Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, August 2, 2015

CÁC “VƯƠNG TRIỀU” THƯC THẨM CHAY

August 02, 2015

Share it Please

     Hôm nay nhà có cỗ, đi chợ thấy trái Sa Kê, hỏi bao nhiêu một trái, chị bán hàng bảo 30 000 đồng. Ối ồi ôi, quả này ở ngoại ô Sài Gòn và Bình Dương rụng đầy gốc, chả ai ăn. Tiểu thương đi nhặt đem lên Tây Nguyên bán với giá trên giời như thế. Dân xứ núi thấy món này là lạ nên đang sốt giá lắm. Dạo này còn có phong trào trồng cây Sa Kê để bán quả nữa cơ. Chẳng ai biết sức tỏa bóng chiếm diện tích của nó là bao nhiêu, cái vườn bé bằng lỗ mũi mà dân cũng cố trồng vì nghe đồn lá Sa Kê khô rụng xuống đất có tác dụng chữa bệnh tiểu đường. Còn quả Sa kê đa số đươc chiên lên rồi sốt cà chua nấu như kiểu khoai tây chiên hoặc mít non. Mình thích ăn mít non hơn Sa Kê. Sa Kê ăn khô òm.

     Trước khi Sa Kê thịnh hành, ở chỗ mình (chắc nhiều nơi cũng thế) có trào lưu ăn nấm Kim Châm và nấm Đùi Gà. Nấm Kim Châm dùng để xào hoặc hấp còn nấm Đùi Gà bỏ vào nồi súp. Sau khi tivi đưa tin sản lượng các loại nấm này tại Viêt Nam cực kỳ ít, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì trao lưu này bị dập tắt.

     Trước khi Sa Kê, nấm Kim Châm và nấm Đùi Gà chưa thịnh hành thì người ăn chay chuộng cọng và lá Phù Trúc (Phù Chúc, Tàu Hũ Ky). Cái cọng Phù Trúc cứng quao ấy được chiên lên để bỏ vào nồi súp. Còn lá Phù Trúc dùng để bóp gỏi hoặc cuốn với cọng sả chiên lên giả hình dáng đùi gà. Ruột của đùi gà chính là nguyên liệu chúng ta hay dùng làm chả ram. Có người không thích đậu khuôn trắng nên thay thế bằng đậu xanh nấu nhừ. Hí hí, Tây thích chả ram nhân đậu xanh hơn. Phong trào ăn lá và cọng Phù Trúc cũng bị xẹp xuống vì bao bì có chữ Hán. Nghe nói lá và cọng Phù Trúc chính là bọt vón lại trong quá trình nấu đậu hũ. Chẳng rõ thế nào.

     Từ bé đến giờ, mình cũng được trải qua khá nhiều các “vương triều thực phẩm chay”. Còn nhớ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, mâm cỗ cúng tất niên, rằm tháng bảy và cúng giỗ nào cũng mong được gắp cho một miếng “gà cục” trong súp, “gà lát” và “bò lát” trong các món xào. Hương vị của nó giống y hệt mấy cục tròn tròn nhỏ xíu trong gia vị các gói phở gà và phở bò ăn liền ấy. Nay ở chợ chỉ còn gà lát và bò lát (gọi chung là lát khô) nữa thôi, gà cục vắng bóng. Sau đó, nấm rơm rồi nấm hương và nấm đông cô Nhật Bản lần lượt lên ngôi. Nấu súp mà không có các nấm ấy á, bị chê ngay. Ném đủ các loại nấm có thể ăn được vào nồi súp rồi, người ta lại bỏ them táo tàu và hoa Hồi khô. Ngó sen muối chua cũng có một thời hoàng kim vì nó là nguyên liệu làm gỏi (nộm).

     Cái thời báo chí ca tụng (còn người ăn mặn lại bỉu môi) vị đầu bếp nào đó đã cải cách hình thức trình bày các thực phẩm chay. Người ăn chay ở Tây Nguyên cũng có đổ xô đi mua cá thu chay, ốc chay, tai heo chay… dạo này đang thịnh hành cá kèo chay. Cá thu và cá kèo chay thì mình thích vì có lớp rong biển bao boc bên ngoài thôi chứ các món mô phỏng y đồ mặn kia thì thấy gớm. Thứ nhất là sợ bỏ hàn the cho dai. Thứ hai là thấy rất vô duyên nếu ăn chay mà cố hình dung các món mặn. Hình như nhiều người nghĩ như mình nên chỉ cá kèo chay còn bán chạy do nó lạ và dân nghĩ cái lớp rong biển bên ngoài tốt cho sức khỏe.

     Cũng vì xem phim Hàn Quốc thấy các bà bầu mới sinh hay được ăn canh rong biển cho nên mấy năm trở lại đây. Người ta thích nấu canh chua với rong biển. Cái loại rong biển đen thui đươc ép thành từng khoanh tròn mỏng ấy. Rong màu trắng trong, họ dùng nấu chè đông sương để cúng. Kể ra rong biển ấy cũng hay. Trời nắng nóng, lười đi chợ thì ra vườn vặt lá chua me, tước ít cọng mùng (có nơi goi là mùng bạc hà) và mỏ tủ lạnh ra lấy rong biển. Thế là có nồi canh chua mát ruột.

     Với mình. ăn chay có cái hay ấy là lúc ăn chẳng bao giờ sợ bi hóc. He he. Bài viết nói về cỗ chay mà hình toàn là cỗ mặn.

Buôn Ama Thuôt, chủ nhât, 2/8/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Bảng

0 comments:

Post a Comment