Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, August 9, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 11. SAU BA MƯƠI NĂM CHUNG SỐNG

August 09, 2015

Share it Please

   Hắn định vặn ổ khóa để vào phòng như lại thôi vì hồi hộp quá. Lần đầu tiên trong đời hắn và vợ được khoác áo chủ rể và cô dâu dù đã chung sống chẵn ba mươi năm. Hắn trách yêu những đứa con đã bày ra cái trò khiến hắn vừa thích lại vừa ngượng này. Hắn tựa lựng vào tường, tay vẫn gác lên ống khóa cửa. Trong cơn chuếnh choáng say, hắn nhớ lại những gì đã diễn ra trong ba mươi năm qua. Hắn đã tán vợ như thế nào nhỉ?

     Bố mẹ hắn nghèo, con đông, sống ở vùng đất thuần nông trồng lúa. Năm ấy hắn đã lớn, không thể ở mãi cái nơi ấy được. Hắn quyết định dứt áo vào Tây Nguyên làm thuê. Đó là những năm bao cấp cả nước đói khổ. Mang tiếng làm thuê nhưng hắn chỉ được nuôi ăn chứ không được trả thêm đồng nào. Ông chủ là hàng xóm cũ của hắn. Họ được nhà nước cấp đất sau khi vào Tây Nguyên theo lệnh di cư. Một ngày nọ, nhà chủ bảo hắn đi hái cà phê giúp cho nhà cuối xóm một ngày. Hắn được ghép hái cùng gốc cây với một cô nàng mảnh khảnh. Nghe giọng nói có vẻ như là người cùng quê. Sau hôm đó, hắn nảy sinh tình cảm với nàng. Hai ông chủ có vẻ thân nhau nên hay mượn nông cụ của nhau. Mỗi lần như thế, hắn xung phong đi mượn ngay. Nhớ chịu không nổi nữa, hàng tối hắn mon men đến tán cô nàng. Cô nàng cũng chịu cảnh làm thuê như hắn. Có lẽ do đồng cảm mà nàng cũng gật đầu bảo thương hắn. Nàng chịu làm người yêu rồi lại khiến hắn đâm lo. Hai bàn tay trắng, lấy gì cưới nàng và sau này sống ra sao? Mấy lần hắn khóc ướt gối vì sợ mất nàng.

     May sao, bữa nọ, hắn nghe lỏm được chuyện nông trường vẫn còn tuyển công nhân canh tác cà phê. Hắn ngỏ lời xin ông chủ bày đường chỉ lối để được làm công nhân. Nếu là công nhân thì hắn sẽ được cấp đất canh tác và cấp đất vườn. Hắn chịu khó đi rừng kiếm gỗ về dựng nhà nữa là tạm ổn. Hắn hứng khỏi vay một chỉ vàng của ông chủ để bán lấy tiền về quê lo chứng thực các loại giấy tờ. Lúc trở vào, hắn nghe phong phanh rằng có người đến tán nàng. Hắn cáu tiết, công bố sở hữu nàng cho cái thằng kia biết mặt.

    Hắn và nàng nhờ hai gia đình ông bà chủ làm chứng cho cái sự ăn đời ở kiếp của mình chứ khi ấy tiền đâu khoác áo chú rể, cô dâu. Hắn viết thư về quê, báo cho bố mẹ biết rằng hắn thương cô nọ, nhà ở địa chỉ kia. Hắn nhờ bố hắn mang cái lễ cau trầu xuống dạm ngõ xin dâu ở nhà nàng. Nàng trong này cũng viết thư kể hết sự tình cho bố mẹ. Rằng hai đứa biết có về thì bố mẹ cũng oằn lưng trả nợ để tổ chức đám cưới cho hai đứa và cả tiền xe ra ra vào vào nữa. Thôi thì bao giờ chúng con có điều kiện sẽ về thăm gia đình hai bên. Chuyện này nghe buồn cười nhưng gần như giống với rất nhiều cặp đôi trong xóm hắn đang sống. Các cặp vợ chồng hắn kết với nhau bằng tình yêu chứ không có nhẫn cưới, không có đám cưới, không luôn cả giấy đăng ký kết hôn. Mỗi lúc đi ăn cưới về, hai vợ chồng lắm khi chạnh lòng nhưng họ hay thủ thỉ tự an ủi nhau.

    Các con hắn nay đã có gia đình riêng. Họ thấu hiểu nỗi thiệt thòi của bố mẹ. Kinh tế của họ cũng bắt đầu vững. Họ quyết định tổ chức đám cưới cho bố mẹ. Họ “ép” bố mẹ đi đăng ký kết hôn. Họ mua nhẫn và tổ chức một đám cưới cho bố mẹ. Hắn và vợ vùng vằng không đồng ý nhưng chẳng hiểu sao vẫn làm theo. Hắn tự hào về các con. Sóng mũi hắn cay cay khi cùng cắt cái bánh kem và rót ly rượu hồng với vợ. Nhìn xuống khán đài, hắn thấy nhiều người phụ nữ cũng rơm rớm nước mắt khi nghe người dẫn chương trình kể lại cái lý do tổ chức lễ cưới muộn. Họ cũng có hoàn cảnh giống hắn.

   Đứng trước cửa, hai hàng nước mắt hắn lại chảy. Hắn mếu máo thì thào nói vừa đủ hắn nghe: “anh xin lỗi vợ, ba mươi rồi em mới được làm cô dâu”.

   Hắn lau nước mắt và tim lại đập nhanh. Hắn làm gì với cô dâu bây giờ? Sao hắn thấy lúng túng như chưa từng…lấy vợ thế!
***
Đây chỉ là một truyện ngắn do tôi hư cấu thôi các ban nhé. Người chụp chính là bố chồng của cô dâu trong ảnh. Chú rể xứ Nẫu sánh duyên cùng cô dâu vùng đất đỏ Tây Nguyên đấy
Buôn Ama Thuột, 9/8/2015
Lời :Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Văn Hà
Các bạn bấm vào Kỳ 1, Kỳ 2, Kỳ 3, Kỳ 4 , Kỳ 5, Kỳ 6, Kỳ 7 Kỳ 8, Kỳ 9, kỳ 10 để theo dõi từ đầu nhé

0 comments:

Post a Comment