Tôi dành ít phút
ghé thăm trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện
Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) giữa trưa chớm mùa khô. Rừng xào xạc lá bay theo từng
hồi gió thổi phất phơ. Tôi chung chiêng giữa ngổn ngang những gì thấy và nghe được.
Tôi ngẩn người chứng kiến một người phụ nữ “bị nhốt” chung với một cá thể Voọc Chà Vá Chân Đen. Hỏi
vì sao, mới hay người ấy tha thiết xin được mắc võng, ngủ cùng con Voọc mà bà
đã nuôi hơn 10 năm. Tôi không biết nên biết ơn hay oán hờn nữa…
Mười năm trước, một
người buôn bán đồng nát đang lúi húi cúi đầu nhặt ve chai thì bỗng có nhóm người
đi qua, trên tay họ cầm cái lồng đựng một con “khỉ” nhiều màu. Chân nó đen,
lưng nó đen có lất phất bạc, ngực trắng mà mặt thì vàng sữa có pha chút xanh da
trời. Bà bảo bán cho bà đi, chúng bán và con “khỉ đực” ấy ngày ngày ngủ chung
giường với bà như hai mẹ con. Rồi bỗng…
Các chú kiểm lâm
trong một lần về làm công tác dân vận ở huyện Bù Đốp mới biết tin có người nuôi
“khỉ có nhiều màu” này. Họ ghé và gọi đích danh con vật này là Voọc Chà Vá Chân
Đen, loài linh trưởng quý hiếm trong sách đỏ thế giới, đặc hữu của Việt Nam. Bằng
lời khuyên và vận động hết cỡ, các chú kiểm lâm đã đưa được chú Voọc mười tuổi
này về trung tâm cứu hộ của vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, Bình
Phước). Nhớ nó quá nên một tháng bà dành đôi ba ngày xin được mắc võng ngủ
chung với Voọc.
Bà ấy có công đã cứu
nó nhưng một có một trời tội. Tội ấy là bà đã nuôi nó như nuôi người. Voọc gần
như không có khả năng tự kiếm thức ăn. Nó đã lớn nhưng không được kết cặp để
sinh sản. Nuôi để chờ nó chết già chứ không phải nuôi để nó sinh sôi như người.
Tôi viết những dòng này để xin tất cả những ai đang nuôi động vật hoang dã thì
hãy tìm cách cho chúng được về với tự nhiên. Đừng nhốt nó trong cái lồng có tên
tình yêu ấy nữa.
Bình Dương, 16/1/2017
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment