Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, May 10, 2015

TRANG PHỤC ĐỜI THƯỜNG CỦA PHỤ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN

May 10, 2015

Share it Please
   Không phải mượn cớ Ngày Của Mẹ để đăng mấy tấm này đâu, chỉ là vì vô tình thấy trên Facebook vào sáng nay, ấn tượng quá nên đăng thôi. Và bạn ấy cũng đăng mấy hôm rồi, không phải đăng để hưởng ứng Ngày Của Mẹ. Hai hình ảnh mang “hơi thở” của năm tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum đấy. Cả năm tỉnh đều có người dân tộc thiểu số với sắc phục truyền thống và quan điểm lối sống có chiều khác biệt nhưng lạ lùng thay, trang phục đời thường của họ lại na ná nhau.
   
   Tất cả phụ nữ trung niên thuộc các sắc tộc khác nhau khi đi chăn bò hay đi chợ thường mặc cái váy đen, ống đứng, dài ít nhất là phủ được mắt cá chân, vai họ đeo gùi. Cái váy đen như than, không bóng bẩy như kiểu váy lụa của người Kinh đâu. Váy đen một cách khó hiểu, đen như màn đêm huyền bí vậy. Tuy nhiên để cho linh động hơn, bây giờ các mí (mẹ trong tiếng Ê Đê) cũng mặc quần rồi. Nhưng quần ấy được làm từ vải vốn dùng để may váy đen đó.. Hôm nào đi kiếm củi, đi chợ thì các mí mang gùi đan bằng mây, tre. Nhiều khi gùi cũng là một phụ kiện cho các mí, các chị và các em gái làm đỏm như kiểu gái người Kinh tung lăng đi chợ với cái túi xách xinh xinh đấy nhé. Hôm nào chỉ đơn thuần là đi chăn bò thì có thể các mí đeo loại gùi bằng bao hoặc vải. vải được các mí may dạng ống dài rồi gắn thêm hai cái quai đeo sau lưng như đeo gùi. Cái ấy nhẹ nên tiện cho hành trình lang thang chăn bò. Họ chăn bò từ lúc còn sương sớm đến quá nửa chiều mới về nhà. Còn áo của họ thì mình chẳng để ý bao gờ vì không có gì khác áo người Kinh hay mặc cả. Có điều họ hay mặc áo khoác mỏng. Nhớ nhé, đó là trang phục đời thường. Còn những bộ áo các bạn thích ướm thử để chụp hình khi du đi du lịch ở Tây Nguyên chỉ được họ mặc trong lễ hội thôi nhé.

   Sáng sáng, õng ẹo đi bộ hít thở không khí trong lành đã thấy các mí cùng các em nhỏ lùa bò ở phía xa rồi. Trên đường đi, các mí nhặt nhạnh ve chai để bán cho đồng nát, kiếm thêm tiền ghé chợ. Dọc đường thấy cành củi khô, các mí cũng gom lại. Để rồi mỗi độ chiều về, nhìn qua cửa sổ, thấy nhấp nhô những bó củi đặt ngang miệng gùi được các mí cõng trên lưng. Họ đi thành một hàng như thể bộ đội hành quân. Ngàn năm nay họ vẫn đi theo hàng như thế, từ tốn không nhoi nhoi muốn vượt mặt người khác bao giờ.
   Đến mùa dâu da chin, mùa ổi trĩu cành, mùa mía ngọt lịm, mùa sắn, mùa bắp, các mí lại gánh từng gùi đem ra chợ bán. Hình ảnh các mí mặc váy ngồi bên lề đường của phố thị để bán nông sản khiến mình thấy xót vô vàn. Người Kinh “khoái” mua hàng của các mí lắm. Họ luôn cho rằng người dân tộc thiểu số thật thà, dễ bị lừa phỉnh, dễ bị ép giá nên dẫm chân nhau để chen mua cho được “hàng Tộc”. Cái từ Tộc được dùng để phiếm chỉ các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên đấy. Ngữ khí khi người Kinh phát âm từ “Tộc” một cách đơn lẻ giống với cái từ “người Thượng” hoặc “người mọi (đọc chệch của Tmoi)” ấy. Chẳng hiểu sao rất nhiều (không phải tất cả) người Kinh ở xứ này lại có tư tưởng khinh rẻ người dân tộc bản địa như vậy. Vấn đề này mình nói nhiều rồi nhưng vẫn muốn nhắc lại để các bạn bớt tin, bớt nghe những lời cợt nhả của ai đó về người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
   Ông bà, cha mẹ chúng ta có thể đã từng dùng từ Mọi, Thượng, Tộc để chỉ người thiểu số. Nhưng chúng ta tiến bộ hơn họ (con hơn cha là nhà có phúc mà), chúng ta không dùng các từ ấy một cách đơn lẻ để dùng làm đại từ nữa nhé. Đừng có ví von: đen như Thương, đen như Tộc, đen như Mọi hay ngu như Đê nữa nhé. Chỉ vì những sự ví von ấy mà nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra ra. Người ta không muốn thống kê mà thôi.
Buôn Ama Thuột, Ngày Của Mẹ 10/5/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Vui Tính (ghi theo nick Facebook)

0 comments:

Post a Comment