Cô bạn cùng ở chung ký túc xá công ty cũ đang làm dâu bên Triết Giang, bỗng dưng gọi điện về nói bà ơi, bà kiếm cho tui mấy cuốn sách viết về tâm lý trẻ con từ 5 đến 11 tuổi giúp tui với. Mấy đứa nhà tui nó lỳ quá. Tui nói không nghe. Tui sợ tui không biết dạy. Mà sách bên đây chữ Trung Quốc không à. Tui nào giờ biết nói chứ có biết đọc chữ đâu. Thương bạn nên lên nhà sách Nguyễn Văn Cừ lựa mấy cuốn rồi chạy về Tây Ninh giao tận tay một cô dâu chuẩn bị sang đoàn tụ với chồng ở Trung Quốc.
Lái xe trên chặng
đường trăm cây số cả đi lẫn về cứ miên man nhớ giây phút bạn làm lễ Lạy Công Cô
trong đêm trước ngày cưới. Rồi trước đó nữa là quãng thời gian bạn nằm trong ký
túc xá, lâu lâu hỏi mình tin nhắn thằng bồ tui viết như vầy có nghĩa là gì vậy,
gu gồ dịch xong tui đọc không có hiểu. À mà sao cái đoạn chúng chát sếch siếc với
nhau lại chẳng hỏi mình nhỉ. Chắc lúc ấy gu gồ nó dịch chuẩn. Tưởng bạn quen chơi. Ai ngờ bạn cưới thiệt. Một
mối tình như số phận an bài. Chị gái của chồng bạn một ngày nọ ngắm bạn từ gót
chân đến đỉnh đầu rồi hỏi bạn có bồ chưa, thích làm mai người Trung Quốc không.
Năm đó bạn hai sáu tuổi. Cái tuổi mà năm nào lễ tết cũng có chòm xóm họ hàng hỏi
chừng nào mày lấy chồng, bạn nghe riết muốn quạu luôn. Bạn đồng ý kết bạn với một
người lạ, đi học tiếng Trung giao tiếp ba tháng rồi được tặng vé sang bên ấy chơi
gặp anh bạn kia. Ngày chàng trai ấy đến Việt Nam ra mắt gia đình bạn, cũng là
ngày xin dâu và dựng rạp cho ngày cưới sau đó. Mặc áo cưới rồi mà bạn vẫn tự hỏi
ủa, mình lấy chồng thật ta?
Gần sáu năm làm dâu,
bạn là người Việt nhưng cũng như bao nhêu cô vợ Trung Quốc thời nay, chỉ việc ở
nhà chăm con, chồng đi làm để lo kinh tế cho cả gia đình. Bạn chưa có thủ tục làm
thẻ xanh nên chưa thể đi làm một cách hợp pháp. Nếu bạn ghét nhàn rỗi, muốn đi
làm, các con lại được gửi cho ông bà nội chăm, lại là cái truyền thống người già
chăm cháu cho cha mẹ chúng đi làm ở khu công nghiệp đặng còn xây dựng đất nước.
Những vui buồn của ông bà chăm cháu đã được Trung Quốc dựng thành phim, thành kịch
và cả những tiểu phẩm hài cười ra nước mắt nhiều rồi.
Hy vọng từng này
con chữ sẽ giúp bạn bớt “thèm” hình dáng chữ latin trong biển trời chữ tượng hình
lắm nét. Mình cũng nhớ những lần sếp cũ sắm quà từ Việt Nam đem về Trung Quốc
cho hai đứa con cũng toàn những thứ có chữ tiếng Anh. Bởi anh muốn các con có
thêm môi trường tiếp xúc tiếng nước ngoài thông qua nhãn hiệu hàng hoá. Thế đấy,
khi con chữ trở thành món quà thì ắt ẩn chứa trong đó những nỗi khát khao.
Bình Dương, 06/09/2022
Tây Nguyên Xanh
Tình thật tuyệt!
ReplyDelete