ gặp nhau là các cụ đoán thời điểm này ở quê đang diễn
ra như thế như thế, Giờ mà ở ngoài ấy, chúng ta sẽ như nọ như kia. Ánh mắt các
cụ xa xăm lắm. Nay đã quen với hai mùa mưa nắng, thân thiết với gốc cà phê rồi
thì hỏi nhau chốt sổ bảo hiểm chưa, bao giờ đi giám định sức khỏe để làm thủ tục
về hưu non. Cả đội sản xuất của nông trường nay chỉ có vài người công nhân nữa
thôi. Đa số đã chốt sổ bảo hiểm, tiếp tục ký hợp đồng nhận lại vườn cây để chờ
đủ tuổi về hưu. Một năm đóng tiền bảo hiểm xã hội mười mấy triệu, chịu không thấu.
Loay quay là đến kỳ nạp. Có đận phải đóng trong mùa giáp hạt, túng thiếu trăm bề.
Với lại tâm lý các cụ luôn sợ đóng bảo hiểm đủ năm đủ tháng rồi thì sức khỏe chẳng
đủ để hưởng bảo hiểm nữa. Hái cà phê giữa mưa, lạnh run. Đi tưới trong mùa nắng,
hơi đất bốc lên nghi ngút thấm vào lỗ chân lông. Tối về đau ê người. Biết có trụ
được đến lúc hưởng lương hưu không?!
Tác giả ảnh: Trần Bảo Hòa |
Có cụ vung tay chém gió, hỉ hả khoe bà vợ làm giáo viên của
mình còn mấy tháng nữa về hưu mà nghe đồn các cụ bên phòng nội vụ huyện hỏi
khéo kế toán rằng trường có vợ của ông cụ sắp về hưu mà sao chưa thấy đệ trình
giấy tờ gì thế nhỉ. Cái ý cụ muốn khoe là anh em công nhân các trông trường cà
phê và cao su thì cố “chạy” về hưu non, còn cánh viên chức và công chức muốn về
hưu muộn hơn cũng khó vì...hồ sơ xin việc trong tay cán bộ phòng nội vụ nhiều
quá. Năm kia năm kỉa có cô giáo bị tố cáo cố tình sửa tuổi nhỏ hơn để được về
hưu muộn. Nghe bảo họ dọa cắt lương hưu của cô ấy mãi mãi. Chẳng biết giờ cô ấy
ra sao. Là hội nước chè phao tin thế. Nào ai rõ thực hư.
Có cụ bảo dạo này đi đâu cũng nghe than thở chuyện mượn cháu
về chơi ít ngày. Con cái lập gia thất hết cả. Họ cũng đẻ ít con nên không muốn
xa con một tí nào hết. Ông bà thăm cháu vài hôm. Lúc về nhớ quá nên một thời
gian sau đến bẽn lẽn xin “mượn” cháu về chơi ít hôm. Các cụ bảo chăm cháu khổ
hơn chăm con của mình. Ngày xưa, bố mẹ nó hỗn thì đánh thoải mái. Nay cháu hỗn
cũng không dám đánh đau. Sợ nó về mách với bố mẹ. Chúng xót con lại trách ông
bà. Cháu ốm, ông bà lo hơn ai hết. Đi bệnh viện nào khám cũng phải hỏi ý kiến bố
mẹ nó chứ không tụi nó lại trách ông bà sao không đem đến viện nọ kia cho tốt.
Các cụ gật gù thống nhất với nhau rằng thôi thì nhớ một tí còn hơn là sơ sểnh để
cháu có chuyện gì lại bị ăn vạ. Thời buổi nhà nào cũng phấn đấu một cậu ấm và một
cô chiêu là đủ nên hãi lắm.
Tự dưng ai đó nhắc đến chuyện ông cụ nhà kia mới từ quê vào.
Nghe đâu cụ không ăn tết trong này vì chán quá. Có một lô cà phê bé tẹo, canh
tác hơn hai mươi năm nay rồi. Giờ các cụ nghỉ hưu, muốn bán lô. Cô con gái đầu tuyên
bố nhà có bốn được đứa. Bố mẹ phải chia tiền cho bốn đứa. Mà cái nhà ấy có năm
nào có cà phê trong nhà đâu. Mùa thu hái vừa xong là chủ nợ siết hết cả. Cô con
gái này lấy chồng một thời gian sau bỗng dắt cả nhà về xin ở cùng với bố mẹ. Anh
chồng cam phận ở rể, chịu khó làm thuê nhưng không đủ nuôi cả nhà. Giờ thì họ
thả con cho ông bà nuôi, xuống Sài Gòn kiếm việc rồi. Không biết trong cái đám
đình công mấy hôm trước có anh chị ấy không. Khéo họ bất mãn, lại về hằm hè số
tiền bán lô của bố mẹ thì khốn.
Hình như ở tuổi xế chiều, người ta thích nhớ để có hứng “mượn
cháu về chơi” hơn là phải nuôi cháu trong khoảng thời gian vô định. Còn phải đi
mượn cháu nghĩa là con cái của các cụ còn làm ăn tự nuôi sống gia đình được.
Báu gì chuyện nuôi cháu cho con đi làm ăn xa...
Buôn Ama Thuột, 3/4/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment