Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, May 17, 2015

THỬ LẠM BÀN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GIỌNG NÓI BA MIỀN.

May 17, 2015

Share it Please
    Nửa đêm sấm chớp đùng đùng khiến mình thức giấc. Sáng ra người đơ đơ thế nào ấy. Thân nhiệt có tí cao. Giọng có vẻ vỡ ra như vịt đực rồi. Cảm cúm chăng? Lại nhớ cái status đêm của nhà thơ Văn Công Hùng bàn về chuyện lai giọng khi làm việc ở xứ khác. Thử bày tỏ cái nhận định hâm hâm của mình về quá trình hình thành giọng nói ba miền xem nào.
Tác giả ảnh: Huỳnh Trưởng
   Mình thấy giọng nói của dân ta biến chuyển từ Bắc vào Nam ứng với giọng nói ở trạng thái khác nhau của người bị cảm cúm. Thật luôn! Này nhé, các tỉnh Bắc bộ dù có một vài từ địa phương khác nhau nhưng đa số vẫn cùng tông giọng nói. Thế nhưng đến Thanh Hoá bắt đầu “vỡ” giọng như người mới bị cảm cúm. Vào đến Nghệ Tĩnh thì bệnh nặng hơn, tính tình hay cáu gắt hơn vì mệt, giọng nói có vẻ trũng xuống nhưng vẫn đảm bảo ngữ khí vút cao ở cuối câu như giọng Bắc. Điều này lý giải vì sao người Nghệ ra Hà Nội nói được giọng Bắc nhanh thành thục hơn so với các nơi khác. Giọng nói của người bị cảm cúm không uống thuốc sẽ có lúc hơi bật lên mũi, gọi là âm mũi. Âm mũi bao giờ cũng nghe trầm và ấm hơn cả. Cái này ứng với giọng nói của vùng Bình Trị Thiên, nhất là Thừa Thiên Huế. Ai nhại giọng Huế thì cố mà hạ thấp giọng và vớt hơi lên đường mũi thì cũng khá giống đấy.
   Trạng thái cảm cúm có giai đoạn phát sinh đờm ở cổ họng khiến chúng ra phải rướn cái cổ lên để cố nói ra thành tiếng. Chúng ta hay than là bị đặc cổ ấy. Mình lại liên tưởng đến giọng nói Quảng Nam – Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Âm điệu ngang phè phè và bản thân người ở vùng này lúc phát âm hay nhướng cổ lên như người như đang cố phát cho tròn âm. Nom như người vừa nói vừa trương mặt lên đầy thách thức. he he. Chẳng biết cái câu “Quảng Nam hay cãi” có phải một phần vì khẩu hình như đã diễn tả không.  Là mình thuật lại vụ hay cãi chứ mình không bêu rếu gì các tình yêu xứ Quảng đâu nhé. Mình cũng không thích kỳ thị vùng miền đâu.
   Sang đến Bình Định, Phú Yên, giọng nói của dân xứ Nẫu có vẻ giống giọng của người có dấu hiệu bệnh cảm đã bớt hơn. Và càng xuôi vào Nam cho đến miền sông nước Cửu Long thì giọng nói có vẻ nhẹ dần theo chiều dài của đất nước. Giống như kiểu người bệnh khoẻ dần nhưng sau trận ốm không dùng đến thuốc, cơ địa yếu hơn một chút, nói nhỏ nhẹ hơn một chút. Bằng chứng: mình để ý thế này, người Bắc hay nói “anh ấy” là “anh í”. Khi phát âm “anh í”, môi của người nói rất căng và miệng khá bành ra ở từ “í”. Âm điệu lúc đầu ngang ở từ “anh” nhưng bẻ cao lên phía sau ở từ “í”. Người Nam bộ lại nói “anh ấy” thành “ãnh”. Thanh ngã nhé, mình không đồng ý với các nhà văn viết theo giọng Nam bộ mà ghi dấu hỏi trên đầu chữ a đâu. Nghĩa là ãnh chứ không phải ảnh. Bởi vì theo mình cảm nhận thì người miền Nam phát âm từ “ãnh” cũng có vút cao ở phía sau và từ này hơi luyến giọng. Trong các thanh âm thì chỉ có thanh ngã mới đảm bảo sự gãy và chuyển cao âm như vậy. Độ căng của môi khi phát âm “ãnh” tất nhiên là ít hơn “anh í “ rồi. Các bạn thử đi. Rõ ràng giọng Nam bộ vẫn giữ nguyên hình thái của giọng Bắc bộ nhưng được làm gọn và nhẹ đi.
   Chính vì thế, mình lại hình dung ra cuộc thiên di đi khai hoang mở đất của tổ tiên ta ở thuở hồng hoang. Các cụ mang bánh chưng để ăn trên đường vào Nam. Nhưng bánh chưng cồng kềnh quá, các cụ mới “nắm” bánh chưng lại thành hình bầu bầu dài dài như cơm nắm ấy. Cái đòn bánh Tét dài được tạo thành từ đó. Mình tin là thế vì khi vắt cơm hay vắt xôi để ăn dự trữ, chẳng ai vắt thành hình cầu cả mà chủ yếu là hình bầu dục. Trong cuộc thiên di ấy, không khí hồi đó còn trong lành, người ta chủ yếu mắc bệnh cảm cúm thôi. Đường vào Nam xa ngái, mưa nắng dội vào cơ thể. Kiểu gì chẳng lăn đùng ra ốm. Những cơn sốt kinh hoàng đã gây đột biến dây thần kinh quản lý giọng nói. Khiến cho giọng nói bị biến đổi. Có người đi hết hành trình từ sông Hồng đến các nhánh cuối cùng của sông Mê Kông nhưng có người chịu không nổi nên dừng lại, xây nhà dựng cửa sống rải khắp Bắc – Trung - Nam. Con cháu thường bị ảnh hưởng bởi giọng nói của cha mẹ nên tạo thành cộng đồng nói giọng đặc trừng vùng nào đó. Càng đi xa, càng thấy ghét mang vác nhiều hành lý. Sức yếu nên họ vứt bớt đồ cho nhẹ. Và cái ý thức làm gọn câu nói cũng từ đó mà ra. Có điều thú vị là không những tiếng Việt có sự làm nhẹ giọng nói mà trong tiếng Hán cũng có. Người Bắc Kinh phát âm có cuốn lưỡi nhưng càng tịnh tiến vào miền Nam của Trung Quốc thì cũng không thấy âm này nữa. Người ta cũng có sự giảm năng lượng phải tốn khi phát âm. Mình học tiếng Hán, thấy thế nên phán thế chứ không biết đúng không.
   Còn hệ thống từ ngữ địa phương của tiếng Việt, mình nghĩ chúng được hình thành do lịch sử kỵ huý. Có thể ngày xưa vì phải kiêng nói: “gì, đâu, kia, sao, thế”  mà người Thanh Nghệ Tĩnh nói "chi, mô, tê, răng, rứa". Theo cơ chế như vậy mà chúng ta có hệ thống từ ngữ cực kỳ phong phú. Là mình nêu ra ý kiến chủ quan như thế. Các bạn mổ xẻ thêm cho sáng tỏ vấn đề xem. Hôm sau mình sẽ bàn về tác dụng “phổ thông hoá từ ngữ địa phương” của văn Bựa. He he.

 Buôn Ama Thuột, 17/5/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment