Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, March 23, 2016

ĐẤT TRỜI MIỀN ĐÔNG - Kỳ 1: CỦ MÌ ĐỨNG ĐỢI NGƯỜI THĂM

March 23, 2016

Share it Please

Dọc chuyến xe xuyên miền Đông Nam Bộ, thứ làm lòng tôi mênh mang diệu vợi không phải là rừng tràm, đôi thảm cỏ voi hay lô cao su mà là lác đác những thửa ruộng củ mì. Nó là củ sắn của người miền Bắc. Trong này cũng có củ sắn nhưng củ ấy lại là củ đậu của người miền Bắc. Cánh đồng mì này tôi chụp ven đường từ huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) sang huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh. Tây Nguyên của tôi cũng có sương nhưng sương ấy nhanh tan, không đồng đều về mật độ hạt quanh năm như sương miền Đông Nam Bộ. Đâu phải ngẫu nghiên mà bánh tráng phơi sương ở xứ này trứ danh đến thế. Bảy giờ sáng, khi những làn nắng sà xuống rọi qua lớp sương dày. Lá mì ngả ngớn đung đưa theo gió nhẹ. Cảm giác se lạnh cứ mơn man bàn tay người cầm máy.

Thế hệ 9X chúng tôi coi khoai mì là một món ăn chơi. Còn thế hệ cha chú thấy mì là nhớ thời ăn độn với cơm. Thế hệ ông bà lại còn ám ảnh bởi cảnh nhổ một cây mì thì phải chặt ra mấy khúc rồi cắm lại vào đất để trồng vài cây mới. Vùng đất xứ Nghệ quê tôi, người ta vẫn thèm ăn khoai mì lắm nhưng hình như do điều kiện đất đai mà nhiều người ăn vào bị ngộ độc. Còn đất của miền Đông, coi bộ cũng khá lành tính đấy. Nắng cháy cháy khét quanh năm, đêm sương sà xuống ngửi được cả mùi hơi đất. Thế mà đất vẫn hiền hòa cho ra củ mì bùi và thơm. Nhưng cây cao su còn không làm nông dân giàu được thì củ mì lấy gì để đảm bảo được ưu ái cả đời?


 Người ta phá mì, phá nông sản để làm khu công nghiệp. Củ mì bỗng dưng trở thành thứ cây dùng để “trang trí” ven đường quốc lộ. Nó đứng bé nhỏ bên những khối nhà xưởng to uỳnh oàng. Nó tồn tại để chứng minh đất miền Đông không phải vùng đất chết. Tương lai nào cho củ mì xứ Việt của tôi đây?
Thị xã Bến Cát, 23/3/2016
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment