Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 29, 2017

GIỌNG NGƯỜI TÂY NGUYÊN

December 29, 2017

Share it Please

     Đăng quả ảnh biển Quy Nhơn chụp từ hồi tháng 7, báo hại ông anh đang làm công trình ở Bình Định í ới gọi cô đương ở đâu, anh phi trâu tới rước. Thật chứ, lâu lâu muốn chứng tỏ ta đây là đứa được đi đây đi đó nhiều cũng khó mà. Hã hã. Em đương phởn phờ hong quạt cho khô các cái vì sự nóng của miền Nam đơi nài, đi đâu mà đi. Vấn đề là anh ấy bảo cô có thôi cái giọng Bắc ấy đi được không, người Tây Nguyên nói giọng Nam cơ mà. Tôi lạ đếch gì cái quê hương nhà cô nữa. Thôi chết rồi, anh này tưởng Tây nhại giọng Hà Nội của anh ấy. Và có lẽ cái anh này mê giọng pha của người Tây Nguyên thật rồi. Tút này Tây sẽ nói về cái giọng pha ấy.
    
     Giọng pha của người Tây Nguyên chắc chắn không thể sánh ngang hàng với độ trong trẻo của giọng Gia Kiệm ở miền Đông Nam Bộ hay giọng Huế pha Quảng của những đứa trẻ ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) được. Giọng pha của người Tây Nguyên nói chung là khá chua và nhão. Thật lòng mà nói là như thế. Bọn mình đa số là gốc Bắc cho nên cái sự tò mò giọng miền Nam luôn có trong máu của mỗi người. Nhưng cứ phải giọng Sài Gòn mới sành điệu. Và bọn mình đã loay hoay…

     Ban đầu, bọn mình xem phim, thấy mấy nhân vật nào nói giọng miền nam có đoạn luyến láy nghe ưng cái bụng thì rủ nhau hôm sau nói na ná như thế hết. Thay vì hỏi nhau “thật không vậy?” thì đổi thành “thiệc hông dzạ”, “với” thì đổi thành “dzí” nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám đổi hoàn toàn bộ thanh âm ngữ điệu cho thành giọng Nam vì ít nhiều còn sợ ông bà, bố mẹ mắng mày học cái giọng đó ở đâu vậy. Những thế hệ sau, bố mẹ đa số đã sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên rồi nên ít khắt khe chấn chỉnh giọng con cái hơn nên cái độ pha của giọng nói nhiều hơn. Vì bọn mình không sinh ra trong môi trường “bản ngữ” của giọng Nam Bộ cho nên ít nhiều không điều tiết được thanh âm, khiến giọng cứng mà có phần chùng xuống. Học lỏm giọng nói có trong kí ức của người Tây Nguyên các bạn ạ. Hỏi họ mà xem.

     Bản thân người viết bài này thì xin nói thẳng thế này. Tây tò mò giọng Việt lắm. Tây nói được cả 3 giọng Nghệ An, miền Nam và Miền Bắc nhưng có lẽ Tây kiểm soát tốt hơi thở của mình hơn khi nói giọng Bắc và tiện lợi cho môi trường giao tiếp trong công việc nên Tây chọn giọng Bắc thôi. Tây không đánh giá ai lai căng giọng nói bao giờ nhưng cũng không thích đem cái giọng xứ lạ để nói chuyện với cha mẹ mình. Ngoài xã hội ta là một lao động phổ thông. Phổ thông từ mức lương đến cả giọng nói nhưng về với gia đình, ta lại là con người run rẩy thổn thức gọi cha mẹ bằng giọng nói quê nhà. Thế thôi.
    
Bình Dương, 29/12/2017
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment