Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, July 16, 2015

MỘT LÝ DO ĐÁNH NHAU KINH ĐIỂN CỦA HỌC TRÒ Ở TÂY NGUYÊN

July 16, 2015

Share it Please
Trẻ em Tây Nguyên - Tác giả ảnh: Thái Hồng Kỳ
    Đang đứng trên bục giảng, đôi lúc thầy cô ở Tây Nguyên bị cả lớp cúi xuống cười khúc khích sau khi nói một câu gì đó. Không phải học trò cười thầy cô đâu, họ cười vì thầy cô vô tình nhắc đến từ đồng âm với tên của cha hoặc mẹ một người bạn trong lớp. Chuyện này phát sinh do văn hoá gọi tên khác nhau của các vùng. Bọn học trò có gốc khác nhau, chưa đủ lớn để hiểu hết vấn đề nên cứ gọi tên xách mé nhau, Hồi đi học, mình chứng kiến nguyên nhân thế này:

     Người Nghệ có cách con tên con kèm theo tên cha. Ví dụ đứa con có tên Hoàng và cha tên Phi thì người ta gọi tên đứa đó là Hoàng Phi ơi. Chính bản thân người cha cũng gọi con kèm theo tên mình như thế. Cũng như câu cửa miệng kinh điển của người Nghệ là “mả xưng cha mi” rất dễ được phát âm từ chính miệng của người cha khi mắng con hoặc khen ngợi con. Câu ấy đóng vai trò là trợ từ ngữ khí giống như “sư bố anh/cô” của miền Bắc và “mồ tổ cha bay” của miền sông nước Nam Bộ. Quay trở lại với cách gọi tên con của người Nghệ, nếu đặt nó trong môi trường văn hoá giống nhau thì không sao. Đằng này tại nơi tứ phương hội tụ như Tây Nguyên lại nảy sinh kình lộn. Người Nghệ Tĩnh ở Tây Nguyên nhiều lắm. Con cái của họ học với bạn bè gốc Bình – Trị - Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…rất nhiều. Người các vùng này không thấy gọi con kèm tên cha.

     Bạn cùng xóm nghe thấy cha mẹ đứa nọ đứa kia gọi tên con có kèm tên cha. Đến lớp nó cũng gọi bạn mình y như vậy. Những đứa khác quê thấy cách gọi ngồ ngộ nên làm theo. Khi giận nhau chúng lôi tên cha mẹ bạn bè để gọi xách mé nữa. Thế là quánh lộn. Mình còn nhớ, thằng bạn trong lớp mình có cha tên là Tý. Có lần thầy giáo môn Vật Lý giảng về dao động cơ học của con lắc lò xo, thầy nói nhiều khi chỉ cần kéo con lắc ra một đoạn đường “tí tị tì ti” thôi cũng đủ gây dao động lớn rồi. Dưới lớp, học sinh ôm bụng cười với nhau làm thầy đỏ mặt. Sau buổi học, thằng bạn kia hậm hực lắm. Nó muốn đánh tất cả những ai đã cười tên cha nó. Nó rủ cả nhóm bạn thân đánh bọn khác nhóm luôn.


    Bè cánh thời phổ thông đa số được đứng đầu bởi các cán bộ lớp, đứa học giỏi được thầy cô cưng hoặc đơn giản là một học trò cá biệt. Nói xấu nhau, ghét nhau không phải là hiếm. Thầy cô hay tin lời cán bộ lớp nên lớp trưởng, lớp phó khá có quyền lực. Nghe nói đang có dự thảo Điều lệ trường tiểu học, trong đó đổi danh xưng Lớp Trưởng thành Chủ Tịch Hội Đồng Tự Quản. Ở cái tuổi ấy, các bé còn chơi trò sắm vai ông này bà nọ mà đã được tôn xưng như thế thì các bé dễ bị ảo tưởng mình ngang hàng với các ông chủ tịch của các tập đoàn. Khi mà ảo tưởng quyền lực tăng lên thì đánh nhau trong trường phổ thông sẽ càng khó kiểm soát hơn. Nhỡ các bé lên bậc học cao hơn, đánh bạn và hăm doạ không được kể lể với ai như vụ ném ghế vào đầu khiến nữ sinh bị điếc tai kia thì khốn. Xã hội sẽ có các thế hệ ảo tưởng sức mạnh. Nói chuyện với người hay ảo tưởng đã mệt rồi chứ đừng nói làm việc cùng!
Buôn Ama Thuột, 16/7/2015
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment