Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, July 13, 2015

NGHỀ LÀM NHANG (HƯƠNG)

July 13, 2015

Share it Please

    Hôm qua Ba đi Phố mua mấy ốp nhang. Bà bán quán bảo hương Bắc đấy, thơm lắm. Thế là mua. Mình thắp thấy cũng thơm thật. Khoảng hai tháng, Ba lên phố mua nhang một lần và mua khoảng năm ốp. Nhà mình có thói quen ngày nào cũng thắp nhang vào buổi sáng và tối. Ngồi ăn cơm trong tiết trời se se lạnh và ngửi mùi hương trầm tạo cảm giác ấm cúng dễ chịu. Thành thử, nhà mình đã sử dụng tương đối nhiều loại nhang hiện có trên thị trường.

   Đi mua mới thấy nhu cầu sử dụng nhang khá là đa dạng. Có người ưa nhang cháy xong cuốn ba vòng cho hên. Có người muốn nhang cháy xong tạo bụi trắng như cát trong lư. Có người lại muốn nhang cháy không có bụi. Còn như nhà mình thì muốn nhang cháy có mùi thơm, cháy được lâu, bụi nhang mịn và rơi gọn vào lư hương là được. Muốn được như vậy thì que làm nhang phải thật khô. Nếu phơi que nhang không kỹ, lúc cháy nó sẽ tạo ra các cột bụi nhang rơi xung quanh lư. Tất nhiên, đã nhang thì ai cũng muốn có mùi thơm lan toả khi cháy nhưng không phải ai cũng thích mùi Trầm Hương và cây Rễ Hương. Hình như mùi Trầm dễ khơi gợi một ám ảnh tâm linh nào đó nên trên thị trường còn có loại nhang gây mùi nước hoa nữa. Một bạn Facebook bảo nhang Bắc có thành phần là nhựa trám, keo, mùn cưa và vài vị thuốc bắc nên thơm lừng.

   Nơi khác làm nhang như thế nào thì mình không rõ nhưng mình thấy những người làm nhang ở ngay xóm bên cạnh thường dùng bã mía, mùn cưa, than, lá và rễ của cây Rễ Hương. Trầm Hương đắt và hiếm nên gần như chỉ có trong hỗn hợp bột cho vào khuôn để tạo các thỏi có tên chung là Trầm. Thỏi trầm nhìn như kim tự tháp ấy, chỉ khác là nó tròn xung quanh thôi. Người ta thường đốt các thỏi trầm trong các lò xông hương tạo không khí nho nhã ở chính thất. Bã mía bỏ vào càng nhiều thì nhang càng dễ tạo vòng sau khi đốt. Bởi vì bã mía có đường. Khi cháy, đường keo lại và dính chặt vào que nhang chứ không chịu rơi xuống. 

   Cách làm truyền thống là thế. Nhưng nghe nói có một cách làm nhang cháy tạo tàn vòng cung đó là ngâm tăm nhang vào trong axit photphoric để phản ứng với xenlulo có trong tre nứa tạo thành estephotphat. Sau khi phơi khô, nước bay hơi chỉ còn lại estephotphat. Khi đốt nhang, chất này sẽ bị thăng hoa và tạo thành anhidrit photphoric khi cháy sẽ làm cây nhang cháy nhanh và kéo tàn nhang có hình cong tròn. Khói nhang này có thể gây mờ mắt, tất nhiên! Vậy nên cứ nhang cháy là phải thành tro rơi lả tả xuống lư mới yên tâm được các bạn nhé.

   Mình đã từng ngồi lăn giấy cuốn bột hương vào que tre. Cách làm này khá tốn kém nên người ta thích sản xuất theo cách nhúng vào hồ tinh bột rồi lăn bột hương. Cứ lăn rồi nhúng và lăn thêm lớp bột nữa. Tuỳ vào đường kính cây nhang mà chu trình đó được lặp lại bao nhiêu lần. Nhưng mà ngày nay mình thấy người ta làm nhang bằng máy nhiều hơn. Họ trộn hồ tinh bột với bột hương theo tỉ lệ nào đó rồi cho vào khuôn. Cứ thế máy ép ra nhang rồi đem phơi đến khi khô thì đóng gói và bán.

   Que nhang ngày xưa có thể cháy được một tiếng rưỡi nhưng nay chỉ cháy được khoảng năm phút là hết. Để đảm bảo giá cả không tăng thì người làm nhang phải bớt độ dài của phần bột hương dính trên que. Ngày xưa chân nhang có độ dài khoảng một ngón tay trỏ rưỡi của các bạn, Còn ngày nay nó đã dài bằng hai ngón trỏ nối lại. Khách hàng quở quá nên người ta lại làm nhỏ đường kính cây nhang. Muốn như cũ thì buộc phải tăng giá như các mặt hàng khác.

   Ảnh minh hoạ trong bài viết được chụp ở làng nghề làm nhang thủ công Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên).
Buôn Ma Thuột, 13/7/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Trần Thi

2 comments: