Mọi trao đổi xin liên hệ: bientaynguyen@gmail.com

Monday, November 7, 2022

Cuộc Giành Giật tên Gọi Cây Lúa Của Giới Khoa Học Trung Quốc Và Nhật Bản

November 07, 2022

Share it Please
Tác giả ảnh: Duy Black

 
   Chúng ta đều biết là vào năm 1930, nhà nông học người Nhật Bản Kato Shigemoto (加藤茂苞sinh 1868–mất 1949) đã đặt tên cho giống lúa ba trăng (Tiên Đạo籼稻) là Oryza sativa subsp. Indica và giống lúa tám cánh ta (Canh Đạo粳稻) là Oryza sativa subsp. Japonica Trong đó subsp là viết tắt của subspecies . Nhìn vào tên gọi, thế hệ sau sẽ nhầm tưởng đó là hai giống lúa có nguồn gốc Ấn Độ và Nhật Bản. Các học giả Trung Quốc thời đó, nhất là người đặt nền móng cho nông học hiện đại Trung Quốc, Đinh Dĩnh (丁颖sinh 25/11/1888 – mất 14/10/1964) không chấp nhận điều này. Ông cho rằng nguồn gốc của lúa gạo không liên quan đến Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản mà đó chính là các nước Đông Nam Á. Lúa gạo du nhập vào Trung Quốc nhờ giao du với người nước Chiêm Thành (Chăm Pa) thuở xưa. Vậy hà cớ gì người Nhật lại tự ý đặt tên như thế.

    Vốn dĩ người Trung Quốc cũng có tham vọng đặt dấu ấn quốc gia của mình vào trong tên gọi của loài thực vật ảnh hưởng đến dinh dưỡng của nhân loại này. Năm 1949, nhà nông học Đinh Dĩnh tìm cách liên hệ với giới khoa học ở nước Liên Xô cũ và Nhật Bản để đưa ra đề xuất đổi tên gọi thành Oryza sativa subsp. Hsien và Oryza sativa subsp. Keng nhưng bị từ chối. Đinh Dĩnh mong Hsien và Keng có cách viết gần giống với chú âm pinyin của Tiên 籼 (Xiān) và Canh 粳 (Jīng) phát âm theo giọng Quảng Đông. Yếu tố Trung Quốc nằm ở chỗ ấy.

    Yếu tố Nhật Bản trong tên gọi của lúa tám cánh thì ta có thể hiểu được nhưng vì sao giống lúa ba trăng lại được cho là gốc Ấn Độ. Nói đến đây ta phải nhắc đến nhà thực vật học người Pháp, Alphonse L.P.P. de Candolle (sinh1806–mất 1893). Năm 1882, ông viết cuốn Nguồn Gốc Của Các Loài Cây Trồng (Origine des plantes cultivées). Trong sách này ông có nói rằng chữ gạo trong ngôn ngữ của người châu Âu có nguồn gốc từ âm vrīhi của tiếng Phạn. Ấn Độ có rất nhiều giống lúa dại (lúa ma, loại lúa nhanh chín và dễ rụng). Ông cho rằng lúa gạo đã đi từ Ấn Độ du nhập vào Iran, khu vực đồng bằng Lưỡng Hà (hai con sông Tigris và Euphrates) và Syria. Bởi vậy từ “gạo” trong ngôn ngữ của các nước Tây Á đều mượn âm của tiếng Phạn. Người Hi Lạp cổ đại lại mượn âm của người Iran (Ba Tơ) xưa để rồi phiên ra chữ ὄρυζα (oruza)hoặc ὄρυζον(oruzon)Hệ thống chữ Latin dùng làm danh pháp quốc tế hiện nay lại mượn tiếp ngôn ngữ Hi Lạp để phiên ra chữ Oryza làm tên gọi cho cây lúa nói chung. Sau này người Ý đã mượn chữ này để sửa thành chữ riso, người Pháp cổ đại sửa thành ris, tiếng Pháp hiện đại là riz và người Anh lại đổi thành rice để nói về gạo. Riêng gạo là arroz trong tiếng Tây Ban Nha lại có nguồn gốc từ chữ arúzz của tiếng Arabia. Nhà nông học người Nhật Kato Shigemoto lúc đó so sánh hai giống lúa này và ngỡ rằng lúa ba trăng có gốc từ Ấn Độ, ông lấy nó làm chuẩn so sánh với giống tám canh ta.

    Còn về chữ đạo 稻 (cây lúa) trong tiếng Hán thì được giải thích từ hình dáng chữ Giáp Cốt như sau: Phần trên chữ đạo có một chữ Mễ 米, tức là các hạt gạo đang rơi. Phía dưới là hình dáng của cái bồ đựng thóc. Phía trên toàn chữ còn có một lá cờ, biểu thị đón gió rê thóc. Đồng thời dùng tay giã gạo. Các thể chữ sau này mới biến đổi thành như bây giờ. Những di chỉ khảo cổ thực vật của nền văn hoá Hà Mỗ Độ những năm 70 của thế kỷ 20 đã khiến cả thế giới đổ xô về Trung Quốc nghiên cứu quá trình thuần hoá lúa dại thành lúa gieo trồng hiện nay như thế nào. Tuy nhiên về mặt tên gọi, nếu không có cuộc cự cãi này thì có lẽ người Trung Quốc đã tự cho rằng lúa gạo có nguồn gốc ở nước họ. Hoạt khoa học nghiên cứu nguồn gốc thực phẩm nhờ cuộc cãi vã này mà rõ ràng một chút.

Bình Dương, 7/11/2022
Tây Nguyên Xanh

1 comments: