Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Thursday, January 14, 2021

MÙA CÀ PHÊ 2020 - Kỳ 4: UNG DUNG NGỒI ĐỢI HỒNG NGÂM THÁNG MƯỜI

January 14, 2021

Share it Please

 
    Vội vàng ăn nhãn tháng năm, ung dung ngồi đợi hồng ngâm tháng mười. Mình nghe ba má nói rứa. Quê má ở Hưng Nguyên chỉ có….thuốc phiện chứ không có hồng ngâm. Còn quê ba ở Nam Đàn thì…bạt ngàn luôn. Các cụ bạn của ba khi tụ tập ăn uống đôi lúc vẫn kể cho bọn sinh ra và lớn ở Tây Nguyên như mình rằng trái hồng nhỏ chút xíu ấy, hái lúc vàng vỏ xong ngồi đâm chọt cho nhựa nó chảy ra, cái rồi đổ vô bao, vác lên ngâm dưới nước khe suối trên núi Đại Huệ. Nước chảy trôi hết nhựa và cứ ngâm như thế mấy ngày thì hồng chín. Các bác các chú giải thích như thế cho bọn mình hiểu vì sao trái hồng ông bà gửi vô cho bọn mình ăn trong những ngày đầu mùa cà phê lại có mấy lỗ thâm đen chứ không đẹp và to như hồng giòn Đà Lạt. À, kể xong, các cụ không quên nói câu “bay thì biết chi đến thời đói khổ của bọn choa”.


    Những năm trước 2005, tức là chưa có phong trào đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì đến cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, người từ các miền quê Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rủ nhau vào Tây Nguyên hái cà thuê. Họ vô từng đoàn, một băng ghế trên xe khách vốn chỉ có 2 người nhưng lúc nào cũng chét ba người, giá vé cao ngút vì mùa đi lại mà. Những cái xe này đón khách ở địa điểm quen thuộc nào đó ở quê rồi vô đây cũng trả khách ở những ngã ba ngã tư đường mà có người hàng xóm cũ đã di cư vào. Có câu chuyện vui là cô nọ sau một ngày một đêm ngồi ê mông trên xe khách, bỗng dưng anh lơ xe hô to ai xuống ngã ba Nam Đàn (ở quốc lộ 14) thì chuẩn bị nha. Cô ấy há hốc mồm bảo loanh quanh mãi mà vẫn chưa ra khỏi Nghệ An à. Có câu chuyện cười ấy là vì cái lẽ ấy.

    Những ngày còn hái bói, ba má và hàng xóm thường điện thoại về quê hỏi trong làng có ai muốn vào hái cà phê không. Thường một nhà sẽ thuê một cặp nam và nữ. Nhưng khi đi đón, có thể đưa về nhà bốn đến năm người. Có năm không liên lạc với ai cả, cứ ra ngã ba chờ xe trả khách, lấy cái giọng Nghệ An ra hỏi trong mấy đứa bay có ai muốn về nhà tau không. Rứa mà cũng có người về. Ngoài hai người mình cần đón thì những người còn lại là đi theo chứ giao kèo với ai cả. Vì là đồng hương hàng xóm cũ trong cùng một làng với nhau họ không sợ không có việc làm nên kéo nhau đi ‘cả bầy” vui lắm. Khi xưa các cụ theo lệnh gia đình con thứ thì ngồi trên cùng một xe vô nam làm kinh tế mới nên vô đây cùng ở chung một vùng. Bởi vậy khi có người ngoài quê vào, ông bà nội ngoại hoặc các bác con trưởng ở ngoài quê thường gửi bao lạc, mấy ký hồng ngâm vô cho cháu ở trong này. Một người đi nhưng ôm mớ quà của cả mười người gửi. Khi nghe tin nhà mình có người từ chợ Tro vô, rứa là, đồng hương xã Nam Anh, Nam Thanh, Xuân Hòa trong vòng bán kính 10 km ghé nhà uống nác chát (nước chè xanh), hỏi thăm chuyện quê nhà và nhận quà. 


    Ai có lô cà phê thì đều có nhu cầu thuê nhân công hái quả chín trong mùa thu hoạch chứ các bạn đừng nghĩ như kiểu dân Tây Nguyên giàu, sống như kiểu chủ đồn điền, ngồi không rung đùi thuê người khác làm. Mỗi gia đình thường sắp xếp 4 cặp nhân công hái trong cùng một ngày. Bản thân chủ nhà góp hai cặp, ấy là ông bà chủ nhà một cặp, hai người ở thuê trong nhà là một cặp và ngồi ra đổi công với hai cặp của nhà hàng xóm nữa. Bởi vì hái một cây cà phê phải có 2 người. Thường nam và một nữ. Người nam có sức khỏe hơn nên kéo lưới đựng cà phê nhanh hơn. Người nữ tuy yếu hơn nhưng họ nhẫn nại ghém hai mảnh lưới dưới gốc cây sao cho đảm bảo khi hái có ít quả rơi văng ra ngoài nhất và họ hái cũng chịu khó lựa quả chín chứ không nắm cả chùm mà tuốt như mấy ông nam tính. Nhân công cứ ở và giúp gia chủ như thế đến đầu tháng tháng mười một âm lịch thì hết mùa.

     Lúc này, mùa cà phê năm 2020 đã xong trên toàn bộ khu vực Tây Nguyên. Nếu như ngày xưa thì khoảng thời gian này hằng năm, chủ nhà lẫn lượt tặng vé xe, tiễn nhân công quê và cũng lại đùm to đùm nhỏ gửi về miền quê ấy. Đùm có có gì đâu, thường là gói mì chính (bột ngọt), một ký tiêu khô, một bao gừng, nghệ, khoai môn vàng mới bới dưới đất lên.

    “Đất khách muôn trung sao nhỏ hẹp, quê nhà một góc nhớ mênh mông”, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài như nói hộ nỗi lòng của hàng vạn con người xa xứ. Nhớ!
Bình Dương, 12/12/2020
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh trong bài viết là Hồng trứng Nghệ An 
Tác giả ảnh: Nguyễn Thanh Tùng
Mã QR zalo của tớ đây, ai muốn trao đổi thông tin thì vào đây



***
Kỳ tới: NHỮNG LỚP LỤA TRONG TRÁI CÀ PHÊ


0 comments:

Post a Comment