Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, February 27, 2023

TÔN XƯNG VÀ BIỆT XƯNG CỦA BÁC SĨ ĐÔNG Y THỜI PHONG KIẾN

February 27, 2023

Share it Please

    Bác sĩ Đông Y thời cổ đại có một tôn xưng là Trung Y (中医) và bốn biệt xưng là Kỳ Hoàng (岐黄), Thanh Nang (青囊), Hạnh Lâm (杏林) và Huyền Hồ (悬壶). Kể từ triều đại nhà Tống, bác sĩ được tôn xưng là Đại Phu (大夫) ở miền Bắc và Lang Trung (郎中) ở miền Nam.

1. Kỳ Hoàng (岐黄)

   Danh xưng này có nguồn gốc từ sách Hoàng Đế Nội Kinh (黄帝内经). Vì sách ghi chép lại cuộc thảo luận y học của Hoàng Đế và Kỳ Bá (岐伯) nên sách này được gọi là y thuật của Kỳ Hoàng. Tự nhiên, cái tên Kỳ Hoàng được dùng làm danh xưng của bác sĩ.

2. Thanh Nang (青囊)
    
    Thanh Nang là danh xưng liên quan đến điển cố của thầy thuốc nổi tiếng Hoa Đà (华佗) thời Tam Quốc. Nghe nói, trước khi Hoa Đà bị sát hại, vì báo ơn hầu hạ rượu thịt của một quan coi ngục mà Hoa Đà đã gói tất cả các sách y khoa trong một bọc (nang) màu xanh (thanh) rồi chuyển cho ông này. Sau khi Hoa Đà chết, vị cai ngục này chuyển nghề thành bác sĩ, lấy y thuật của Hoa Đà mà truyền bá rộng ra. Bởi vậy bác sĩ thời đó còn được gọi là Thanh Nang.

3. Hạnh Lâm (杏林)

   Hạnh Lâm là danh xưng liên quan đến câu chuyện của thầy thuốc nổi tiếng Đổng Phụng (董奉). Nước Ngô thời Tam Quốc có một vị danh y tên là Đổng Phụng, ẩn cư ở Lư Sơn, Giang Tây. Ông chữa bệnh cứu người miễn phí. Nhưng ông yêu cầu mỗi người bệnh nhẹ sau khi khỏi bệnh phải trồng một cây Hạnh (杏), còn người bệnh nặng sau khi khỏi bệnh phải trồng năm cây Hạnh. Sau nhiều năm, trước cửa nhà Đổng Phụng là một khu rừng cây Hạnh mênh mông. Vì thế người ta gọi bác sĩ là Hạnh Lâm.

4. Huyền Hồ (悬壶)

    Huyền Hồ là danh xưng liên quan đến truyền thuyết tu đạo cầu tiên. Truyện kể rằng, Phí Trưởng Phòng (费长房) ở Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) nhìn thấy bình hồ lô treo trên cây gậy của một cụ già bán thuốc. Kỳ lạ là khi trời tối, đường vắng thì cụ già này trốn trong bình hồ lô. Vì muốn tìm hiểu cặn kẽ, Phí Trưởng Phòng lấy rượu mời ông cụ. Cụ già này sao đó hẹn ông cùng vào trong hồ lô chơi. Bên trong hồ lô là tường ngọc diễm lệ, rượu thịt quý hiếm. Phí Trưởng Phòng lạy cụ già để xin bái sư học tiên đạo. Khi đã tinh thông pháp thuật, ông chào thầy để lên núi. Ông được thầy truyền tặng gậy trúc có thể chữa bệnh đánh quỷ, từ đó treo hồ lô hành nghề y. Bác sĩ kể từ đó thường đeo hồ lô ở bên hông nên dân gian gọi là bác sĩ là người Huyền Hồ (tức người đeo hồ lô)

5. Đại Phu (大夫) và Lang Trung (郎中)

    Trước thời nhà Tống, danh xưng bác sĩ ở Trung Quốc tương đối phức tạp, thường căn cứ theo chuyên khoa mà tiến hành gọi tên, ví dụ thực y (食医), tật y (疾医), kim sang y (金疮医)… Kể từ thời nhà Tống, bác sĩ bắt đầu có tôn xưng là Đại Phu ở miền bắc và Lang Trung ở miền nam . Tuy nhiên trước đó, vào thời Tam Quốc, Đại Phu vốn là quan giới (phẩm hàm) của một chức quan. Đại phu thời Tam Quốc có ba cấp là Thượng Đại Phu, Trung Đại Phu và Hạ Đại Phu. Thời Tần Hán thì quan giới lại phân thành Sử Đại Phu (史大夫), Gián Đại Phu (谏大夫), Thái Trung Đại Phu (太中大夫), Quang Lộc Đại Phu (光禄大夫). Còn như thời nhà Thanh thì không dùng đại phu làm quan giới nữa mà dùng năm cấp từ Nhất Phẩm đến Ngũ Phẩm. Bác sĩ trong Thái Y Viện được gọi là Đại Phu.

    Do ảnh hưởng của giọng địa phương, ở miền Nam, người Trung Quốc tôn xưng bác sĩ là Lang Trung. Lang Trung cũng vốn là tên chức quan thân cận với hoàng đế. Chức trách của nó nguyên là hộ vệ, kiến nghị tuỳ lúc và để sai khiến. Từ thời Chiến Quốc đã bắt đầu có danh xưng này, thời Tần Hán mới dùng nhiều. Sau này dần dần lại phân ra Thị Lang (侍郎), Lang Trung (郎中), Viên Ngoại Lang (员外郎). Chỉ đến thời nhà Tống thì danh xưng Lang Trung mới dùng cho bác sĩ.

    Lưu ý: Đây chỉ là phiếm đàm của cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc. Không phải là sử liệu chính thức.
Bình Dương, 2702/2023
Kỳ niệm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/02
Tây Nguyên Xanh biên dịch 

0 comments:

Post a Comment