Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, June 29, 2015

CHUYỆN CÂY VẢI THIỀU BÉN RỄ Ở TÂY NGUYÊN

June 29, 2015

Share it Please

    Đây là hình ảnh thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang. Sau thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm và lái xe chạy qua cầu phao để đem đi bán. Bắc Giang mấy nay lên tivi suốt là nhờ trái vải thiều. Sức mạnh của đặc sản thật là ghê gớm các cụ nhỉ? Hích! Tây Nguyên của em vào vụ cách đây một tháng rưỡi rồi. Nguyên nhân khiến Tây Nguyên cũng có vải là vì các cụ ở phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Họ nhớ hương trái quê nhà quá. Đem hạt vải từ quê vào Tây Nguyên trồng. Ối sồi là đất Tây Nguyên, màu mỡ lắm. Vải xanh tốt, lá mịn màng như da con gái tuổi mười lăm ấy. Có điều, cây vải quen sống ở vùng đất khô cằn, tự dưng được bén rễ nơi đất tốt, nó thành….cây vải đực. He he, Vải làm gì có cây đực, cây cái, chẳng qua mãi không chịu ra hoa đẻ trái nên mới có cái tên cây vải đực thôi. Nhưng rồi có cái sự vụ hay hay này mà Tây Nguyên trở thành đối thủ cạnh tranh với diện tích đất trồng vải với cả nước. Em hóng được trên báo như sau:

    Cái cô tên Mận, ở mãi đâu thị xã Buôn Hồ của tình Dak Lak nhà em, Cô ấy về từ Ninh Bình vào Tây Nguyên từ năm 1980 cơ. Năm 1991 cô về thăm quê, mang một bầu đất có cây vải thiều vào để trồng. Nó sống và xanh tốt lắm. Mỗi tội gần chục năm sau chả có quả bao giờ. Cô ấy muốn chặt lắm rồi nhưng một ngày nọ, cô đốt rác dưới gốc cây vải. Cây bị cháy sém đen thùi lùi, cô tưởng nó sẽ nghoẻo luôn. Ai dè, vài tháng sau, cây ấy ra hoa và đậu quả lúc lỉu khắp cây mới kinh chứ. Cô tò mò không chịu nổi, mon men hỏi người ngoài quê vì sao. Họ bảo rằng vì cây vải vốn sinh trưởng nơi đất xấu và khô cằn ở ngoài Bắc. Do đất Tây Nguyên màu mỡ quá, nó không muốn phải nuôi con để rồi xấu gái cho nên chả chịu đẻ trái. Phải xiết nước, hãm chất dinh dưỡng của nó, phải bắt nó sống kham khổ trong thời gian ngắn thì nó mới chịu ra hoa và kết trái được. Một đồn mười, mười đồn trăm. Kể từ đó, dân tình học lỏm và rủ nhau trồng vải trên khắp Tây Nguyên.

   Vào tháng 9 hằng năm, nông dân dùng dao sắc tạo rãnh sâu quanh vỏ gốc cây vải để ngăn cản chất dưỡng lên cành thì tháng 12 vải sẽ ra hoa và sau tháng 4 hằng năm thì Tây Nguyên bắt đầu có vải để nhem thèm dân miền khác nhé. Trong xóm của em, có mấy nhà trồng vải nhưng do không biết cách động nên đến giờ vẫn chưa có vải để em hái trộm. He he. Chắc phải bày cho họ để có mà thó thôi.

   Ngày xưa, học ở dưới Quy Nhơn, có anh chàng muốn tán chị gái cùng phòng với em hồi năm nhất thì phải khao cả phòng. Anh ấy vừa từ Bắc Giang vào nên mang một bọc vải sấy to uỳnh. Đó là lần đầu tiên em ăn vải sấy đấy. Và cũng chính thời điểm ấy, nông dân ở Tây Nguyên mạnh dạn trồng đại trà vải thiều để bán. Sau hai mươi năm tha hương và thất bại trong việc thuần dưỡng, những người con của đất Bắc xa xôi đã cho con ong Tây Nguyên được hút mật hoa vải thiều giữa đất trời mùa khô.
Buôn Ama Thuột, 29/6/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Vũ Duy Bội
Chữ ký trong ảnh là tên con gái của bạn ấy.

0 comments:

Post a Comment