Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, June 28, 2015

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN - Kỳ 7: BA NGUYÊN NHÂN CÃI NHAU ĐIỂN HÌNH TRONG GIA ĐÌNH Ở TÂY NGUYÊN

June 28, 2015

Share it Please

    Đây là ảnh cưới của một chàng trai người Kinh và cô gái người Ê Đê. Chàng từ Nghệ An vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thế quái nào lúc đang liếc ngang liếc dọc thì đâm sầm vào ánh mắt của cô gái Ê Đê, thế là a lê hấp, yêu! Chàng yêu cô gái quá nên tổ chức đám cưới hài hoà giữa Ê Đê và Joan (người Ê Đê gọi người Kinh như thế). Người ta hỏi vì sao anh chọn “tộc” để lấy. Anh bảo hình như anh sinh ra là để yêu “tộc”. Từ đó họ bên nhau và hạnh phúc suốt đời. He he, nghe giống câu cuối cùng của các truyện cổ tích ấy nhỉ? Để mà sống đến đầu bạc răng long với nhau thì cũng phải trải qua vô vàn những cuộc cãi nhau chí choé nhỉ? Nhân cái sự vụ ngày gia đình Việt Nam, Tây kể vài lý do cãi nhau của các cặp vợ chồng làm nông ở Tây Nguyên.

    Làm nông thì đương nhiên là sống dựa vào nông sản. Những mà có được nông sản trong nhà rồi, bán làm sao cho được giá cao là cả một vấn đề. Ngày nào các cụ cũng mở tivi lên để xem bản tin giá cả thị trường. Vợ nói giá trên tivi như thế, bọn thu mua ở ngoài chắc mua đón then mấy giá nữa, hay mình bán một tạ anh nhé. Chồng bảo mấy nay thấy giá tăng đều, cái đà này thì còn tăng nữa. Đùng một phát hai hôm sau đó giá giảm mạnh. Bà vợ tiếc tiền nên gây sự cãi nhau với chồng thôi. Đấy là choảng nhau vì bà bảo bán ông bảo không hoặc ngược lại.

    Vào mùa mưa, người ta phải bón phân cho nông sản. Người ta cần một lượng mưa đủ lớn để hoà tan phân và tâm lý bao giờ cũng muốn bón vào chiều nay thì tối nay phải có mưa luôn. Nếu không thì họ cho là phân bị nắng làm bốc hơi đi mất, cây không hấp thụ được. Đầu giờ chiều, chồng ngóng cổ lên trời và thấy ở xa xa hình như có vài đụn mây hơi thâm đen. Vợ thấy nắng hãy còn to, bảo sợ không mưa đâu anh à. Chồng khẳng định sẽ có mưa. Chị chàng lục tục đổ kali và đạm ra trộn lấy trộn để rồi đi bón cho kịp mưa vào chập tối. Ai dè, ăn cơm tối xong, cả nhà ngước lên nhìn trời mỏi cả cổ mà chẳng có tí mưa nào. Ui cha là anh chồng bị vợ cằn nhằn. Một lý do cãi nhau cực kỳ kinh điển của nông dân.

     Kết hôn với người khác sắc tộc là một hành động đẹp. Không những về tình yêu mà đẹp cả về mối bang giao giữa các tộc người trong một nước. Nhất là ở “cái bãi sân sau của cả nước” như Tây Nguyên thì vấn đề hoà hợp sắc tộc luôn đặt lên hàng đầu. Nói không phải khoe, cả nước này có bao nhiêu dân tộc thì ở Tây Nguyên cũng có bấy nhiêu sắc tộc. Làn sóng di cư vào phá rừng làm rẫy vô cùng khó kiểm soát. Sống cận cư với nhau, phải lòng nhau và tổ chức đám cưới thì ai cũng hạnh phúc. Nhưng một thời gian sau, vợ hoặc chồng bị xúi là mày ngon như nọ như kia sao lại đi lấy cái thằng/con dân tộc. Nhất là người Kinh lấy người dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên thì càng hay bị dèm pha. Nếu không vững lòng thì hục hặc ngay. Khi cãi nhau, người Kinh hay mắng nhiếc chồng/vợ là người thiểu số rằng “đồ dân tộc ngu như lợn, biết cái quái gì mà nói”. Cưới người Kinh, người dân tộc thiểu số thường bị khinh rẻ do người ta bảo rằng họ thuộc dân tộc ít người. Kết hôn với người Kinh thì người dân tộc thiểu số ít khi được nắm giữ quyền chi tiêu trong nhà. Tất nhiên đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Không phải cứ cưới nhau khác sắc tộc thì xảy ra những sự việc đáng buồn như như thế.

    Cãi nhau vì ngoại tình, vì thiếu tiền và vì vô vàn những lý do khác trong xã hội đương đại thì ở Tây Nguyên cũng có nhưng nó không mang đặc trưng của vùng miền như ba nguyên nhân ở trên. Các vấn đề trên tưởng là bé nhưng nó đã khoét sâu vào hạnh phúc của rất nhiều người. Khi yêu ai cũng nghĩ cãi nhau là chuyện nhỏ nên chẳng ai “chịu học võ” để ngăn cản sự phát sinh của nó. Nghe nói cãi nhau cũng là gia vị của tình yêu. Mong rằng sống là phải cãi nhưng cãi là để hiểu và yêu nhau hơn.
---

Đây là ảnh cưới, mong rằng các bạn không phát tán ảnh kèm với những lời khiếm nhã. Ảnh được sưu tầm từ Facebook Nguyễn Lưu - chú rể trong ảnh.
Buôn Ama Thuột, 28/6/2015
Tây Nguyên Xanh
Muốn xem các kỳ trước thì bấm vào đây: Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3Kỳ 4 , Kỳ 5Kỳ 6

0 comments:

Post a Comment