Đây rồi! Trời ơi,
sau bao lâu tìm kiếm và chờ đợi thì cũng thấy được một tấm ảnh như thế này về
Sài Gòn. Tác giả Trần Chí Kông ghi trên dòng chú thích ảnh là “Thủ Thiêm, Sài
Gòn 2009”. Từ lâu mình đã muốn thấy (dù chỉ một chút cũng được) bờ bên kia của
sông Sài Gòn. Năm 2011 vào đó, có được lên phà ở bến Thủ Thiêm để qua sông
nhưng trời tối quá và chỉ qua rồi về chứ không thăm thú gì được. Ngồi bên này
bờ quay lưng với các toà nhà cao và lộng lẫy để nhìn những ánh đèn leo lét xa
xa bên kia sông gợi cảm giác khó tả lắm. Nó như muốn hỏi vì sao, như muốn trách
cứ nhưng rồi tan biến sau cái cười nhếch mép, tự trả lời rằng sông có bên lở
bên bồi, đời có nơi giàu nơi khổ.
Mình không thích lối
viết kể hết tần tật những mảnh đời nghèo của bên kia sông để rồi so sánh, đặt
cạnh cuộc sống giàu sang buông thả của một vài người ở bên bờ này. Cái lối viết
ấy như thể dằn mặt những ai đang cầm tiền trong tay và nó như đào khoét sâu
thêm nỗi thiệt thòi của người nghèo. Mình thích những câu chữ nói lên cái
nghèo, cái buồn nhưng không lem luốc. Buồn dìu dịu như con nước nhẹ trôi, len
lỏi vào làng chài ven sông. Nơi ấy có những đứa trẻ chỉ cần qua phà sang bờ bên
này thì có thể học trường “ngon” nhất nhì đất nước này nhưng chúng không được
học ở đó vì “trái tuyến”. Chúng nó không lấy đó làm cớ suốt ngày rủa người
giàu. Chúng lớn và học rồi cũng đến ngày chính thức được bước vào giảng đường
đại học ở bên này sông. Khi thành công trong sự nghiệp, chúng chỉ nói một câu
thôi, tôi lớn ở bờ bên kia sông Sài Gòn kìa. Nghe có vậy thôi, ai cũng hiểu sự
thiếu thốn mà chúng đã từng nếm trải. Chẳng cần phải kể lể chì chiết quá khứ
lầm than đâu. Mình vẫn thích chơi với những người vị tha với cái nghèo mà họ đã
từng trải qua. Là mình đang muốn nói rằng mình chưa bao giờ được đọc thông tin
cuộc sống của người sống bên bờ kia sông Sài Gòn. Chịu khó tìm kiếm chắc cũng có
thôi nhưng sợ sự so sánh nên thôi.
Hôm nay, anh Trần
Chí Kông đăng đúng cái mình cần. Bức ảnh nom trầm buồn, có sự đối lập giữa hai
bờ nhưng không qua rõ. Con tàu to uỳnh kia ai cũng biết nó sẽ đỗ bến nào nhưng
vì nó đang ở giữa lòng sông nên như vẫn gieo tia hy vọng nó ghé bờ vắng. Nó hàm
chứa bi kịch của cuộc sống. Nhiều khi con người ta biết mình khó có được nhưng
vẫn ảo tưởng và cố giành lấy bằng mọi giá. Những cái chén được rửa sạch rồi úp
ngay ngắn, phơi khô giữa bến. Chỉ có người quen lối sống bình dân mới có kiểu
phơi chén như thế. Họ phơi nét chân quê nhưng không hề xoàng xĩnh trong mắt
thiên hạ. Thú vị là chỉ qua một đỗi đường phà mà người ta như bước vào thế giới
khác. Sài Gòn mâu thuẫn lắm. Cơ mà có lẽ nó phát triển là nhờ mâu thuẫn.
Buôn Ama Thuột, 15/7/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment