Vùng nông thôn ở Tây Nguyên cũng có nếp sống tương tự như bao miền quê nông nghiệp Bắc và Trung Bộ khác. Nồi cơm và ấm nước chè luôn là thứ không thể thiếu mỗi ngày. Chín giờ sáng, như mọi khi, mình đi vo gạo cắm cơm. Ấn nút xong là thủng thẳng ra hàng chè ở cuối bờ rào cắt mấy cành vào om nước cho ba uống. Hình như cái từ ‘om chè’ trong tiếng phổ thông là “hãm chè” hay sao ấy. Ba Má mình là người xứ Nghệ nên không thích uống nước pha từ lá trà khô. Nước ông bà uống phải là thứ nước chè màu xanh trong, chát ngăm ngăm. Chè hái từ cây xuống, đem bẻ cả lá và cành, rửa rồi vò nát bỏ vào ấm sứ (nếu có thì ngon nhất) hoặc ấm nhôm. Sau đó rưới nước vừa mới sôi sùng sục lên, tráng cho hết nước lạnh kẻo nước sau khi om nước sẽ có màu đỏ quạch. Tiếp nữa là đổ nước nóng đến mức vừa ngập cành lá. Hái một cái lá chè tươi vò làm nút rồi nhét chặt vòi ấm cho kín. Cuối cùng là vùi cái ấm trong cái chăn bông hoặc trong cái ủ chuyên biệt mà người Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ hay bỏ ấm tích vào ấy. Xong cơm và nước rồi mới dám nghĩ đến cái sự an nhàn của việc xào thức ăn hay những việc hay ho khác.
Thế quái nào, có bữa ba đi phun thuốc cho cà phê về. Bụng ba đang đói meo, mình ra mở cửa đón cho ba vô, mình mới phát hiện quên ấn nút nấu cơm. Mặt mình lúc ấy xanh như đít nhái, lấm la lấm lét nghe động tĩnh của ba như nào. Hên sao bữa ấy chú hàng xóm điện thoại mời ba sang nhậu. Ối sồi ôi, cứ phải gọi là cuộc đời mình nở hoa. Nhẹ nhõm hết cả người. Nhưng đó chỉ là lần may duy nhất. Các lần khác toàn bị ba xét hỏi có phải khóa cửa đến nhà thằng hàng xóm rủ đi chơi nên giờ này mới về nấu cơm không. Huhu, oan oan là. Thằng ấy khóa cửa nhà nó, đến rủ giã muối ớt rồi trèo lên cây ổi sau vườn nhà mình ăn luôn trên đó đến trưa thôi. Mình có khóa cửa đâu, ơ kìa. Tất nhiên những lần ấy không dám kể thật, trước sau như một: “dạ con quên nhấn nút”. Bây giờ mình đi làm và sống ở một nơi mà hễ chán ăn cơm, người ta có thể dắt cà nhà ra quán thay vì phải chịu cơn đói trong tiếng cơm sôi. Mình chợt ngẫm, sao đời người nông dân khổ thế. Tất nhiên làm gì có nghề nào sướng, kể làm thứ tướng chỉnh phủ, nhưng rõ ràng cái nếp sống ở quê nó đang gò bó người nông dân thì phải.
Tán nhau phải thò thụt đầu ngoài ngõ, nhờ ai đó đuổi chó, xin phép bác cho con được đi lại tìm hiểu em gì gì đấy nhà mình. Chứ mà đứng ở cổng điện thoại phát, cô gái bước ra đặt mông lên cái yên xe cái là các cụ hàng xóm rỉ vào tai nhau rằng chúng nó đến quán cà phê…đèn mờ đấy, chửa vượt mặt đòi cưới cho mà xem. Nhà ai không nấu cơm trưa, cả nhà rủ nhau ra ăn cơm quán một bữa cái là mãi sau này cứ bị trêu bóng trêu gió với cái mác nhà giàu mà thế nọ thế chai. Kể chuyện đã cũ để mà cười một chút cho vui thế thôi chứ người quê nay cũng cởi mở lắm. Internet được nối đến từng nhà. Các cụ không còn thói quen mời nhau đi uống “nác chát” (nước chè xanh) nữa mà xuống quán cà phê ở đầu xóm tụ họp ở đấy bàn về những bàn thắng của trận Euro đêm qua, xin mật khẩu wifi để lướt facebook xem con cái cháu chắt ở Sài Gòn, Đà Nẵng có ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không. Nghe nói giờ cũng cấm là cà quán sá luôn rồi. Đôi vợ chồng bạn của ba mình vì thương nhau, buổi nông nhàn, con cháu lập nghiệp ở xa cả nên không sợ con đói muộn học như ngày xưa. Quên bật nút thì ta thong thả ngồi tán chuyện chờ cơm chín. Già rồi, cái tình là chính, ăn mấy đâu, nhẩy?
Bình Dương, 5/7/2021
Tây Nguyên Xanh
0 comments:
Post a Comment