Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Friday, December 1, 2017

NGƯỜI VỀ KONG CHRO

December 01, 2017

Share it Please
    Vậy là chị đã về Kông Chro. Thật tình tôi đã cảm giác được điều đó từ lâu, nhưng cũng nghĩ chưa sớm thế, hoặc biết đâu chưa nhất thiết như thế. Vẫn hi vọng - mà để làm gì nhỉ? - chị sẽ ở lại.

    Tôi biết chị đã bị "gọi", từ lâu lắm rồi, thậm chí có thể ngay từ hồi còn ở ngoài Hà Nội kia, tiếng gọi ấy, lúc âm ỉ, lúc bùng phát, day dứt, quằn quại, nguôi đi, rồi lại cháy lên, dằng dai, khi âm thầm, khi réo gọi, và những ngày nó réo gọi trông chị cứ như người bị ma ám.

     1. Những ngày ấy tôi nhìn vào đôi mắt đăm đăm và ứa lệ của chị mà biết rằng chị đang cố dìm tiếng réo gọi ấy xuống, khó nhọc vô cùng, nhưng mà chị dìm được. Chị còn công việc, mà chị cũng lại là một người đàn bà chăm chút và tận tụy, từ ngày chị còn là một cô gái tươi mởn tôi gặp trong rừng Kông Chro, cách đây vậy mà đã hơn nửa thế kỷ... Từ ngày về Pleiku, sau 1975, thì tiếng réo gọi ấy gần quá nên càng thống thiết, đêm ngày ráo riết bên tai, cả trong giấc ngủ. Bạn có bao giờ biết được kiểu tiếng réo gọi ấy chưa? Chỉ mình nghe được, không phải trong tai, mà trong tim - chị có lần bảo tôi như vậy, chị khó lòng cưỡng nổi.

     Song tôi vẫn nghĩ còn anh ấy nữa kia mà, anh ấy có thể giữ được chân chị chứ. Hóa ra đâu có phải thế, chính anh ấy cũng bị "nó" cuốn đi mất rồi! Ghê gớm thay tiếng gọi ấy, nếu đến lúc nào đó bạn cũng nghe được, trong tai, trong tim, ấy là lúc bạn có thể tự coi là mình đã trở thành được một người Tây nguyên chính cống. Tôi tin rằng ông linh mục Jacques Dournes đã nghe được như vậy, tất nhiên ông ấy là một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học, ông hiểu Tây nguyên rất sâu như một nhà khoa học, nhưng có bao nhiêu nhà khoa học khác từng đến đây và không hề kém "khoa học" hơn ông, vậy mà chỉ có ông bỏ đạo để "qui y" theo Tây nguyên. Chính là vì ông đã nghe được tiếng réo gọi của nó.

       "Nó", tức là rừng. Rừng Tây nguyên.

    Tôi đã từng ở Hà Giang, mạn cao Đồng Văn, Mèo Vạc, cũng toàn núi, đẹp như tranh, như mơ, nhưng hầu như ở đấy không có rừng. Chỉ có đá. Đá cũng dữ dội và ám ảnh lắm, cao nguyên đá nổi tiếng trên ấy. Nhưng ám ảnh của đá kiểu khác. Rừng lại khác. Rừng là một cái gì đó liên quan đến bản nguyên và bản lai của con người, nơi con người vốn sinh ra từ trong thăm thẳm ấy và từ nơi ấy mà đi ra, mà đến, liên quan đến sự ra đời và có mặt của con người trong thế giới này, thế giới người, thế giới văn hóa.

     Người Tây nguyên, đơn giản mà thâm trầm, hiểu văn hóa tức là làng, và làng là xã hội, ngược lại với tự nhiên, với hoang dã là rừng, đấy là ước vọng và động tác của con người tách ra khỏi mẹ rừng, hệt như đứa con để được trở thành người thì phải dứt ra khỏi cuống nhau của mẹ. Người Ba Na khi sinh nở, đem chôn nhúm nhau của đứa bé ngay dưới chân cầu thang nhà sàn.

      Nghĩa là rứt ra mà vẫn gắn bó, mối nối kết với mẹ rừng vẫn ở đấy, ngay chân cầu thang hằng ngày con người bước xuống bước lên. Và khi chết thì sau một thời gian chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa trân trọng cuối cùng, người sống sẽ bỏ mả, bỏ luôn, không còn đi lại chăm sóc gì nữa. Không phải đã quên. Mà vì con người ấy đã từ rừng đi ra, sau khoảnh trần gian ngắn ngủi này, bây giờ tất phải trả về lại cho rừng. Cuộc đời, xã hội là cái khúc đoạn ở giữa, rất hay, rất vui, nhưng cũng chỉ là khúc đoạn ngắn ở giữa, mà hai bên, hai đầu là bất tận rừng, cũng tức là bất tận không gian và thời gian. Vậy nên, theo một nghĩa nào đó thì sống là một sự níu kéo thường xuyên giữa tách ra và trở về, mà trở về mới là chính, căn bản, vĩnh hằng.

      2. Vậy đó, chị ấy đã về Kông Chro rồi, bạn tôi, chị H'Ben, chị bị nó gọi về rồi. Tôi có cái may được quen biết H'Ben từ rất sớm, và do tình cờ gần như được lần theo từng khúc đoạn trong cuộc đời cũng không ít sóng gió của chị. Ấy là hồi năm 1954, quân ta đánh trận phục kích lớn trên đường 19, tiêu diệt binh đoàn số 100 của Pháp vừa rút từ Triều Tiên về. Tôi có dự trận ấy, đánh xong lại hăng hái chuẩn bị tiến lên bao vây tiếp Pleiku, những mong làm ăn to nữa. Nhưng rồi hiệp định Genève được ký, tất cả dừng lại, và chuẩn bị đi tập kết.

     Chúng tôi ở An Khê. An Khê bấy giờ còn là một huyện lớn, sau này mới chia làm ba, phía bắc là huyện Kbang, ở giữa là thị trấn An Khê, phía nam là huyện Kông Chro. Chúng tôi được lệnh chọn một số thanh thiếu niên đưa ra Bắc để đi học. Trong số ấy có H'Ben. Một cô gái Ba Na đôi mươi, thật đẹp, vẻ đẹp riêng của con gái Ba Na. Tôi biết con gái Ê Đê, Gia Rai, Xơ Đăng chẳng thiếu gì người đẹp, nhưng đều không đẹp kiểu Ba Na.

     Trong các dân tộc ở Tây nguyên, duy người Ba Na nghệ sĩ và tài tử hơn cả. Chỉ xin nói gọn một điều này thôi, triết lý sống của họ tóm tắt: làm vừa đủ ăn là được rồi, hết lại làm nữa, cùng lắm thì vô rừng đào củ mài, củ mài hết thì ăn rau rừng, có sao đâu, cố mà làm chi, còn để thời gian mà chơi chứ. Chơi, vui sống mới là mục đích cao nhất của con người trong cái khúc đoạn đi qua cuộc đời trần thế này. Các cô gái Ba Na thấm cái chất đó trong máu. Chất phác, lam lũ, nhưng cũng lãng mạn, tài tử, say đắm, và rất đỗi đa tình. Tôi đọc được điều ấy trong mắt H'Ben ngay lần gặp đầu.

      Tôi hiểu, H'Ben là người Kông Chro mà, chớ coi thường, Kông Chro là đất Ba Na gốc trong toàn bộ vùng Ba Na, người Ba Na ở đấy gọi là Ba Na Mlô, Ba Na nhất trong tất cả nhánh Ba Na, tài tử và lãng mạn nhất. Chính một kiểu cố tình ghìm lại, tự che giấu cái chất tài tử và lãng mạn đánh chết không thể chừa ấy làm nên vẻ đẹp khó cưỡng của các cô gái Ba Na Kông Chro. Đôi mắt ướt mà lại có lửa cháy trong ấy. Trong các thứ lửa, đáng sợ nhất là lửa ướt trong mắt đàn bà.

      Tôi gặp H'Ben và quen lần ấy nhưng không làm công việc trực tiếp tuyển mộ chị đi tập kết. Công việc đó được giao cho một anh cán bộ khác, rất trẻ và đẹp trai. Sau này có lần H'Ben kể với tôi chuyện anh ấy về làng tìm chọn và đưa chị đi. Đường xa, đêm đầu tiên họ phải ngủ lại trong rừng, chỉ có hai người, bấy giờ đã làm gì có võng, tải lá rừng ra mà ngủ, hai người nằm hai bên, ở giữa đốt một đống lửa. Đốt lửa là để xua cọp, rất nhiều và dữ ở vùng này...

    Đêm ấy H'Ben thao thức không sao chợp mắt, sợ cọp thì ít, chị kể thế, mà sợ người con trai đang nằm chỉ cách mình một đống lửa nhiều hơn. Và sợ cả chính mình nữa. Rừng đêm mênh mông ôm lấy hai người, mà rừng thì H'Ben quá hiểu rồi, rừng chúa là hay xúi giục... Mãi đến sáng H'Ben mới biết anh ấy cũng không hề ngủ. Cũng là lần đầu tiên anh nằm một mình với một cô gái trong rừng và dường như suốt đêm nghe một thứ tiếng xúi giục kỳ lạ của rừng...

     Rốt cuộc chẳng có gì xảy ra, sáng hôm sau họ lại lên đường, nhưng người con trai nọ chỉ đưa H'Ben đến cuối chân đèo An Khê, tại đó anh giao chị lại cho một đơn vị bộ đội, chị sẽ xuống tàu tại cảng Qui Nhơn đi tập kết cùng với đơn vị ấy. Còn anh thì quay trở lại, anh nắm tay chị - lần đầu tiên trong đời có một người con trai nắm tay chị - nói với chị rằng thôi em đi trước nhé - cũng là lần đầu tiên anh gọi chị bằng em và xưng anh - anh còn công việc, sẽ đi sau, hẹn gặp nhau ở miền Bắc.

     Anh đưa cho chị một chiếc khăn quàng cổ bằng vải dù chiến lợi phẩm anh vừa có được trong trận đánh binh đoàn 100, em ra ngoài đó nhớ giữ, miền Bắc lạnh lắm. Hẹn gặp lại ở Hà Nội nghen!... Mãi mấy mươi năm sau H'Ben mới biết anh bảo anh đi sau là anh dối chị, anh được phân công ở lại miền Nam chiến đấu, chính tại vùng Kông Chro quê hương của chị, anh đã cà răng căng tai sống và chiến đấu cùng đồng bào trong những năm tháng kẻ thù chống cộng diệt cộng ác liệt nhất, Kông Chro càng ác liệt bởi đấy là đất căn cứ cách mạng mà. Và anh đã hi sinh ở đấy, đâu khoảng năm 1959 hay 1960, trong rừng Kông Chro của chị, ngày ấy còn là rừng già đại ngàn...

     Thật lạ, họ gặp nhau đúng chỉ có hai ngày và một đêm trong rừng, hai người rất trẻ nằm thao thức hai bên ở giữa là một đống lửa mà họ cố giữ không để cho tắt một lúc nào, phần sợ cọp, phần sợ nhau và sợ chính mình. Đã có gì giữa họ đâu, chưa có chút gì, tuyệt đối chưa có chút gì, vậy mà H'Ben coi như đó là mối tình đầu đã mất đi mãi mãi của chị, một vết thương càng sâu và rát buốt vì là vết thương đầu đời. Tôi cảm ơn chị vô cùng vì chị đã kể với tôi câu chuyện kỳ lạ ấy, câu chuyện cực kỳ vô lý mà lại thật vô cùng. Chị kể với tôi, chỉ với tôi vì chị đã coi tôi là người rất thân, phải thân lắm người ta mới có thể tâm sự với nhau những điều kỳ quặc đến phi lý mà lại thật vô cùng như vậy...

      Vâng, đấy là H'Ben, bạn tôi, bạn thấy chưa, đàn bà Ba Na là vậy đấy, họ là con ruột của rừng, cũng thăm thẳm bí ẩn như rừng.

      3. Tập kết ra Hà Nội ít lâu tôi gặp lại H'Ben. Chị ở đoàn văn công Tây nguyên, Y Yơn và Nhật Lai là bạn thân thuở đầu Tây nguyên của tôi cũng ở đấy, hầu như chủ nhật nào chúng tôi cũng ngồi với nhau, uống thứ rượu đế Hà Nội gắt cháy cổ mà thật vô duyên so với rượu cần Tây nguyên "của chúng tôi".

      Chúng tôi thèm rượu cần đến nỗi cứ ngỡ nỗi nhớ Tây nguyên day dứt của chúng tôi chính là nỗi nhớ thứ rượu cần đó. Y Yơn thỉnh thoảng lại tu một hớp rượu đế, ngậm một chút, nhăn nhó phồng má lên rồi nhổ toẹt: "Rượu cần của mình làm bằng rừng, còn cái thứ này toàn hóa học!"... H'Ben thường lảng vảng bên cạnh.

      Chị bảo, thỏ thẻ: Để khi nào về được trong ấy, em lại ủ rượu cần cho các anh uống. Câu nói không an ủi được mà chỉ làm cháy bùng thêm nỗi nhớ của chúng tôi. Ở Tây nguyên, đàn ông có thể làm mọi thứ, riêng rượu cần thì tuyệt đối chỉ có phụ nữ làm. Vậy đấy, trên xứ ấy, việc chế tạo ra cái chất say là chức năng riêng của đàn bà! Mà rượu cần chính là độc dược đặc biệt được chế bằng rừng, mọi thứ gây say đằm mà đắm đuối đến muốn chết của nó đều được làm bằng rừng: rễ cây, vỏ cây, lá cây.

      Người ta bảo cả những thứ lá gì đó nữa, chỉ có các chị và các bà biết và người ta cũng bảo phải chính tay các chị, các bà tự mình đi vào rừng hái, nhặt lấy, pha chế thì mới công hiệu. Vâng, rượu cần chính là rừng được chưng cất, rừng lên men. Nỗi nhớ rượu cần chính là nhớ rừng, rừng và những người "đàn bà rừng", các bà phù thủy gây say...

      Chúng tôi nhìn H'Ben mà thương vô cùng. Chị nói vậy là chính chị cũng đang bị thiêu đốt bởi nỗi nhớ cồn cào đó. Cô gái Ba Na ấy vẫn đẹp, càng đẹp, nhưng vẻ đẹp như mỗi ngày pha thêm đôi chút chất não nùng. Chị gầy đi, hao mòn. Hà Nội, phố phường, gạch ngói, bêtông, chị thiếu rừng, chị ngạt thở... Rồi một hôm, tôi đi đâu đó hơi lâu, trở về bỗng nghe tin khá đột ngột: H'Ben đã lấy ông Núp. Đột ngột nhưng không ngạc nhiên. Tôi quen thân với cả hai.

     Chị Liêu, vợ Núp, mất trước khi ông đi tập kết. Ông quê Kbang, tức cùng là An Khê cũ với nhau cả. Và điều quan trọng hơn, Núp, tôi biết, cũng đầy chất Ba Na, thấm đẫm tâm hồn tự do sâu tận bên trong. Ở Hà Nội ông ấy cũng ngày đêm âm thầm quằn quại vì nỗi nhớ rừng khôn nguôi. Bấy giờ được cho đi học văn hóa tại một trường bên Gia Lâm, đêm nào ông cũng đốt một đống lửa giữa phòng, mùa đông đã đành, cả mùa hè cũng không thể thiếu. Đốt lửa ngồi một mình suốt đêm, và mắt thì cứ mờ đi, các giáo sư bác sĩ nổi tiếng đều không chẩn đoán ra bệnh gì. Mãi đến khi trường chuyển lên Hòa Bình, gặp lại rừng, mắt ông bỗng sáng bừng ra, người cường tráng hẳn lên. Hóa ra ông mắc bệnh thiếu màu xanh của rừng!...

     H'Ben và Núp, họ gặp nhau là phải quá rồi. Tôi mừng cho cả hai. Có nhau họ nguôi bớt được nỗi nhớ rừng chăng?... Ấy vậy mà năm 1962 tôi đi vào Nam, chỉ ít lâu sau bỗng được tin cặp ấy đã tan! Sao thế nhỉ? Hai con người Ba Na lạc loài giữa miền Bắc cùng nuôi một nỗi cô đơn kín đáo, cùng âm thầm đau nhớ quê rừng, sao lại không thể tìm được hạnh phúc bên nhau?...

     Ông Núp về quê, theo đúng phong tục "nối dây" của dân tộc mình từ ngàn đời, cưới người em gái của vợ cũ ngày trước, một cuộc sống bình lặng trong đó hạnh phúc dường như không còn là điều quan trọng.

      Còn H'Ben, chị sống ở Hà Nội không ít, lại trong môi trường sân khấu chói lòa ánh đèn và thơm phức phấn son. Chị đi mấy chuyến ra nước ngoài, Bắc Kinh, Matxcơva... Thế giới hiện đại tác động lên chị theo cả hai chiều thoạt trông trái ngược nhau mà lại tất yếu: không gì làm phai được chất rừng của chị, chỉ càng khiến nỗi nhớ sâu thêm là khác, nhưng đồng thời chị cũng trở nên hiện đại hơn trong ý thức và ý chí tự mình chọn lựa và chiếm lấy hạnh phúc cho cuộc đời mình.

      Chị phải đi tìm hạnh phúc của chị chứ. Và chị đã tìm được. Anh ấy là một nghệ sĩ vĩ cầm, gốc Hưng Yên nhưng lên Hà Nội đã lâu và trở thành đặc Hà Nội. Gặp H'Ben là anh gặp Tây nguyên và lập tức bị cuốn hút. Ngay từ những ngày còn ở Hà Nội, qua H'Ben, anh đã bị Tây nguyên hóa rồi, đã qui y Tây nguyên. Tôi biết có những người như vậy, cứ như kiếp trước họ là người Tây nguyên, của rừng Tây nguyên.

     Anh Thịnh, người nghệ sĩ vĩ cầm Hà Nội của H'Ben, ở trong số ít nhạc sĩ đến với Tây nguyên không vì hám lạ mà thật sự bị nó nhấn chìm không kịp cưỡng lại ngay từ phút đầu. Tôi nghi rằng tình yêu của anh đối với H'Ben và với âm nhạc Tây nguyên là cú sét đánh một phát trúng cả hai mục tiêu cùng lúc. Có lần anh thổ lộ với tôi anh "lỡ" sa vào Tây nguyên, bị nó mê đắm, chính là sau một đêm nghe đinh tút. Thật vậy đó, đinh tút, tôi nói lại lần nữa, dường như có gì đó hơi ma quái trong ấy, từ những ống sáo đơn giản đến cùng, cái lối biểu diễn toàn nam mà lại mặc váy đàn bà, chỉ chơi vào đêm thật khuya, và âm điệu của nó ám ảnh suốt đời chỉ sau một lần nghe. Anh Thịnh "chết" vì nó là phải. Từ đó với anh, H'Ben, nhạc Tây nguyên, với rừng nữa, là một...

      Tôi gặp lại họ vài năm sau giải phóng ở Pleiku, tìm mãi mới ra. Anh chị sống ở một xóm nhỏ ven thị. Chị đi dạy múa và hát ở Trường Văn hóa Nghệ thuật cách đó không xa, đồng lương còm cõi trông cả vào đấy. Còn thì cả anh chị chỉ chuyên tâm vào mỗi việc, chẳng ai giao cả, sở văn hóa không, trường nghệ thuật không, đoàn ca múa tỉnh cũng không: đi sưu tầm dân ca Ba Na. Say mê, đắm đuối. Mà bây giờ có dễ đâu, ai lên Tây nguyên hôm nay đều biết cuộc sống thực của bà con dân tộc bản địa đang ngày càng bị đẩy lui vào rừng sâu.

      Ven đô, ven đường lớn bây giờ chẳng khác gì ở Hà Nội hay Sài Gòn. Tượng nhà mồ đắp bằng ximăng. Nhà rông do Nhà nước xây cho các làng, mỗi cái mấy trăm triệu, mái tôn, sàn bêtông. Nhạc thì hú hét, các ông nhạc sĩ ở dưới xuôi lên làm thứ nhạc ấy, phổ biến khắp nước, rồi chính thanh niên Tây nguyên cũng hú hét theo cho ra "độc đáo Tây nguyên"... Tôi biết anh chị rất đau. Có hôm chị hỏi tôi, hay là mình già quá, mình lạc hậu, hoài cổ mất rồi?... Chị không trả lời được rành rọt, nhưng cả con người chị phản ứng lại.

       Và rồi họ dắt nhau đi, hai vợ chồng, cột cửa nhà lại bỏ đấy, đi bẵng hàng tháng, lang thang vào những vùng sâu nhất, xa nhất, nơi đêm khuya còn có thể nghe một tiếng đinh tút - có lần anh bảo tôi thế. Hai nhà sưu tầm tận tụy và không công, hàng chục năm nay. Sưu tầm làm gì, có lần tôi hỏi. H'Ben bảo chị cũng không biết, nhưng biết nó đang mất đi từng ngày cùng với rừng, không thể không cố giữ lại, cho đời. Đời nào? Tôi hỏi. Chị ngơ ngác một lúc rồi cười ra nước mắt, "Mình cũng không biết, ờ, đời nào nhỉ!...".

      4. Lần này thì tôi quyết đi tìm lại cho kỳ được chị bạn Ba Na mấy mươi năm trước của tôi, cùng anh ấy nữa, anh đã bỏ về Kông Chro cùng chị tức là anh cũng đã hoàn toàn Ba Na hóa rồi, qui y thật sự rồi. Có anh bạn mượn được cho cái xe, Pleiku - Kông Chro 130 cây số, đặc biệt đoạn từ An Khê vào Kông Chro gần 40 cây số mười mấy năm trước tôi có lần đi, đường xấu kinh khủng, ổ voi chứ không phải ổ gà, hệt trên mặt trăng. Bây giờ thì đường tốt quá, xe băng bon bon. Thấy mà buồn: ngày trước đường xấu vì còn nhiều rừng, xe reo vào lấy gỗ nườm nượp, và không gì phá nát đường bằng xe reo. Bây giờ rừng bị vét sạch rồi, xe reo không thèm lai vãng nữa, đường lại láng trơn!

       Đến Kông Chro vừa cuối giờ làm việc buổi chiều, tôi ghé qua phòng văn hóa huyện chào hỏi mấy câu rồi chạy thẳng đến chỗ chị H'Ben. Ôi, mới mấy năm mà anh chị đã xây được một cơ ngơi kha khá: hai căn nhà, nhỏ thôi, một nhà gạch, và sát ngay bên cạnh, một nhà sàn. Nhà nhỏ chìm trong một vườn khá rộng, sum suê, xanh mướt, chạy dọc ven bờ sông Ba - vẫn là con sông Ba ấy, dài và kiên trì nhất Tây nguyên, đổ từ chót vót đỉnh Ngok Linh xuống, chảy dọc suốt mấy tỉnh liền, băng qua bao nhiêu núi và thảo nguyên, vào tận Phú Yên - vườn đã rợp xoài, điều, vú sữa...

     Chị H'Ben ôm chầm lấy tôi: Ôi, anh, mới biết bạn bè cũ thì không bao giờ quên nhau! Còn chị, tôi hỏi, sao lại bỏ về Kông Chro thế này, không báo cho anh em một tiếng? Mình là người rừng thì về rừng thôi anh ạ, chị đáp ngay, thản nhiên. Mà chính anh đấy, anh cũng về rừng tìm bạn còn gì!

      Anh Thịnh đâu rồi? Tôi hỏi. H'Ben nắm tay tôi lặng lẽ dắt lên nhà sàn. Anh Thịnh đang nằm trên ấy. Anh bị tai biến, liệt nửa người, nằm một chỗ đã mấy năm nay. Dưới nhà nghe vọng lên tiếng một người ú ớ: cậu con trai của chị, năm nay hẳn cũng đã đến bốn mươi mà vẫn không nói ra được tiếng nào, suốt ngày chỉ khua chân múa tay và ú ớ, nước bọt chảy lòng thòng trên chiếc cằm lún phún râu. Cậu ấy bệnh thần kinh từ bé, tôi đã biết. Bây giờ thêm anh Thịnh nằm một chỗ nữa, H'Ben một mình nuôi hai người tàn tật.

     Anh Thịnh cầm tay tôi, kéo lại gần. Lâu lắm anh mới nói: "Bây giờ H'Ben đi sưu tầm, về hát lại cho tôi ghi, chúng tôi vẫn làm việc, không được như trước, nhưng bỏ sao được, anh". Thế đó, hai anh chị kéo nhau về Kông Chro là để tiếp tục công việc âm thầm mà say mê của họ bao nhiêu năm nay: sưu tầm dân ca Ba Na. Ở tận ngọn nguồn của nó, nơi Ba Na nhất trong toàn bộ Ba Na: trong rừng Kông Chro. Khi H'Ben đã bỏ đi xuống bếp, anh Thịnh kéo tôi lại gần anh hơn nữa, thì thầm vào tai tôi: "Rồi tôi cũng sẽ nằm lại đây thôi, anh ạ. Và cũng sẽ bỏ mả đúng như người Ba Na. Người Ba Na khi chết là trở về mãi mãi với rừng, tan biến trong rừng. Không gì đẹp bằng, đúng không anh?"...

     Đêm Kông Chro sau nhà H'Ben có tiếng nước con sông Ba mải miết. Có lẽ đêm nay cả ba chúng tôi, H'Ben, anh Thịnh và tôi, đều không ai ngủ được. Nghe sông Ba chảy âm thầm, và âm thầm nghĩ về nhau, về tình bạn của chúng tôi, về cuộc sống thật đắng cay mà cũng thật đẹp làm sao. Chỉ nguyên việc chúng tôi có nhau, có tình bạn của nhau, và cùng có rừng bao trùm lên tất cả để cho có được tất cả những cái ấy, đã là quá đẹp rồi.

     Mấy năm trời họ đã làm được một việc khổng lồ, tôi nghĩ mãi vẫn không sao hình dung nổi: chỗ đất bây giờ là vườn và nhà của họ, nguyên toàn ruộng bỏ hoang. Hì hục, hai con người ấy, một anh nghệ sĩ vĩ cầm Hà Nội, một người đàn bà Ba Na hơn 70 rồi mà vẫn thon thả, và một cậu con trai tàn tật, từng ngày, từng ngày họ vác từng cục đất, lấp, đắp lên thành nền, thành vườn, đắp đến đâu trồng cây đến đó.

      H'Ben bảo tôi: "Chúng tôi định trồng hết dọc mấy cây số bờ sông này. Tôi đã xin với huyện rồi, cứ cho chúng tôi làm, chúng tôi sẽ biến cả bờ sông này trở lại thành rừng". Bao nhiêu năm xe reo vào cướp hết rừng Kông Chro, nay hai con người ấy muốn làm công việc Ngu Công lợp lại rừng. Vẫn là rừng, vậy đó, nỗi ám ảnh khôn nguôi của chị.

      Một anh bạn cũng là người gắn bó lắm với Tây nguyên nói với tôi, đối với Tây nguyên có lẽ vấn đề hiện nay là thế này, anh viết hai chữ to trên một tờ giấy trắng: "giảm sốc". Đúng vậy, nếu hiện đại hóa và kinh tế thị trường - mà là thị trường "hoang dã" như có người nói không sai - đang gây sốc cho cả xã hội thì cú sốc ấy đối với Tây nguyên chắc chắn là dữ, nặng hơn nhiều, có thể gây cả đổ gãy.

     Đổ gãy trong từng con người và trong xã hội. Tôi biết H'Ben bằng cả bản năng lẫn từng trải của mình hiểu rất sâu điều đó, chị quyết bám chắc vào cái gốc rừng vĩnh hằng của mình để đứng vững trong thách thức của hiện đại. Có cả anh Thịnh đi cùng chị. Im lặng vậy mà can trường vô cùng, có khi còn hơn cả thời chiến...
Người viết:  Nhà văn Nguyên Ngọc
Nguồn bài viết: Pleiku Cafe

0 comments:

Post a Comment