Sáng nay đem thùng trái cây sang nhờ chú
hàng xóm cũ của ba đem về Nam
Đàn cho bà nội. Nhìn cảnh ông bố nâng niu đóng gói dàn máy vi tính để bàn chuẩn
bị đem về cho các con học mà thương vô vàn. Người nông dân ấy nhìn chị dâu với
ánh mắt biết ơn vì nghe bảo phải mất mấy tạ lúa mới mua nổi cái máy như thế.
Công nghệ chưa biết phổ cập được đến đâu nhưng ý thức cho con tiếp cận thiết bị
hiện đại luôn có trong đầu óc của những ông bố bà mẹ tưởng chừng như cù lần
lắm.
Tác giả ảnh: Vũ Duy Thương |
Còn nhớ, lần đầu tiên mình cầm cái ống nghe
của điện thoại bàn là vào hè năm 1999 tại bưu điện xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn,
tỉnh Nghệ An. Năm đó chồng của cô ruột vào đây ăn cưới rồi ba má cho mình theo
về thăm ông bà nội ngoại. Má nhớ con nên gọi vào số cơ quan của dượng nhờ ngày
nọ tháng kia đưa mình ra bưu điện để nghe điện thoại. Oa cha ôi, lần đầu tiên nghe
điện thoại, ngượng chết được. Tay mình run run
và miệng cũng nói lắp bắp. Hai lúa hết chỗ nói.
Khoảng thời gian đó, nhà nào buôn bán mới
có máy điện thoại để bàn. Cơ quan hành chính mới có máy vi tính. Người ta xin
số điện thoại cơ quan của nhau để gọi báo tin khi cần thiết. Thậm chí là tình
trạng “buôn dưa lê bán dưa chuột” bằng điện thoại cơ quan xảy ra rất thường
xuyên. Còn nhớ, cái hộp chuyên đựng điện thoại bàn luôn có nắp khoá bàn phím lại,
chỉ chừa cái ống nghe ra ngoài thôi. Nhiều người láu cá, lấy que ngoáy tai luồn
qua khe hở chọt số để gọi. Cuối tháng, nhân viên đến thu tiền điện thoại, thủ
trưởng cơ quan tá hoả khi thấy cái dãy số lạ hoắc. Cuộc họp hội đồng nào cũng
căng thẳng vì tra hỏi số điện thoại này do ai gọi đi.
Từ 2005, một vài gia đình nông dân thuần
tuý ở Tây Nguyên bắt đầu sắm điện thoại. Bà dì (em gái của bà nội mình) có một
cái. Mỗi lần chú út muốn nói chuyện với ba mình, chú nhờ con của bà dì chạy xe
sang báo với nhà mình rằng giờ nọ ngày kia tháng ấy sang mà nghe điện. Cả cái
vùng nông thôn khi đó đều có chuyện mất công đi nhắn nhủ như thế. Việc đi nghe
điện thoại là một sự kiện trọng đại. Bi hài thôi rồi.
Thế mà ào một phát, cơn bão công nghệ tự
dưng đổ bộ vào vùng nông thôn Tây Nguyên sau năm 2009. Nhà nào cũng có điện
thoại di động. Người giàu dùng cái điện thoại Nokia hình chiếc lá, người nghèo
dùng Nokia trắng đen. Hệ thống điện thoại bàn bị “thất sủng”. Hiện nay con cái
thích dùng điện thoại thông minh để lướt mạng nên bố mẹ được “lên đời” máy có
màn hình màu. Cộng thêm sự bùng nổ chương trình khuyến mại phút gọi giá rẻ của các
nhà mạng nên các ông bố bà mẹ bây giờ hay có hai cái điện thoại. Cái màn hình
đen trắng dùng để lắp sim gọi giá rẻ, còn cái màn hình màu do con nhượng lại
thì lắp số cũ.
Còn về khoản máy tính thì buồn cười lắm.
Thời phổ thông, chỉ cần ai đó mách với ba má mình rằng có thấy hai chị em mình
lảng vảng ở trước cửa quán nét thì ôi thôi, lươn nổi đầy mông ngay. Các cụ sợ
con cái mê chat chit, game ghiếc mà bỏ bê học hành. Hơn nữa, báo chí ngày nào
cũng đưa tin tệ nạn do chat chit gây ra nên bọn mình bị cấm tiệt.
Đến năm thứ ba đại học, mình đánh liều
thử vào quán nét xem sao. Vào đó ngượng chin mặt vì không biết bấm vào chỗ nào
để tra Google. Không biết khái niệm nickname Yahoo là như nào hết. Thằng bạn
bày cho các gửi mail mãi nhưng mình không làm được. Hắn cáu, hắn chửi sao bà
ngu lâu dốt bền khó đào tạo dữ vậy. Tức máu, khi được mua laptop, mình bỏ ra
năm đêm thức trắng để tò mò mạng méo. Trang nào cũng có tài khoản. Chơi blog từ
năm 2010 và Facebook từ 2012 cho đến nay. He he.
Nói về công nghệ ở nước ta thì Iphone bán
chạy chả thua gì thế giới nhưng chúng ta vẫn đang là đất nước lãng phí giấy.
Cái gì cũng in ra giấy mới chịu đọc rồi duyệt chứ không chịu coi trên máy tính.
In lên trình sếp, sếp không ưng ý phải sửa in lại. Có phải phí giấy không? Bắt
nhân viên in ra giấy để trình sếp chỉ giải quyết được khâu oai!
Buôn Ama Thuột, 12/8/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment