Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, June 15, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 5. BỐN MÙA CANH TRỘM

June 15, 2015

Share it Please

   Phàm là thứ có giá trị thì ắt có kẻ ham muốn chiếm đoạt nó theo cách này hay cách khác. Kẻ lương thiện thì tự bỏ công làm lụng để có nó, còn kẻ lười biếng thì đi ăn trộm. Nông sản ở Tây Nguyên cũng thế. Người trồng chăm sóc cho cố vô nhưng mà không canh trộm thì cóc mò còi xơi như chơi. Thời điểm này, dân cà phê sợ mất quả trái vụ, dân trồng tiêu lại bị chặt trộm dây, dân trồng cây ăn trái cũng đang lo canh cánh vì cây đã đến độ cho thu hoạch.




   Mặc dù còn khoảng 4 tháng nữa mới đến mùa hái cà phê nhưng giờ đã có trộm lẻn vào rẫy trộm quả rồi. Những quả này được hình thành do hoa nở trái mùa. Bình thường, cà phê ra hoa vào khoảng từ tháng 2 đến nửa đầu tháng 4 dương lịch và chin rộ vào khoảng tháng 11 hằng năm. Nhưng vẫn có một số cành của vài cây trổ lâc đác những bông hoa vào khoảng tháng 10 dương lịch. Thành ra, đầu mùa mưa Tây Nguyên là thời điểm thu hoạch cà phê trái vụ. Bọn trộm nắm rõ cây nào nhiều trái hơn cả chủ rẫy. Buổi trưa hoặc chập tối, chủ rẫy đi về nhà là chúng lẻn vào hái trộm. Nó hái trái thôi còn đỡ, đằng này nó bẻ luôn cành mới kinh. Dạo này có nhiều chủ rẫy trèo lên ngọn muồng ngồi và thình lình ném dao xuống đất, cả bầy chúng nó chạy mất dép. Chúng đi hái theo bầy và toả ra xơi gọn cả rẫy luôn.


   Còn dân trồng hồ tiêu thì có nỗi khổ thế này. Mùa mưa là mùa trỉa hoa màu, trồng cây con cho nên thị trường cây, hạt giống sôi động lắm. Một bầu đất có cắm dây tiêu nhiều chồi lá được bán với giá khoảng 6000đ/bầu. Giống tốt có khi lên đến 10 000đ/bầu. Thừa lúc chủ rẫy không có mặt, bọn trộm cầm cuốc cào cả trụ tiêu xuống rồi chắn ngang gốc và nhét tất cả vào bao. Về nhà cắt thân tiêu thành những đoạn ngắn để bán cho người chuyên ươm cây giống. Mùa thu hoạch hạt tiêu, chúng nó cũng trộm theo cách ấy để vừa có hạt tiêu và dây tiêu đem bán. Chủ rẫy vã mồ hôi, hết nhớt với chúng nó luôn.

   Người trồng cây ăn trái cũng vật vã với chim ăn quả và người ăn trộm lắm. Chôm chôm, nhãn, xoài… phải trèo hoặc ngoèo nên còn hơi khó khăn cho bọn trộm một chút. Còn sầu riêng thì bi hài thôi rồi. Loại quả này thường rụng lúc nửa đêm cho đến gần sáng. Trong khoảng thời gian này, chủ vườn trái cây nhạy cảm với tiếng “thịch” do vật thể nặng rơi xuống đất lắm. Vợ chồng chủ vườn đang “tí toáy” với nhau trên giường, bỗng nghe tiếng “thịch” một phát cũng phải chạy ngay ra vườn xem có trái sầu riêng nào rụng không. Sầu riêng trong mùa này là cân thịt, ký cá cho con cái ăn hằng ngày đấy. Những đứa trẻ của nhà ấy chỉ được ăn những quả bị sóc khoét mất một hoặc hai múi vì những quả bị như thế thì không bán được. Mà những quả đã bị sóc ăn thường không bị sượng và rất ngọt. Thế nên người lớn thì sợ sóc phá, còn trẻ con lại mong được ăn thừa của sóc. Nghe mà cười ra nước mắt.
---
   Chùm ảnh trên là quả chôm chôm ở trạng thái chin khác nhau đấy. Quả xanh rồi đến quả chín hườm có màu vàng và quả chin đỏ. Tây Nguyên có hai loại chôm chôm. Chôm chôm cơm trắng và chôm chôm cơm vàng (chôm chôm rừng). Chôm chôm cơm trắng ăn ngọt và lóc khỏi hạt. Còn chôm chôm cơm vàng lại chua và không lóc.
Buôn Ama Thuột, 15/6/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Xuân Tuyên
Xem các kỳ trước ở đây: Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 

2 comments: