Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, September 20, 2015

SÔNG VÀ LỄ CÚNG BẾN NƯỚC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ Ở DAK LAK

September 20, 2015

Share it Please
     Đắk Lắk là một tỉnh của cao nguyên phía tây của Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Lâm Đồng, Dăk Nông, Bình Phước, phía tây giáp Cămpuchia. Tổng thể địa hình của Đắk Lắk nghiêng từ đông nam lên tây bắc, có độ phân hóa cao đã tạo nên một địa hình không bằng phẳng gồm các cao nguyên, xen lẫn núi cao và các vùng trũng, hệ thống sông ngòi tương đối dày. Xuyên suốt cả tỉnh và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của cả tỉnh là hệ thống sông Sê rê pôk bao gồm các nhánh sông Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, Krông Ana và Krông Knô. Phía tây bắc có sông Ea H'leo, sông này là một tiểu lưu vực của sông Sê rê pôk, nó nhập vào dòng Sê rê pôk trên đất Cămpuchia.

    Sông Sê rê pôk là phụ lưu cấp I của sông Mê Kông, chiều dài toàn bộ sông là 315 km, với diện tích lưu vực là 30.100 km2, trên địa phận của Đắk Lắk (khi chưa tách tỉnh Dak nông) diện tích lưu vực của dòng chính là 4.200 km2 với chiều dài sông là 125 km, đoạn này lòng sông tương đối dốc, chảy từ cao độ 400 m ở hợp lưu xuống cao độ 150 m ở biên giới Căm pu chia. 

    Sông Sê rê pôk do hai nhánh sông Krông Ana (sông cái) và Krông Knô (sông đực) hợp thành. Sông Krông Ana là hợp lưu của 3 con suối lớn là Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, sông có tổng diện tích lưu vực là 3,960 km2, chiều dài dòng chính là 215 km, vùng trung và hạ lưu của sông là vùng đất khá bằng phẳng, nhưng trũng thấp, thường xuyên bị ngập nước về mùa lũ. 

    Sông Krông Knô bắt nguồn từ dãy núi có đỉnh cao trên 2000m, có diện tích lưu vực là 3,920 km2 chiều dài dòng chính là 156 km. Sông này do hai nhánh suối chính là Krông Kma và Dăk Rmăng hợp thành. 

     Sông Ea H'leo bắt nguồn từ núi Ea Bar ở độ cao 720 m thuộc huyện Ea H'leo, sông có chiều dài 142 km, diện tích lưu vực sông là 3,080 km2, sông Ea H'leo có hai nhánh lớn là Ea H'leo và Ea Sup, nhánh Ea Sup tạo ra vùng bình nguyên Ea Sup bằng phẳng và rộng lớn trên vùng cao nguyên, nhánh sông Ea Sup có diện tích lưu vực là 994 km2, chiều dài là 104 km, nhánh sông Ea H'leo có diện tích lưu vực là 638 km2, chiều dài là 82 km. Ngoài ra còn có Sông Ba ở phía đông nhưng dòng chính không chảy qua Đắk Lắk mà chỉ có hai chi lưu ở thượng nguồn là sông Krông Hnăng và sông Hinh.
    
Suối Đá Bàn của huyện Ea H'leo (Dak Lak) - Tác giả ảnh: Người Hóng Hớt
    Với hệ thống sông suối dày đặc như trên, hàng năm Đắk Lắk nhận được khoảng 17,8 tỷ m3 nước”[Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Lắk, Sử dụng tài nguyên đất và nước hợp lý làm cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đắk Lắk. NXB Nông nghiệp. Hà Nội.2003]. Một nguồn nước vô cùng phong phú, song không ai nghĩ rằng Đắk Lắk cũng đã từng hứng chịu những đợt hạn hán kéo dài gây mất mùa liên tiếp, vậy vấn đề cần bàn ở đây là gì? 

     Hệ thống sông nước là một yếu tố quan trọng trong đời sống của các cư dân nói chung và cư dân sống ở cao nguyên nói riêng, Nước là cả một sự khát khao của cư dân ở cao nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà cái tên của tỉnh Đắk Lắk cũng là chỉ về nước, rồi tên của hầu như các huyện, và các buôn làng đều mang tên sông (Krông), suối (Ea) ví dụ như: Krông Bông, Krông Buk, Krông Pac, Krông Ana, Ea Sup, Ea H’leo…Ở Đắk Lắk hiện nay vẫn còn có một dòng họ mang tên dòng sông, đó là họ Buôn Krông. Dòng họ này, hàng trăm năm nay đều sống ở ven sông, ven hồ, ven các đầm lầy, các vùng trũng…
     
     Hạt nhân của xã hội Êđê truyền thống là buôn, quy mô của buôn gần như làng của người Việt. Người dân sống trong buôn mặc dù chưa có sự phân hóa giai cấp một cách rõ ràng nhưng cũng đã bắt đầu hình thành những lớp người như chủ đất (pô lăn), chủ bến nước(pô pin ea)[1], tù trưởng(mtao), thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy (pô riu yang, pô pa ghê, mjâo), người xử kiện (pô phat kdi), người ở (dik). Trước đây, người tìm ra nguồn nước thường là người đứng đầu buôn (khoa buôn), song trong thực tế khoa buôn có thể chỉ xuất hiện từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại Đắk Lắk. Chức vị này do một gia đình cố định trong buôn nắm giữ, và truyền theo dòng nữ, nhưng những người trực tiếp nắm chức vụ này không phải là người đàn bà mà là đàn ông, chồng của một trong số những người đàn bà của gia đình hay dòng họ đó. Tuy nhiên, người đàn ông này chỉ đơn giản là người thừa hành nhiệm vụ do người vợ ủy nhiệm. Một khi người vợ chết, gia đình nhà vợ không có người nối dòng thì người đàn ông phải trở lại nhà mình, không có quyền đòi hỏi tài sản gì, cũng như vai trò khoa pin ea cũngkhông còn nữa, gia đình người vợ sẽ tìm người thay thế. Người này có thể là chồng của các chị em trong gia đình.
    
    Nhiệm vụ của pô pin ea là quản lý điều hành các công việc chung của buôn làng, giữ gìn các phong tục tập quán cổ truyền và quan hệ, giao lưu với các buôn khác. Trước đây, người (dòng họ) giữ chức khoa pin ea thường kiêm luôn chức pô lăn thậm chí kiêm cả chức mtao.
     
     Nhà dài - bến nước - nhà mồ, đó là không gian sinh tồn của cư dân Tây Nguyên nói chung và cư dân Êđê nói riêng. Buôn nào cũng có một bến nước, cả buôn sống nhờ vào nguồn nước này, mỗi khi đi tìm đất để dựng buôn mới bao giờ người ta cũng tìm những khoảng đất cạnh nguồn nước mát, người tìm ra nguồn nước cho cả buôn sử dụng được dân làng rất kính trọng. Đôi khi, tên những người này được dân làng đặt thành tên buôn, ví dụ: buôn M’Duk, buôn M’Blơt,…Người Gia Rai ở huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Ajun Pa, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn truyền nhau câu chuyện về Vua Nước (Pơ tao Ia).
      Làng Vua Nước (Plei Pơ tao) ở xã Nhơn Hòa, cách trung tâm huyện Chư Sê khoảng 20 km, thuộc tỉnh Gia Lai. Truyền thuyết về Vua Nước kể rằng, Yang Ju H’măng và Yang Chứ giao chiến, Yang Ia đứng ra can thiệp, được Ngọc Hoàng tin cậy giao cho việc cai quản dân làng. Yang Ia ở tận trời cao, muốn cai quản tốt dân làng Yang Ia xin Ngọc Hoàng dựng một cấp trung gian nữa là Vua Nước (Pơ tao Ia) để cai quản thế gian. Vương miện đầu tiên được trao cho người Chăm, sau này là người Gia Rai thuộc dòng họ Rơ Chăm đã giành được vương miện, chính vì vậy, người Chăm đã nhiều lần đến đánh nhau để đòi lại vương miện
    Vua Nước là người đại diện trần gian liên hệ với thần linh ở cõi trần, vua được thần dân trong làng góp tiền làm nhà, thần dân tự nguyện sản xuất để nuôi vua. Vua chỉ làm mỗi việc là cầu trời cho mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Vợ vua được coi là hoàng hậu, con gái được coi là công chúa, con trai là hoàng tử.
 
    Cho đến năm 1955, dòng họ vua nước đã trải qua 7 đời vua, đó là Rơ Chăm Kép làm vua từ năm 1425 đến năm1496. Rơ Chăm Nhơn làm vua từ năm 1501 đến năm1571. Rơ Chăm Bring làm vua từ năm 1576 đến năm 1646. Rơ Chăm Dăi làm vua từ năm 1651 đến năm1719. Rơ Chăm Guh làm vua từ năm 1724 đến năm1795. Rơ Chăm Nhoach làm vua từ năm 1800 đến năm1870. Rơ Chăm Bo làm vua từ năm 1897 đến năm1955.
    
    Vua Nước đời thứ 7 mất, xác của ông được hỏa thiêu rất long trọng, giống như người Chăm Bà la môn ở vùng duyên hải Trung bộ. Người ta để xác Vua trên giàn lửa trong suốt lễ tang kéo dài 7 ngày, 7 đêm. Trong thời gian này, các làng làm trâu bò cúng tế. Sau 7 ngày, dân làng lấy tro chôn ngay dưới nhà mồ, và họ cũng thực hiện việc chia của cho vua. Nhà mồ của vua được xây dựng như nhà rông thu nhỏ trong một khu vực riêng, không cùng với khu nhà mồ của làng. Chỉ có vợ vua mới được chôn cất ở gần. Trong lễ tang, người ở các buôn xa, buôn gần đều đến dự, những người Gia Rai ở Plei Ku, Chư Prông, Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), những người Êđê, Gia Rai ở Buôn Ma Thuột, Ea H’leo, Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) đã đến rất đông. Hiện nay, Vua Nước đời thứ 7 còn lại một người con gái là Rơ Chăm H’ra Nhrung, chồng của cô là Kpă Măng cùng hai người giúp việc là ông Siu Pel và Kpă Khoai. Già làng của Plei Pơ tao là Kpă Tek. Tài sản của Vua Nước để lại là một thanh gươm thần cất dấu ở rừng thiêng chỉ có vua và người giúp việc được biết, còn hai quả chuông và quần áo của vua do con cháu dòng họ Rơ Chăm ở buôn Săm, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đang cất giữ. Muốn xem gươm phải cúng tế thần bằng một con heo. Hiện nay, con cháu Vua Nước là dòng họ Rơ Chăm ở buôn Săm, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk).
    
    Sự thiêng của Vua Nước là một yếu tố quan trọng để các thành viên trong cộng đồng không dám xúc phạm thần linh, không dám phá hoại, làm ô nhiễm nguồn nước, hay nói một cách khác họ không dám huỷ hoại môi trường nơi họ và cộng đồng dân tộc mình đang sinh sống.
    Buôn Ako Êmông và buôn Ea Khít của xã Ea Bhôk, huyện Krông Ana có một dòng suối tên gọi Ea Khít, dòng suối này có đặc điểm cứ mỗi một đoạn lại có một mạch nước ngầm phun lên, mạch nước đầu tiên của dòng suối được bà con sử dụng làm bến nước của cả mấy buôn xung quanh đó, những mạch ngầm tiếp theo được bà con sử dụng làm chỗ tắm của phụ nữ, và chỗ tắm của đàn ông... không phải ngẫu nhiên mà cũng chính nơi này người dân vẫn còn truyền nhau câu chuyện về vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã dựng một căn nhà để trú tạm trên đường đi xuống nghỉ ngơi săn bắn ở huyện Lắk. Ngôi biệt điện nằm cách bến nước của buôn Ea Khit không xa, và ngay bên cạnh dòng nước ngầm đến nay vẫn còn dấu vết của trạm bơm nước thời Bảo Đại.
    Bến nước, được coi là khu vực thiêng, dân làng không ai dám xúc phạm nguồn nước, làm ô uế nguồn nước. Ai vi phạm thần sẽ nổi giận và người đó sẽ bị luật tục của cộng đồng phán xử. Từ xa xưa, người Êđê thường kể cho con cháu của họ nghe về bến nước của người nhà trời trong các sử thi: “ Con à, cha muốn dặn con, khi con đi chặt đọt mây, bắp chuối với người ta, nếu người ta đi Đầm Chuối, Thác Mây, đi khu rừng hò hẹn của Y Tang, Y But nơi có bến tắm Nhà Trời thì con đừng đi, con nhé ! Bến nước này, dưới có cầu đồng, trên bắc máng bằng vàng, chiều chiều chị em nàng H’ Bia Kjuh thường xuống tắm đấy, con ạ”[ [1] Nguyễn Hữu Thấu, Sử thi Êđ ê Khan Đăm Săn và Khan Đăm Kteh Mlan, Nxb ch ính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. Trang 127 ] Tại sao người ta lại khuyên con không đến bến nước? Vì sự linh thiêng? Hay là sự khuyên bảo con cháu không phá rừng đầu nguồn, một kiểu truyền dạy những tri thức sơ đẳng về bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng chăng? Ở một trang khác, sử thi lại mượn lời nhân vật Đăm Par Kvây ca ngợi : “ Sao mà đẹp đến thế cái bến nước của người ta này! Cầu bằng đồng, máng bằng vàng. Các tù trưởng nhà giàu làm sao mà có được một bến nước như vậy. Quả là đẹp thật, cái vùng Đầm Chuối, Thác Mây, cái khu rừng hò hẹn của Y Tang, Y But, cái bến nước của Nhà Trời với những tảng đá phẳng lỳ, với rừng kơ chil ê răng đầy hương thơm ngào ngạt này!”[ đã dẫn, Trang 129] Bến nước này đã được huyền thoại hóa hết sức đẹp, lời của người xưa lại khuyên con cháu phải biết giữ gìn không được phá hoại. Theo lời dạy của ông bà tổ tiên, ngàn đời nay, hàng năm buôn nào cũng tổ chức cúng bến nước.
    Người Tây Nguyên thường hứng nước từ các khe đá bên sườn núi hay từ các dòng suối nhỏ ở các ngọn núi. Để dẫn nước được từ các khe suối về bến nước của buôn làng, họ đã dùng những ống cây lồ ô chẻ đôi nối thành những máng nước dài.
 
    Ở những buôn lớn và giàu có thì bến nước thường có nhiều máng dẫn về, thông thường là 7 máng, những buôn nhỏ thì số máng ít hơn. Đây là khu vực thiêng, dân làng không ai dám xúc phạm, làm ô uế nguồn nước. Ai vi phạm thần (yang) sẽ nổi giận, và người đó sẽ bị luật tục của cộng đồng xử phạt. Trong luật tục của người Êđê, điều 163, chương VIII CÁC TRỌNG TỘI quy định xử phạt những kẻ bỏ thuốc độc, trồng ngải, rắp tâm làm sập các máng nước ở nguồn nước chung, giết hại cả làng phải được đưa ra xử trước mọi người trong cộng đồng buôn làng.
     Vì được làm bằng những cây lồ ô nên những ống dẫn nước này chỉ chịu đựng được trong một thời gian nhiều nhất là một năm, năm sau họ phải thay những ống dẫn nước mới. Mỗi lần thay ống dẫn nước mới, buôn làng lại tổ chức lễ cúng bến nước, lễ cúng này do khoa pin ea chủ trì. Thông thường họ tổ chức cúng bến nước vào khoảng cuối năm cũ, đầu năm mới sau khi thu hoạch lúa xong. Trước lễ cúng mấy ngày, khoa pin ea nhắc nhở dân làng dọn dẹp sạch đường đi trong buôn, đường xuống bến nước, sửa sang lại bến nước, máng nước, bài tắm…Nơi dân làng thường lấy nước được khơi cho rộng hơn và thoáng hơn để làm lễ cúng (ngă yang) ở ngay bến nước. Trong những ngày này, dân trong buôn đi lấy nước không mang gùi mà chỉ xách bằng tay, mọi người trong buôn làng đều vui mừng, mong chờ ngày lễ của cả cộng đồng. Trong hàng loạt lễ cúng của người Êđê, đây là lễ cúng lớn chung cho cả buôn. Trước đây, mỗi một hộ gia đình góp lễ bằng bất cứ thứ gì có như: gạo, rượu, heo, gà; lễ thường kéo dài 3 ngày. Hiện nay, trước lễ Chủ bến nước đã tổ chức họp toàn thể buôn làng cùng nhau thống nhất góp mỗi hộ gia đình 5.000 – 10.000 đồng và 3 lon gạo, lễ chỉ diễn ra có 1 ngày.
    Để chuẩn bị cho buổi lễ, ngay từ sáng sớm dân làng tụ họp tại nhà của chủ bến nước (pô pin ea), người chủ bến nước phân công mỗi người một việc. Những thanh niên khoẻ mạnh, người thì bẻ lá bỏ vào chín ché rượu; người thì chuẩn bị các nồi đồng đựng nước để ngay bên cạnh; người thì mổ heo, chuẩn bị cho vật tế lễ. Các thiếu nữ và người già thì lo việc bếp núc, chủ bến nước đã chọn trong 5 cô gái của buôn, mặc trang phục truyền thống tháp tùng thầy cúng đi xuống bến nước và 3 thanh niên mang theo cung tên, giáo mác và đồ cúng, không ai trong buôn được đi cùng với đoàn người.
    Sau khi thầy cúng bày biện đồ cúng gần máng nước, ba chàng trai ngồi, 5 cô gái đứng sau lưng thầy cúng nghiêm trang nghe thầy cúng khấn: “Hôm nay, buôn …làm lễ cúng bến nước, mời thần trời, thần đất, thần núi, thần sông, thần bên đông, thần bên tây về đây cùng hưởng lễ vật với dân buôn chúng tôi và phù hộ cho buôn chúng tôi hưởng mưa thuận gió hòa, dòng nước trong mát trong lành, mùa màng tươi tốt, tất cả già trẻ trong buôn đều khỏe mạnh…”. Sau khi cúng ở bến nước xong, thầy cúng còn làm lễ cúng ở một gốc cây cổ thụ to nhất, lâu năm nhất ở khu vực bến nước mong muốn thần cây linh thiêng bảo vệ cho nguồn nước không bao giờ khô cạn, mãi mãi trong lành. Sau đó, thầy cúng và đoàn người về làm tiếp lễ cúng thần đất, cúng ông bà tổ tiên, cúng sức khỏe cho chủ bến nước…kết thúc lễ cúng mọi người tham dự uống rượu cần, ăn thịt heo nướng, đánh chiêng, múa hát suốt đêm. Hôm sau, chủ bến nước lại chuẩn bị lễ vật để thầy cúng tiếp tục cúng ở đầu buôn và cuối buôn cầu cho dân làng khoẻ mạnh, buôn làng giàu có…

(Bài viết được trích từ Bảo tồn các lễ cúng bến nước góp phần bảo vệ môi trường nước sạch ở nông thôn Đắk Lắk hiện nay  của Lương Thanh Sơn)

0 comments:

Post a Comment