Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Wednesday, May 13, 2020

MÙA MÙN CƯA BAY - 1

May 13, 2020

Share it Please

     Chúng tôi sống ở vùng nông thôn Tây Nguyên nhưng chưa bao giờ biết đến khái niệm “vào rừng kiếm củi” hoặc phải đi lang thang địu từng bó củi từ khắp nơi về nhà để đun. Đó là cảnh sống của người Tây Nguyên bản địa. Họ có rất ít rẫy, nếu không muốn nói là đại đa số không có. Họ có cái nhà, mảnh vườn bé xíu và đôi ba mẫu ruộng lúa ven suối thôi. Vừa đi chăn bò (cho con gái có mà làm sính lễ rước con rể về chẳng hạn), họ vừa nhặt củi. Chiều chiều, nhìn hình dáng bước thấp bước cao, sau lưng nặng trĩu gùi củi và thay thoăn thoắt quất roi vào đít bò, những hình dáng đó, không bao giờ tôi quên và cũng không bao giờ chạy lướt qua mà không ngắm thật lâu khi về thăm quê. 


    Còn người Kinh ngụ cư từ tứ xứ như chúng tôi, mỗi nhà có cả hecta rẫy. Quanh năm chặt Muồng đen, cà phê làm củi về chất đầy hàng rào, hai bên lối vào nhà luôn. Sau một mùa mưa đi chặt về, đốt 2 năm không hết. Đó là cái thời chưa dùng bếp ga nhé. Chứ dùng bếp ga thì phải nhờ mối và nấm tai mèo làm hoai mục bớt chứ không biết khi nào đốt được hết đống củi của một mùa mưa. Một năm chúng tôi dùng hết 2 bình ga. Đó là nhà tôi dùng ‘”dữ” lắm rồi á. Nhà người ta một năm dùng có một bình thôi à. Xào nấu đồ ăn chứ đun nước, hầm canh vẫn bếp củi. 


Trong rẫy cà phê có đủ loại củi cho nhen nhóm lẫn đốt lò. Cành cà phê khô được rất hữu ích cho việc làm roi đánh trẻ con và nhóm bếp. Cành cây muồng (loại cây làm chắn gió cho cà phê) thường to bằng cổ tay được đút vào bếp khi lửa đã đỏ. Và nếu đốt lò nấu bánh tét ngày xuân thì những gốc cà phê to bằng bắp đùi được bỏ vào.

Tôi nhớ tiếng nổ tanh tách mỗi sáng đun nước hãm chè tươi cho ba má uống. Gõ đôi dòng trong cơn mưa chiều xứ lạ cho đỡ nhớ quê hương.
Thị xã Bến Cát, 13/5/2020
Lời :Tây Nguyên Xanh
Ảnh: Hà Thị Minh 

0 comments:

Post a Comment