Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Sunday, October 4, 2015

VIẾT RIÊNG CHO QUẢ CÀ PHÊ

October 04, 2015

Share it Please

     Mới đầu nhìn cái ảnh này, các bạn trai nghĩ ngay đến núi đồi của chị em, nhỉ? He he, tác giả ảnh nói đó là quả cà phê. Tây ứ tin nên chay lon ton ra vườn hái một quả cà phê để…so sánh. Cà phê thật các bạn ạ. Tây đoán cái ảnh này chụp lúc quả còn xanh. Chứ càng chin thì cái “núm” ấy càng teo lại, sau này nhọn hoắt. Cái “núm” ấy là tác nhân gây đau chân mỗi khi cày cà phê phơi nguyên quả trên sân đấy. Đau lắm. Nó chọt chọt làn da mềm mại dưới lòng bàn chân của Tây. Chân của Tây chai một phần vì nó đấy. Hu hu  Nó là cái rốn (he he, hơi bị lồi) nối liên với hoa.

     Hoa cà phê nở khi Tây Nguyên có cái nắng vàng và giòn nhất. Nắng giòn? Các bạn hiểu không nhỉ? Là cái nắng mà hễ phơi cái gì trong khoảng thời gian ngắn mà có thể giòn tan ấy. Nắng tháng ba Tây Nguyên trứ danh thiên hạ đấy. Hoa cà phê trắng ngần trong cái nắng ấy. Sau khoảng một tuần lả lướt với ong và bướm. Hoa chuyển dần từ màu trắng sang nâu và khô dần đến khi giòn thì rụng xuống đất, để lại những chùm quả có cái núm như thế giữa hai cuống lá đối nhau.

      Quả cà phê bước vào tuổi dậy thì là khi Tây Nguyên bước vào mùa mưa. Quả lớn dần, vỏ căng và bóng bẩy dần theo lượng mưa trời ban tặng. Nông dân sợ chúng yếu ớt, ẻo lả trước gió mưa nên phải bón phân để chúng có đủ sức bám vào cành, không bị rụng. Nuôi trái cà phê tốn kém vật vã. Thật! Cả mùa mưa, bón ba hoặc có điều kiện hơn thì bốn đợt phân. Lượng phân cho một hecta tính theo đơn vị tấn đấy nhé.

      Quả nào “động dục” sớm thì sẽ chin sớm nên mới có khoảng thời gian hái bói đầu mùa. Tháng chin, tháng mười hằng năm được xem là mùa hái bói cà phê. Ban đầu quả có màu xanh nhưng nó sẽ chuyển sang vàng khi còn chin hường, màu đỏ rực rỡ khi đủ độ chin thục và lúc chin nục thì màu đỏ tía. Vỏ cà phê khi phơi khô sẽ có màu đen và cứng cáp. Vì thế, đi bộ trên sân phơi cà phê nguyên quả dễ bị trơn trượt.

      Tuổi thơ của Tây là những chuỗi ngày trốn mẹ dưới gốc cà phê để tránh hững trận đòn, cắn mút vị ngọt trong lớp vỏ quả cà phê, cày sân phơi cà… Và những thứ hôm nay Tây có, đều nhờ cái rẫy cà phê. Thế nên Facebook của Tây có hai danh từ được sử dụng nhiều nhất. Đó là “cà phê” và “Tây Nguyên”.
Buôn Ama Thuột, 4/10/2015
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Anh Nguyen

0 comments:

Post a Comment