Bỗng dưng ai đó nhớ lại cái nơi mình đã từng ghé. Họ tìm một cục đá đặt lên đó làm chứng tích. Một miếng đất bé bỏng bị hòn đá choán lên liền. Người đẻ chứ đất không đẻ. Một ngày nọ, có tắc đường, thằng bé mất dạy nào đó chửi đậu xanh rau má nhà nó chớ, không có cục đá chình ình này thì có lối đi rồi. Để tưởng nhớ các vĩ nhân, các sự kiện lịch sử gì đó. Người ta lập tượng đài hoặc khu tưởng niệm. Quỹ đất bị thốn đi ít nhiều. Tiền xây tượng đài, bia tưởng niệm được rót ra. Và tất nhiên, tiền chi cho việc an sinh xã hội phải kém đi một chút. Có người hỏi, liệu lỗi do người sống hay người chết? Lại có kẻ đùa, giỏi ít thôi kẻo mai này tội con cháu.
Tác giả ảnh: Phương Luther |
Người ta muốn giữ được chút gì cho người đời sau còn nhớ đến mình nên muốn được chôn dưới các nấm mồ. Và mặt đất dang dần trở thành cái nghĩa địa khổng lồ. Cũng vì cái gọi là cần có để mà hoài niệm. Đất cho người sống cứ hạn hẹp. Và rồi thế hệ sau cấu xé nhau giành từng mảnh đất để sống và thậm chí sợ chết không có chỗ chôn.
Người vợ bỗng dưng nhớ người yêu cũ. Ả ta buồn vu vơ, chồng hỏi gì cũng không nói. Anh chồng hơi bực. Và anh ta cũng nhớ cái nét dịu dàng của cô bé mối tình đầu. Hai vợ chồng nằm chèo queo ở hai góc giường. Cái nhà bỗng rộng thênh thang vì…nhớ.
Vì nhớ công ơn mà phải nể ông này bà nọ, cho con cháu họ vào làm. Có năng lực thì may, không năng lực thì lỡ biên chế mất rồi. Giờ mà đuổi, chỉ cần nghe tiếng trẻ con khát nữa vì bố mẹ nó mất việc là đủ não nề. Kinh tế đất nước ốm nhom, dặt dẹo bởi nhớ.
Nhưng không nhớ gì thì người cũng chẳng bình thường cho lắm. Thôi nhớ vừa đủ để còn thấy bùi bùi, ngòn ngọt thôi. Nhớ quá, kinh hoàng lắm!
Buôn Ama Thuột, 19/9/2015
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment