Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, December 28, 2017

ĐƯỢM TÌNH GIỮA NHỮNG SÀO LÁ BUÔNG

December 28, 2017

Share it Please

    Khi bước giữa những sào phơi lá này, Tây chỉ muốn khỏa thân và e ấp nép vào những phiến lá mỏng manh này rồi nửa kín nửa hở căng ngực ưởn người chớp mắt làm nũng trước ống kính máy ảnh. Thật đấy! Có lẽ vì biết nó là lá Buông chuyên dùng làm nón ở Việt Nam nhưng là nguyên liệu làm giấy chép kinh Phật của người Khmer. Những phiến lá trắng xanh mỏng manh cứ ngời lên màu nắng. Nắng Bình Phước mùa này thì ôi thôi là vàng hươm. Trời xanh thẳm. Mây trắng và mỏng như bông lau. Đất lại đỏ như son nữa chứ. Gợi cảm lắm luôn. Chẳng ngờ những cây số cuối cùng của quốc lộ 13 lại khiến Tây dào dạt cảm xúc như thế.

   Cái làng này cách cửa khẩu quốc Hoa Lư đâu khoảng một cây số. Làng không làm nón mà chỉ phơi nguyên liệu làm nón. Đâu khoảng 20 năm về trước, khi rừng Tánh Linh (Bình Thuận) chính thức cạn kiệt lá Buông các thương nhân buôn nón và thủ công mỹ nghệ Bình Định, Bình Thuận đã mướn người lên đây ăn ở để hằng ngày phơi lá Buông sau khi thu mua từ bên Campuchia về. Lá tươi về được tước ra để lấy phiến lá chẻ ra làm vành nón còn lá thì để lợp cái khung để thành cái nón duyên dáng. Lá phơi hai nắng thì khô và được tập kết lại theo xe về các xứ. Tây hỏi giá một ký lá bao nhiêu. Bà con ở đây bảo không biết đâu con ơi, cô chú chỉ làm mướn cho người ta thôi. Ông chủ tự đi gom chớ cô chú có bán cho ai đâu mà biết.

    Còn bên kia cửa khẩu, người Campuchia từ lâu coi đây như là thứ giấy quý để chép kinh Phật. Người ta dùng một mũi kim mài nhọn. “Viết” xong chữ thì người ta lấy bồ hóng trộn với dầu xoa lên chữ, chùi cho mặt lá sạch sẽ, để chữ nổi lên. Người Campuchia coi đây là loại giấy thiêng nên trước khi chọn cây nào đó để chặt lá làm sách thì trước đó, họ đã cúng xin thần cây rồi.

    Rừng Tánh Linh, Bình Thuận của chúng ta trước đây cũng có nhiều cây Buông. Cây thọ ngang tuổi người, ra hoa một lần rồi chết. Xưa người ta dùng sóng lá để vót chông, làm ná. Lấy lá chằm thành tấm vách nhà. Rừng buông của ta không còn nữa, ta phải sang tận biên giới để mua. Ôi rừng...
Bình Dương, 27/12/2017
Tây Nguyên Xanh

0 comments:

Post a Comment