Đó là những người thầy làm nên thời
đại hoàng kim của dạy thêm và học thêm ở vùng nông thôn Tây Nguyên. Cái thời mà
ý nghĩa của học thêm cực kỳ trong lành. Học trò muốn có thêm kiến thức nên đến
xin thầy chỉ dạy kỹ hơn. Bố mẹ thương thầy nên xin đóng tiền để thầy có thể kéo
dài thời gian buổi trò chuyện. Những người thầy dạy thêm của chúng tôi cũng được
đào tạo ngành sư phạm hệ chính quy nhưng họ học trước năm 1975 và học ở những
trường đại học phía Nam của cầu Hiền Lương. Muốn giữ lấy nghề thì phải vào Tây
Nguyên mới mong có việc. Tây Nguyên hồi ấy hoang vu, vượn hú. Cả đàn heo rừng
vào quậy phá lớp học (cách thành phố ngày nay khoảng 50 km), cô và trò ôm nhau
khóc vì sợ. Ờ thì khi ấy, phải như thế nào đấy mới phải vào Tây Nguyên.
Nhưng khi đến Tây Nguyên, những
trường ở gần quốc lộ, các thầy của chúng tôi không được nhận. Họ phải nhận ở những
vùng sâu hơn nữa. Vợ con khi ấy đùm đề rồi mà giá một ký cà phê, một thùng mủ
cao su khi ấy cao hơn cả tháng lương giáo viên. Làm nghề giáo đã nghèo, mong có
được tí tôn trọng mà bị hắt hủi như vậy nữa. Các thầy bỏ nghề để chạy chợ hoặc
làm thuê kiếm tiền nuôi con.
Cái nghề giáo lạ lắm. Không học
thì thôi chớ lỡ học rồi thì kiểu gì cũng thèm cầm viên phấn. Các thầy mở lớp dạy
thêm, luyện thi đại học tại nhà. Nông dân ở Tây Nguyên dù nghèo đến mấy cũng cố cho con đi học thêm để đỗ đại học. Cứ đến tuổi thì bố mẹ đến nhà xin gửi con vào học.
Các thầy nhận và chúng tôi đa số đều đỗ đại học từ những cái lò như thế.
Nhà của các thầy không gần đâu
nhé. Bây giờ đường sá đã đổ bê tông nên đi sướng rồi chứ ngày xưa, vào những
ngày mưa, thế hệ anh chị của chúng tôi phải gửi xe đạp ở nhà dân phía ngoài đường
cái. Xong rồi cuốc bộ hai cây số đường vừa dốc vừa trơn vào nhà thầy. Học trò
trong một huyện đều đổ về đó cả. Ngày nay, cái hàng xe ô tô đỗ trước ngõ nhà
các thầy vào ngày 20/11 và dịp Tết hằng năm cũng dài lê thê như thế. Học trò
các thế hệ đều có công ăn việc làm ở những công ty lớn nhờ đỗ vào các khối A và
B do các thầy luyện thi mà.
Cay đắng nhất là người thầy dạy
tiếng Anh của tôi. Thầy hiền lắm. Hiền thật chứ không phải hiền như trong lối
viết văn mặc định khi tả thầy cô ở bậc phổ thông đâu. Trước năm 1975 thầy là
giáo viên dạy tiếng Anh ở trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). Sau Thống Nhất,
toàn bộ giáo viên dạy tiếng Anh trên toàn miền Nam buộc phải bỏ nghề hoặc chấp
nhận chuyển sang những môn như giáo dục công dân hoặc kỹ thuật nông nghiệp, bởi
cả nước khi ấy chỉ học tiếng Nga. Thầy tôi phải ngậm ngùi vào Tây Nguyên làm rẫy.
Khi thầy cô dạy tiếng Nga trên cả
nước phải cấp tốc đi học bổ túc tiếng Anh trong 3 năm liền để thực hiện dạy tiếng
Anh đại trà ở bậc phổ thông, thì thầy tôi cũng rục rịch soạn giáo án để mở lớp
dạy thêm. Lớp đông lắm, lúc ít nhất là 50 cháu. Còn học phí thì bi hài lắm. Đa
số phụ huynh xin các thầy cho khất đến cuối mùa thu hoạch sẽ trả. Ai thương thầy
thì đúng hẹn, còn không, ông giáo cũng không thể vác mặt đi đòi nợ được. Ngại
chết! Chả như một số người, nhắc khéo chuyện học phí, ai nợ thì ăn điểm thấp
nghe con.
Cuối đời, các thầy không có lương
hưu!
Buôn Ama Thuột, 21/9/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment