Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, October 8, 2015

PHÂN BỐ NƠI CƯ TRÚ CỦA CÁC TỘC NGƯỜI Ở TÂY NGUYÊN

October 08, 2015

Share it Please


Trên toàn khu vực Tây Nguyên, các bạn phương xa có thể hình dung cơ cấu sắc tộc được phân bố như này. Tính từ chân một dãy núi vào đó đến đường quốc lộ hoặc đường cái quan nhé. Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 20, người Kinh từ tứ chiếng di cư đến và chiếm những vùng đất gần quốc lộ và tỉnh lộ rộng lớn. Người Kinh làm nhà và lập nông trường án ngữ hết mặt tiền. Anh em dân tộc thiểu số bản địa sống co cụm xung quanh những con suối, con sông ở vùng rất xa. Và lớp người thứ ba, sống xa quốc lộ nhất, chính là anh em dân tộc thiểu số từ khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam di cư vào. Họ đã quen sống ở những rẻo cao nên vào đây, họ cũng tìm địa hình tương tự. Dù họ là người Tày, Nùng, Thái. Dao, Mông hay gì đi nữa thì người Kinh ở nơi đây cứ thấy ai nói tiếng Việt với giọng lơ lớ và da trắng thì gọi chung họ là “tộc Cao Bằng” để phân biệt với anh em dân tộc thiểu số bản địa có làn da ngăm đỏ. Về sự tương tác văn hóa giữa các tộc người với nhau, mình sẽ từ từ kể cho các bạn ở những bài sau.

Có một người Ê Đê đã nói với mình thế này. Người Rang Đê (tổ tiên của hai tộc người Ê Đê và Jrai) từ các nước Đông Nam Á vượt biển Đông, ghé vùng duyên hải miền Trung và lên Tây Nguyên từ khoảng thế kỷ thứ 8. Người Ê Đê ở tỉnh Dak Lak (Việt Nam) có thể hiểu 80% từ ngữ của tiếng Malaysia. Anh bạn của mình đã dẫn khách sang bên ấy du lịch nên chứng thực về chuyện tương đồng ngôn ngữ  này.

Những lời anh ấy nói khiến hình ảnh cái nhà rông của tộc người Ê Đê nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung cứ rập rờn trước mắt mình. Mình hình dung nó có lịch sử như này. Khi vào đất liền, đoàn người vượt biển ấy đã lật úp chiếc thuyền để che mưa nắng. Mọi người kiếm ăn khắp nơi nhưng tối về quây quần bên đống lửa để kể cho nhau nghe những mệt nhọc trong ngày. Điệu kể Khan hình thành từ đó. Một loại hình nghệ thuật không cần nhạc cụ, chỉ với giọng nói mà khiến bao nhiêu con người thích sống chậm lại một chút để lắng nghe. Càng lên vùng cao, cây cối càng nhiều. Người ta sợ thú dữ nên dựng cột cho nhà sàn và úp cái thuyền ấy lên làm mái. Thế hệ sau khi lập buôn làng mới. Họ cũng làm một cái nhà rông y hệt cái của thế hệ trước, chỉ khác là làm bằng mái lá. Nhà rông vẫn là nơi họp mặt, xử lý những vấn đề liên quan đến buôn làng. Khi gõ Google tìm kiếm hình ảnh nhà rông ở Tây Nguyên, các bạn có thấy mái nhà giống cái thuyền lật úp không? He he, tìm đi để tin cái luận điệu chưa được kiểm chứng của con oắt Tây Nguyên Xanh nhé. Mà nhà rông chứ không phải nhà sàn của từng hộ gia đình đâu nhé.


Đói bung rồi, bữa sau biên chi tiết về kinh tế của anh em các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. À, mình kêu gọi mọi người nên đặt từ “anh em” phía trước danh xưng của các tộc người thiểu số nhé. Các bạn dân tộc thiểu số tâm sự riêng với mình trên Facebook rằng họ thấy được tôn trọng và ấm lòng hơn khi có hai chữ ấy.
Buôn Ama Thuột, 8/10/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Nguyễn Huy Thành

0 comments:

Post a Comment