Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Saturday, May 22, 2021

NÔNG THÔN TÂY NGUYÊN KỲ 32: PHONG TRÀO TRỒNG CAU

May 22, 2021

Share it Please


    Năm ngoái, mình về thăm nhà, mắt tròn mắt dẹt khi đi quanh xóm, thấy nhà ai cũng trồng cây cau quanh hàng rào. Mình tưởng tượng độ mươi năm nữa cái xóm mình nhẽ thành “mọi trầu” (người miền núi ăn trầu ở miền Trung) hết. Cơ mà không phải, các cụ trồng để bán quả cau chứ không phải để ăn. Mình lại cắc cớ rằng chả nhẽ nay sính lễ hỏi cưới phải nguyên một buồng cau to đùng và một người cưới đôi ba lần thì mới tiêu thụ hết từng ấy buồng cau sản sinh ra từ khắp vùng rộng lớn ở Tây Nguyên. Các cụ lại cười khẩy bảo cau trồng để xuất khẩu chứ có dùng để cưới xin đâu. Ai mua? Đài Loan! Mỗi lần tàu cập bến Nha Trang thì thương lái lượn như diều khắp Dak Lak để săn cau. Mà cau ấy phải còn non cơ, cau già rẻ hơn. Quả cau cảnh còn mua trụi cây luôn mà. 80 nghìn một ký cau mà trồng nó không tốn công chăm sóc gì, cứ thế chờ thương lái tự trèo lên cây hái rồi mình ở dưới đếm tiền, lời hơn cả trồng cà phê.


    Cách khu du lịch buôn Ko Tam khoảng 5 km về phía đi Nha Trang, có cái khe nước gọi là khe Tư Yến (hình như đây là tên chủ đồn điền cà phê thời chế độ cũ), người ta khoét thành cái hồ để cung cấp nước cho toàn thành phố Buôn Ma Thuột. Công ty nước Dak Lak không cho dân xung quanh đó trồng cây gì cả vì sợ dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, thế là anh quản lý khu đất ấy chỉ được trồng cau. Vườn cau này dày đặc cây, ngay trước trường cấp ba của mình luôn. Mấy năm gần đây, anh ấy bán cây cau giống và cau buồng thu về cả tỷ bạc. Thấy dân mình đồn thế. Kiểu nhẫn nại chờ thời ấy.



    Mình lại hỏi Đài Loan mua làm gì mà nhiều thế, các cụ nông dân nhẫn nại đáp mình rằng họ mua về làm…kẹo hoặc chiết ra chất mà bỏ vào món ăn gì thì gây nghiện món ăn ấy. Mình không tin. Lọ mọ lên mạng tìm báo cáo nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học của các hợp chất có trong cây cau. Tìm ra được báo cáo khoa học gần nhất (năm 2019) của nhóm nghiên cứu sinh ở bên Trung Quốc về câu cau Areca catechu L. 


   Trong đó họ nói rõ rằng Đông Y vốn dùng cau để tẩy giun nhờ hoạt chất Arecoline. Hoạt chất Arecaine và gubacine có trong cau còn có tác dụng với Gaba trong não làm cho người ta thấy hưng phấn. điều trị chứng khó tiêu…nhưng cái mình để ý nhất là câu viết :” Arecoline có thể làm giảm trạng thái say rượu”. Mình nghĩ họ mua nhiều vì cái sự giã rượu cũng nên. Là mình cứ miên man thế chứ vẫn chưa  nhắn tin các bạn bên Trung Quốc xem họ biết gì về công dụng thời hiện đại của quả Tân Lang này không.
Bình Dương, 21/05/2021
Lời: Tây Nguyên Xanh
Ảnh sưu tầm trên Facebook 

1 comments:

  1. Dạ bên đài loan người ta có cả một ngành dịch vụ trầu cau giá trị cao ấy chị ạ...

    ReplyDelete