Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Tuesday, May 5, 2015

LÀM BẢO MẪU CHO ĐỘNG VẬT

May 05, 2015

Share it Please
   Tự dưng sóng mũi cay cay, khoé mắt ươn ướt khi đọc cái comment của một anh bạn Facebook thông báo cái kết bất ngờ của chuyến thả chim mâ họ nuôi bấy lâu nay. Hôm qua, thấy các anh đăng ảnh mấy con diều hâu trắng đã ra ràng kèm theo những lời chia ly khiến mình buồn rũ, chẳng thèm chém gió trò chuyện với ai. Thấy các anh quyến luyến, mình cũng nhũn cả lòng. Các anh yêu chim, chụp chim và tình nguyện làm bảo mẫu cho chim gặp nạn. Không biết duyên cơ thế nào mà các anh chung tay nuôi mấy con diều hâu non. Cơm các anh có thể ăn ít hơn nhưng mồi cho mấy con diều hâu kia thì không bao giờ thiếu. Các anh chụp từng khoảnh khắc lớn của chúng. Giờ chúng đã trưởng thành. Các anh lưu luyến lắm nhưng biết rằng càng thương chúng thì càng phải chịu khó dứt tình, thả nó về với thiên nhiên. Trưa nay một anh kể là thả ở chỗ cách nhà 6 km nhưng khi vừa về tới nhà thì mấy con ấy đã đậu ngay trước cổng rồi. Ai bảo chim không có tình chứ.
Đầu diều hâu trắng - Ảnh: Trương Vinh
   Lại nhớ cái ký sự kể về một anh chàng bỏ phố xá xa hoa để đến vùng hoang dã làm bảo mẫu cho các chú chuột túi ở Úc. Bên ấy, các con chuột túi mẹ có thể chết vì tai nạn giao thông hoặc bị loài khác tấn công. Mỗi khi hay tin có thú bị nạn. Anh đến bế con non bỏ vào cái túi tự chế để ủ ấm cho chúng rồi cho chúng bú sữa. Nửa đêm chúng nó kêu inh ỏi, anh phải dậy cho chúng ăn đến sáng. Ngày nào cũng vậy, giấc ngủ của anh không bao giờ tròn. Anh xem cách con chuột túi mẹ chăm sóc con rồi về làm theo. Mỗi lần phải kích thích cho chuột túi con biết đến giờ đi đái lại khiến anh thấy thiên chức làm mẹ của mọi loài đều cao cả. Chuột túi mẹ liếm láp vào chỗ đái của con để kích cho chúng tè vào mồm mẹ cho sạch túi, con non không bị nhớp nháp. Mọi bẩn thỉu của con non, chuột mẹ nuốt hết vào lòng. Anh cưng bầy chuột túi nên ngày nào cũng vào vùng hoang dã mang mấy quả cà rốt cho các con chuột mới sinh nở. Cái bụng bầu của chuột túi mẹ không to như loài khác nên anh phải quan sát khi nào chúng liếm túi thường xuyên thì biết chúng sắp sinh. Cứ thấy chuột mẹ ngồi bệt lên đuôi là anh nín thở quan sát khoảnh khắc sinh nở. Chừng nào con non bò hết đoạn đường từ nơi sinh ra đến lúc lọt vào túi ngoạm lấy bầu vú trong ấy, anh mới yên tâm được. Tạo hoá thật kỳ diệu, đã ban cho loài ấy cái bản năng hít được mùi sữa trong túi để con non mò tới sau khi sinh. Mỗi lúc đi thả chuột con về với bầy đàn là anh phải hút thuốc cho đỡ trống trải.
Diều hâu trắng - Ảnh: Quyen Kh
   Tình yêu động vật nhiều khi cũng khó cắt nghĩa như tình yêu nam nữ vậy. Còn nhớ, loạt ký sự 60 năm hành nghề của một phóng viên chuyên về kênh khoa học giáo dục ở đài BBC, tất nhiên là seri ký sự ấy được thuyết minh bằng tiếng Việt. Vị phóng viên già ấy chia sẻ một kỷ niệm hồi mới vào nghề. Anh ta (ông ấy thuở còn vàng son) được giao nhiệm vụ đi phỏng vấn một nhà sinh vật học. Nhà sinh vật này ấp trứng mấy con vịt trời bằng đèn sợi tóc. Vịt con nở ra thấy ai thì tưởng đó là mẹ nên chúng đi theo nhà sinh vật học này đến mọi nơi. Ông đi du thuyền trên hồ, chúng bay theo ngang tốc độ với thuyền. Sau này người phương Tây hay nuôi theo cách này để được ngắm vịt trời chao lượn trên không. Anh phóng viên đang trò chuyện với nhà sinh vật học, bỗng có con vịt bĩnh lên chỗ nào đó mình không nhớ nữa. Nhưng hình ảnh nhà động vật học lấy cái khăn vừa mới lau cứt vịt để lau nước mũi khiến mình thấy thú vị. Ông đã vượt qua mọi gớm ghiếc. Nhà sinh vật ấy nuôi vịt trong điều kiện sạch sẽ nhất có thể và ông tin cứt của nó cũng không có bệnh tật gì cả. Ông hoà vào đời sống của loài vịt để hiểu về vịt. Tình yêu các loài vật  khó lý giải lắm. Chỉ có thể nói dối là vì đam mê nghiên cứu khoa học thôi.
Diều hâu trắng đang ăn mồi - Ảnh: Trịnh Minh Nhựt
    Đối với các phó nháy, ngày nào họ cũng vác máy đi chụp. Lắm khi chỉ để gần gũi với thiên nhiên vạn vật thôi chứ chưa chắc vì nhu cầu săn khoảnh khắc đẹp. 
Buôn Ama Thuột, 5/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment