Nó là cái chợ, ô hợp, không mua bán gì, chỉ rặt cò kè bớt một
thêm hai giá sức lao động của con người. Vâng, chợ người, chợ nhân công hái cà
phê!
***
Sáng sớm Y’Săm Bya dậy từ khi mờ đất. Anh ăn cơm rồi châm dầu
vào cái xe công nông đang đậu ngoài sân. Thằng Y’Thiên Mlô nghe tiếng ama nổ xe
to nên cũng dậy đánh răng và ăn cơm để đi học. Chị H’ Biên Mlô trèo lên cái moóc
xe công nông theo chồng chạy ra phía đầu buôn làng, nơi có rất nhiều người đang
chờ họ ở đó. Tất cả họ, đâu khoảng 20 người cùng ngồi trên chiếc xe ấy để đến
ngã ba cách buôn khoảng 10 km. Ở đó, cũng đang có nhiều người chờ họ, nhưng chờ
để thuê sức lao động của họ
***
Mỗi sáng, khi nhà Y’Săm và nhiều gia đình Ê Đê khác bật đèn,
cũng là lúc chị Huyền My thức dậy. Người đàn bà ngoài 35 tuổi ấy chuẩn bị cái
giỏ để chạy đi chợ mua thức ăn cho cả ngày khi trời còn mờ đất để lúc trở về,
chị còn kịp lo đồ ăn sáng và chở con đi học. Còn chồng chị, anh Trọng Nhân cũng
chỉ được “ngủ nướng” đến…5h30 là phải dậy nổ xe công nông. Anh cũng phải đi chợ
trước khi ra rẫy nhưng chợ này là chợ nhân công. Anh ra đầu ngã ba ngã năm hoặc
bất kể nơi nào có người tụ tập đông đúc để nhanh tay chọn được đôi ba cặp nhân
công về phụ hái cà với hai vợ chồng anh. Anh mà đi muộn thì người ta thuê hết mất.
Anh và nhiều chủ rẫy khác không phải lười nên thuê nhân công mà do làm không kịp,
không xuể nên phải thuê thêm người giúp. Anh Nhân đón người xong thì chạy thẳng
ra rẫy. Chị Huyền My ướp nhanh tô thịt, cắm nồi cơm to thừ lứ rồi quơ vội hai
cái bánh mỳ thả vào giỏ rồi chở con đi học xong thì phóng xe thẳng ra rẫy cho
chồng ăn sáng và bắt đầu một ngày hái cà phê.
***
Mùa cà phê năm nào
cũng thế, hai cảnh tượng tôi kể trên cùng diễn ra trong khoảng hai tháng cuối
năm thôi nhưng nó ám ảnh chúng tôi lắm lắm. Hai tháng quyết định đời sống cho một
năm tiếp theo nên nó như vắt kiệt sức lực của bất kể những ai lấy cây cà phê
làm cần câu cơm. Cái chợ nhân công ấy nó chỉ là đám đông ô hợp, chỉ họp đâu khoảng
sáu chục phiên nhưng nó cũng có cái nét đặc trưng của miền đất Tây Nguyên. Cái
chợ ấy còn có cả người Kinh đi bán sức lao động của mình nữa nhưng nay ít rồi
các bạn ạ. Họ tìm về các khu công nghiệp để làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao
động với mức thu nhập ổn định hơn là chỉ trông vào hai tháng mùa cà phê nhu thuở
xưa. Thành ra chỉ còn người dân tộc thiểu số là còn chung lưng đấu cật với nông
dân trồng cà phê trong những ngày này. Cà phê xứ Việt sẽ là của ai sẽ là một dấu
chấm hỏi lớn. Tôi sẽ nêu vấn đề ở bài khác.
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Y Dương Bya
0 comments:
Post a Comment