Hai bác đã đến với mảnh đất Tây Nguyên nhà tôi như thế nào nhỉ? Để tôi cố nhớ lại những lời kể…à, hình như là bác ông vào trước rồi đưa bác mụ vào sau. Hai bác ban đầu làm công nhân lò gạch cho nông trường cà phê thời bao cấp. Nghe nói là hồi đó, cái nông trường chỗ tôi sống, người ta phân ra các đội công nhân như lò gạch, chế biến… . Hai bác chuyên làm gạch cho người ta xây dựng nông trường. Còn những ai làm chế biến thì sẽ phụ trách hơi hạt phê chín sau khi thu hái và xay thành hạt nhân. Sau này xoá bao cấp, tất cả đều được phân lại nơi định cư và chia lại lô cà phê nên ai cũng trồng cà phê cả. Ba má tôi vào sau nên nhận mảnh vườn nhỏ bằng một nửa vườn của bác. Còn lô cà phê vẫn một hecta như nhà bác. Ai cũng phải nộp năm mốt phần trăm cho công ty và phần còn lại của mình. Sau này công ty giao khoán hoàn toàn, không cung ứng phân bón nữa thì nhà tôi và bác mỗi nhà chỉ nộp sáu tấn tám tạ hai mươi hai ký cà phê quả chín đỏ.
Bác ông yêu bác mụ nên cho bác mụ đứng chủ lô cà phê. Thế là về già hai ông bà trông chờ vào lương hưu của bác mụ hàng tháng. Hai vợ chồng cứ thế chăm mảnh vườn có đủ cây trái, cũng có chút gọi là sống thoải mái. Nhìn cái cách vợ chồng già chăm nhau mới thấy thấm thía cái gọi là hạnh phúc gia đình. Và rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến, hôm qua bác mụ rời cõi tạm vì ung thư. Vẫn còn đó, cái đêm cuối cùng tôi được ngủ với bác cách đây mấy tháng. Vẫn còn đó, hơi ấm cái nắm tay sau cùng trước khi tiễn bác về lại Dak Lak cách nay đôi tuần. Chiều nay có nắm tro cốt của một người Quảng Trị sẽ xuôi theo dòng sông Serepok…
Thế đấy, đã có những con người chọn đến và ở lại với mảnh đất Tây Nguyên mãi mãi theo cách ấy !
Thành phố Bến Cát, 25/11/2024
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment